Xã hội số

YouTuber Thơ Nguyễn dùng búp bê “cầu vía” phương hại trẻ em: Cần xử phạt mạnh tay!

DNVN - Đang có một làn sóng giận dữ của dư luận đối với YouTuber Thơ Nguyễn vì đăng clip búp bê ma xin vía học giỏi cho học sinh. Nhiều người kêu gọi tẩy chay kênh YouTube phản giáo dục này và mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc.

Sau sinh Đàm Thu Trang chi tiền 'khủng' để dưỡng nhan sắc bằng bồi bổ 'sâu vàng' 100 triệu/lạng / Phong cách thời trang 'thay đổi 180 độ' của Hồng Diễm trong phim 'Hướng dương ngược nắng'

Mới đây, Thơ Nguyễn - một YouTuber chuyên làm clip cho trẻ em đã gây xôn xao khi đăng một đoạn clip trên Tiktok với nội dung cho búp bê (gọi là Kuman Thong) uống nước ngọt để xin vía học giỏi. Trong clip, Thơ Nguyễn ôm con búp bê tên Cư Ma Mâp và xưng “mẹ - con” làm nhiều người xem giật mình. Ngay lập tức, cộng đồng mạng đã phản ứng dữ dội vì cho rằng người này đang truyền tải nội dung liên quan đến loại búp bê được nuôi như con người.

Cụ thể, Thơ Nguyễn cầm một sợi dây chuyền đung đưa trước mặt búp bê nói: "Mập ơi, bây giờ con nghe lời mẹ này, mai các anh chị đi học rồi, giờ con cầu cho các anh chị học giỏi nha. Nếu mà con cầu được thì con lắc ngang, không cầu được lắc dọc, nói chung là cứ lắc tứ tung đi. Lắc đi, lắc cái đầu là mẹ cho ăn đòn tét mông ngay".

Chưa dừng lại ở đó, Thơ Nguyễn còn cho búp bê uống nước ngọt, nói rằng muốn cầu được ước nấy thì phải cho búp bê ăn uống:"Bạn ấy rất thích uống nước ngọt Coca-Cola. Chị thấy rất nhiều bạn Kumanthong uống nước ngọt bằng ống hút nhưng Mập nhà chị không cần…”

Thơ Nguyễn đăng tải clip xin 'vía' học giỏi cho học sinh từ búp bê ma khiến phụ huynh giận dữ - Ảnh chụp màn hình.

Thơ Nguyễn đăng tải clip xin 'vía' học giỏi cho học sinh từ búp bê ma khiến phụ huynh giận dữ - Ảnh chụp màn hình.

Dưới đoạn clip, rất nhiều phụ huynh tỏ ra phẫn nộ và cho rằng đây là hành vi truyền bá độc hại, có thể ảnh hưởng tới trẻ em vì các bé rất dễ học, bắt chước theo. Các ý kiến gay gắt để lại: "Trẻ nhỏ chưa biết gì, khi xem những clip này sẽ thường nghe và làm theo. Học thì phải do sự nỗ lực của bản thân, chứ sao đi xin vía học giỏi được", "Không lôi những câu chuyện học hành của trẻ nhỏ ra câu view một cách bất chấp thế này. Nhiều trẻ nhỏ xem xong sẽ bị ảnh hưởng, không còn tập trung học hành nữa, cứ nghĩ xin vía là sẽ học giỏi luôn được",…

Hay, "Clip truyền tải nội dung vớ vẩn, không hề mang tính giáo dục hay giải trí cho các em nhỏ", "Từ nay con mình mà coi kênh YouTube Thơ Nguyễn là mình đập nát cái điện thoại luôn nhé", "Hỏng cả một thế hệ"… và vô số bình luận nặng lời hơn dành cho Thơ Nguyễn trên chính bài đăng giải thích về clip "bùa ngải" của cô.

Thậm chí, mới đây, Fanpage của Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM đã chia sẻ lại một bài viết khá dài về vụ việc trên, nêu lên quan điểm "Youtuber Thơ Nguyễn đăng clip búp bê bùa ngải! Nguy hiểm thực sự với những người thiết kế nội dung cho trẻ nhỏ kiểu này". Ngay sau khi bài viết này xuất hiện trên nhanh chóng nhận được sự quan tâm của các bậc phụ huynh. Nhiều người gay gắt cho rằng, cơ quan chức năng cần vào cuộc trong vụ việc này, xử lý nghiêm những nội dung gây phản cảm.

Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ bài viết chỉ trích Thơ Nguyễn ôm búp bê xin vía học giỏi cho trẻ nhỏ.

Fanpage Bệnh viện Nhi đồng Thành phố chia sẻ bài viết chỉ trích Thơ Nguyễn ôm búp bê xin vía học giỏi cho trẻ nhỏ.

Trước làn sóng giận dữ từ các phụ huynh và cộng đồng mạng với clip này đã khiến Thơ Nguyễn phải đăng bài giải thích rằng đó chỉ là sự hiểu nhầm vì clip trên TikTok bị cắt ở giây thứ 60, thực tế clip trọn vẹn của cô chỉ đùa về búp bê bùa ngải ở phần đầu nhưng phần sau thì khẳng định búp bê của cô chỉ là búp bê thường, không xin 'vía' được, các em nhỏ muốn học giỏi thì phải chăm học.

Tuy nhiên các phụ huynh không chấp nhận giải thích này. Chia sẻ về điều này, chị Hoàng Thị Thuỳ Linh cho biết, cho dù động cơ của Thơ Nguyễn là gì nhưng khi làm và đăng tải clip bùa ngải nói trên thì không thể chấp nhận được. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến các thế hệ trẻ con vốn chưa có khả năng phân biệt tốt - xấu, hay - dở.Là một người làm mẹ, chị không thể chấp nhận được clip này dành cho trẻ nhỏ.

"Không chỉ clip này, các clip khác của Thơ Nguyễn đều nhảm nhảm, hú hét, quái đản để thu hút trẻ nhỏ vốn tò mò và ngây thơ, không có nội dung mang ý nghĩa nhân văn, hay giúp các em nhỏ khám phá cuộc sống, những clip chỉ "đục khoét tâm hồn, méo mó nhận thức của trẻ nhỏ. Trước những clip không đúng chuẩn mực này, cơ quan chức năng cần vào cuộc để xử lý", chị Linh cho hay.

YouTuber Thơ Nguyễn.

YouTuber Thơ Nguyễn.

Được biết, Thơ Nguyễn vốn là Youtuber khá nổi tiếng tại Việt Nam. Hiện nay, trang TikTok Thơ Nguyễn có khoảng 939,7 nghìn lượt theo dõi với hơn 5,7 triệu lượt thích.

Trên nền tảng YouTuber, Thơ Nguyễn từng đạt nút vàng với 8,74 triệu lượt đăng ký theo dõi. Thời gian đầu, kênh youtube được nhiều phụ huynh yêu thích bởi các clip vui nhộn, dễ thương phù hợp trẻ nhỏ.

Nhưng dần dần, kênh bắt đầu xuất hiện các nội dung phản cảm, thậm chí gây nguy hiểm nếu trẻ nhỏ bắt chước theo. Trong đó có thể kể đến những nội dung như “Làm bồn tắm thạch Gelli Baff khổng lồ”; "Thí nghiệm đun lon nước và cái kết"... hay "thử thách cán tất cả mọi thứ dưới bánh xe ô tô"; "thử cho đá khô vào chai nước kín".

Với định hướng một kênh YouTube dành cho trẻ em, những nội dung này của Thơ Nguyễn được nhiều người đánh giá là không phù hợp, "xui dại" trẻ.

Cần xử phạt mạnh tay!

Có thể thấy, hiện nay, việc giải trí trên kênh Youtube nói riêng, mạng xã hội nói chung trở nên khá phổ biến và không thể thiếu của rất nhiều người, nhất là giới trẻ. Nhu cầu xem, tạo video ở Việt Nam vì thế cũng tăng mạnh trong thời gian gần đây.

Thống kê của Youtube cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 350 kênh trên một triệu lượt đăng ký. Những kênh này đem về thu nhập từ vài triệu đến hàng trăm triệu đồng cho những người chủ sở hữu nó. Kênh càng nhiều người đăng ký, có số lượng xem lớn thì càng cho thu nhập cao.

Tuy nhiên, bên cạnh các kênh Youtube với nội dung hữu ích, có tính chất giáo dục thì cũng có rất nhiều kênh bị đánh giá là nhảm nhí, dung tục, đăng tải những video giật gân, chỉ với mục đích “câu view”, gây ảnh hưởng xấu đối với người xem, nhất là trẻ em.

Mặc dù pháp luật đã có những quy định, biện pháp răn đe, xử lý các trang mạng xã hội, Youtube cũng có chính sách kiểm duyệt nội dung nhưng thực tế vẫn còn rất nhiều video có nội dung phản cảm, không phù hợp thuần phong, mỹ tục, lọt lưới kiểm duyệt và thu lợi.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để xử lý các video nhảm nhí, xấu độc trên mạng.

Theo Luật sư Đặng Văn Cường, cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ để xử lýnhững video rác, độc hại... trên mạng xã hội ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới trẻ nhỏ.

Theo các luật sư, những kênh Youtube đăng tải nội dung phản cảm, đi ngược với truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục, gây ảnh hưởng xấu cho xã hội có thể bị xử phạt theo Luật hình sự, Luật xử phạt vi phạm hành chính, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt sẽ không dễ dàng bởi pháp luật hiện hành chưa quy định rõ ràng thế nào việc nào là một video có nội dung nhảm, độc hại.

Chia sẻ với báo giới, Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho hay, những thông tin trên mạng xã hội có tác động rất mạnh tới giới trẻ - thế hệ được tiếp cận nhiều nhất và thường xuyên nhất với những kênh thông tin này. Nhiều nội dung được chia sẻ trên Youtube thường có tác động lớn đến người xem, trong đó phần lớn là trẻ em – đối tượng chưa hoàn thiện về mặt nhân cách, trí tuệ sẽ dễ dàng học theo, bắt chước những hành vi xem được trên Youtube.

Ông Cường dẫn chứng, vụ việc cháu bé xem hướng dẫn trên YouTube rồi thực hiện hành vi tự tử là một câu chuyện hết sức đau lòng, đây là hệ lụy xấu của các đối tượng vì câu view, muốn tăng lượt theo dõi, tương tác trên mạng xã hội mà đã thực hiện các hành vi trái pháp luật. Ngoài ra còn có các video dạy cách chế tạo súng, dạy cách chế tạo ma túy tổng hợp, hướng dẫn cách tự tử...

Đối với những hành vi này, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể xử lý hình sự về tội đưa truyền dữ liệu trái phép trên mạng internet. Tuy nhiên, trước khi xử lý được đối tượng vi phạm thì hậu quả đau lòng đối với trẻ em đã xảy ra. Vì vậy, trách nhiệm của các cơ quan chức năng là cần rà soát, phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời, các gia đình có trẻ em cũng cần có trách nhiệm trong việc quản lý, giáo dục, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể tự bảo vệ mình trên mạng xã hội.

Luật sư Đặng Văn Cường khuyến cáo, các gia đình có trẻ em thì nên quản lý những trang mạng xã hội chặt chẽ, ẩn hoặc chặn những kênh có nội dung tiêu cực, tránh việc các em xem và bị ảnh hưởng bởi những nội dung đó. Khi phát hiện những nội dung, thông tin trên mạng xã hội có thông tin phản cảm, vi phạm thuần phong, mỹ tục, trái đạo đức xã hội hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì người dùng nên báo cáo với cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật, giúp cho mạng xã hội, mạng internet trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng xã hội.

Đức Linh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm