Tin tức - Sự kiện

Chuyện “động trời” ở 115 Hà Nội: Có dấu hiệu giám đốc 115 chạy về hưu nhằm trốn trách nhiệm

Trước đại hội cán bộ, công nhân viên chức ít ngày vào cuối năm 2013, lo sợ đối mặt với “búa rìu dư luận”, Giám đốc Trung tâm Cấp cứu (TTCC) 115 đột ngột xin nghỉ với lý do sức khỏe và giao toàn quyền cho Phó Giám đốc Nguyễn Văn Chánh quản lý công việc. Nhưng thực chất cho đến nay, mọi hoạt động của 115 Hà Nội và việc giải quyết “cho êm” mọi sai phạm tại cơ quan vẫn được Giám đốc Nam điều hành từ xa.

Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội.

Phòng khám hoạt động chui?

Năm 2013, sau gần 10 năm hoạt động, phòng khám đa khoa 115 được thông báo đang hoạt động theo quy chế tạm thời khiến toàn bộ cán bộ, nhân viên trung tâm ngã ngửa. Hóa ra từng ấy năm, kể từ khi thành lập (2000–2007), kết thúc việc hoạt động theo cơ chế bán công, đến nay dường như phòng khám trên đang hoạt động chui.
 
Cơ chế tạm thời không được ban giám đốc lý giải một cách hợp lý đã khiến một số cổ đông từng góp vốn để phòng khám hoạt động, tìm cách đòi bồi hoàn khoản đóng góp.
 
Nhưng bất thường ở chỗ, khi thu số tiền người nhiều, người ít khoảng 100 triệu đồng gọi là đóng góp cổ đông vào năm 2011, Giám đốc Trần Văn Nam sử dụng con dấu và chữ ký mang tên mình. Nhưng khi bị đòi “rát quá”, Giám đốc Nam đã hoàn trả số tiền đóng góp cho cán bộ cấp dưới, nhưng người đứng ra trả lại là Cty công nghệ Cuộc Sống.
 
Theo lý giải của ông Nam, do 115 là đơn vị hành chính sự nghiệp không có chức năng quản lý vốn, nên phải giao một đơn vị khác. Có bất thường hay không khi thu tiền một nơi và trả tiền một nẻo như vậy?
 
Sự việc càng không bình thường ở chỗ, nếu 115 Hà Nội mà cũng đóng góp kiểu cổ đông, rồi tính lãi như một doanh nghiệp thì ý nghĩa xã hội, nhân văn của đơn vị liệu có còn không (!?).
 
Hoài nghi tính minh bạch của dịch vụ
 
Được biết đến là trung tâm chuyên khoa, được giao nhiệm vụ cấp cứu người bệnh, người bị tai nạn tại cộng đồng dân cư trên địa bàn TP.Hà Nội (cấp cứu trước bệnh viện), TTCC115 còn có dịch vụ y tế chuyển bệnh nhân theo yêu cầu mà người dân muốn sử dụng dịch vụ này có thể gọi115 bất cứ giờ nào trong ngày.
 
Tuy nhiên, tại trung tâm đã tồn tại việc không ký kết hợp đồng, thoả thuận giữa trung tâm và gia đình người bệnh cũng như không xác nhận kết quả thực hiện và không có biên lai nhận tiền giữa kíp xe và gia đình bệnh nhân, khiến cho dư luận không khỏi hoài nghi về tính minh bạch của dịch vụ này và người được hưởng lợi từ việc dùng xe của trung tâm làm dịch vụ.
 
Cụ thể, ngày 6.1.2007, TTCC115 đã thực hiện dịch vụ chuyển một người đã tử vong từ khách sạn La Thành về Phú Yên mà không có hợp đồng, cũng như biên bản bàn giao tiền, thanh lý hợp đồng. Ngày 29.11.2012, TTCC115 nhận chở dịch vụ một bệnh nhân từ Bệnh viện Quân đội 108 về Ninh Bình.
 
Xe ôtô do lái xe Nguyễn Huy Tưởng điều khiển đến TX.Tam Điệp thì xảy ra tai nạn, đổ xe, bệnh nhân chết, y sĩ Phạm Thị Tươi và điều dưỡng Nguyễn Thị Hường bị thương, phải vào bệnh viện cấp cứu. Được biết, khi CA TX.Tam Điệp giữ xe, giữ lái xe, lái xe đã phải bỏ tiền túi của mình ra để trả cho người nhà của bệnh nhân bị chết hàng chục triệu đồng. Tuy nhiên, vụ việc đã không được báo cáo lên cơ quan chủ quản là Sở Y tế Hà Nội...
 
Liên quan tới các vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc về những đánh giá của Sở Y tế Hà Nội về các sai phạm cũng như biện pháp xử lý cá nhân có liên quan của TTCC115 Hà Nội.
Báo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo