Xã hội 5.0: Đón đầu xu hướng toàn cầu, lấy con người làm trung tâm
DNVN- Xã hội 5.0 (Society 5.0) là mô hình xã hội của những thành phố thông minh, lấy con người làm trung tâm. Mô hình xã hội này áp dụng hệ thống dữ liệu trí tuệ nhân tạo (AI) để cân bằng các tiến bộ kinh tế và công nghệ để giải quyết các vấn đề của xã hội.
Cơ hội cho sinh viên tài năng tham gia kiến tạo xã hội số / Hà Nội xử lý tình trạng ''báo hóa'' của các trang thông tin điện tử và mạng xã hội
Xã hội 5.0 là gì?
Khái niệm Xã hội 5.0 lần đầu tiên được nhắc tới trong Kế hoạch Cơ bản lần thứ 5 về Khoa học và Công nghệ của Chính phủ Nhật Bản do Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Nhật Bản xây dựng. Trong bản kế hoạch này, Xã hội 5.0 được mô tả như một mô hình xã hội trong tương lai, tiếp nối xã hội săn bắn (Xã hội 1.0), xã hội nông nghiệp (Xã hội 2.0), xã hội công nghiệp (Xã hội 3.0) và xã hội thông tin (Xã hội 4.0).
Giáo sư Harayama Yuko, Giáo sư danh dự tại Đại học Tōhoku (Nhật Bản), đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của Quỹ Elsevier, ORCID và thành viên Ban chỉ đạo khoa học của Cơ quan Nghiên cứu Quốc gia Pháp (Hiệp hội ANR) nhận định: “Xã hội 5.0 là một sáng kiến kết hợp không gian vật lý (thế giới thực) và không gian mạng bằng cách tận dụng tối đa CNTT-TT, nơi chúng tôi đề xuất một hình thức lý tưởng cho xã hội tương lai: một "xã hội siêu thông minh".
Mô hình thành phố thông minh - Xã hội 5.0 ở Nhật Bản.
Với Xã hội 5.0, số hóa được coi là một loại phương tiện và con người đóng vai trò là những tác nhân trung tâm. Trong xã hội truyền thống, sự đổi mới trong công nghệ thúc đẩy sự phát triển xã hội, nhưng trong tương lai, quy tắc này sẽ được đảo ngược khi ‘xã hội’ là nền tảng cốt lõi để phát triển và mang lại những giá trị mới.
Giáo sư Harayama Yuko cho rằng: “Mô hình xã hội 5.0 được xây dựng nhằm giải quyết các thách thức xã hội hiện đại bằng cách áp dụng vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội những tiến bộ của công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI) hay dữ liệu lớn (Big Data). Thay vì một tương lai được điều khiển và giám sát bởi AI và robot, công nghệ được mô hình xã hội 5.0 khai thác để đạt được một cộng đồng nơi con người làm trung tâm.”
Điều gì làm cho Xã hội 5.0 khác biệt?
Việc cân bằng giữa áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế - xã hội khiến các thành phố thông minh có thể đảm bảo tính khả dụng và hiệu quả của những dịch vụ vận hành trong thành phố.
Điều này đạt được là nhờ sự hội tụ ở mức độ cao giữa không gian mạng (không gian ảo) và không gian vật lý (không gian thực). Trong Xã hội 5.0, một lượng lớn thông tin từ các cảm biến trong không gian vật lý được tích lũy trong không gian mạng. Trong không gian mạng, dữ liệu lớn này được phân tích bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và kết quả phân tích được phản hồi lại cho con người trong không gian vật lý dưới nhiều hình thức khác nhau.
Xã hội 5.0 cùng lúc cân bằng tiến bộ khoa học công nghệ, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội.
Xã hội 5.0 hoạt động như thế nào?
Ở mô hình xã hội thông tin (Xã hội 4.0), thông tin được thu thập thông qua hệ thống mạng kết nối và được con người phân tích. Ở Xã hội 5.0, con người, vạn vật và hệ thống đều được kết nối trong không gian mạng và kết quả được tối ưu do. Quá trình này mang lại giá trị mới cho ngành và xã hội theo những cách mà các mô hình xã hội trước đây chưa thể làm được.
Xã hội 5.0: Mô hình xã hội lấy con người làm trung tâm (Human-Centered Society)
Khái niệm xã hội 5.0 là tầm nhìn về bản chất con người và xã hội bền vững công nghệ, nơi con người, thiên nhiên và công nghệ tìm thấy một nền kinh tế tuần hoàn trong chuyển đổi số thông minh - xã hội thông minh.
Khái niệm ban đầu về xã hội 5.0 đã được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố với thế giới trong bài phát biểu nổi tiếng mang tên “Tuyên bố Hannover” tại CeBIT 2017 ở Hannover, Đức. Trích lời phát biểu của Cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe:
“Một bước ngoặt lớn trong lịch sử loài người đã đến.
Trong những ngày tiền sử (Xã hội 1.0), chúng ta đã mạo hiểm vào rừng để săn bắn. Nếu đó là chương đầu tiên của lịch sử loài người, thì chương thứ hai (Xã hội 2.0) là khi chúng ta đã thành công trong việc đảm bảo một lượng lương thực ổn định ở dạng gạo và lúa mì.
Bức màn kéo lên ở chương ba (Xã hội 3.0) khi làn sóng công nghiệp hóa đến với cái mà chúng ta gọi là thời hiện đại; chương bốn (Xã hội 4.0) chứng kiến viễn thông và máy tính hợp nhất, mở ra một cánh cửa mới.
Bây giờ chúng ta đang chứng kiến sự mở đầu của chương thứ năm, khi chúng ta có thể tìm ra giải pháp cho những vấn đề mà chúng ta đã không thể giải quyết. Thời đại mà tất cả mọi thứ được kết nối và tất cả các công nghệ hợp nhất là sự ra đời của “Xã hội 5.0”. ”
Tổng quan các mô hình xã hội.
Khi nền kinh tế ngày càng phát triển, cuộc sống ngày càng sung túc và thuận tiện, nhu cầu về năng lượng và thực phẩm ngày càng cao, tuổi thọ ngày càng dài, xã hội ngày càng già đi. Ngoài ra, quá trình toàn cầu hóa nền kinh tế đang diễn ra, cạnh tranh quốc tế ngày càng trở nên gay gắt, và các vấn đề như sự tập trung của cải và bất bình đẳng khu vực ngày càng gia tăng. Các vấn đề xã hội phải được giải quyết đối lập (như một sự đánh đổi) với sự phát triển kinh tế ngày càng trở nên phức tạp.
Trong Xã hội 5.0, giá trị được tạo ra thông qua đổi mới sẽ xóa bỏ khoảng cách khu vực, độ tuổi, giới tính và ngôn ngữ, đồng thời cho phép cung cấp các sản phẩm và dịch vụ phù hợp với nhu cầu cá nhân đa dạng và nhu cầu tiềm ẩn. Qua đó, đạt được một xã hội vừa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế vừa có thể tìm ra giải pháp cho các vấn đề xã hội.
Trên thế giới, nhiều quốc gia đã và đang từng bước xây dựng nền móng cho những thành phố thông minh: tập trung phát triển và ứng dụng các thành tựu công nghệ. Thông qua mô hình Xã hội 5.0 – lấy con người làm trung tâm, một số thành phố hiện đại đang có những bước đi đầu tiên để đón đầu xu hướng, phát triển đô thị theo hướng ưu tiên các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Thùy Dương
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo