Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long: Kinh tế mới chỉ hồi phục bước đầu
Tổng cục Thống kê công bố số liệu về tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I-2015 tăng 6,03%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 và 2014 (mức tăng lần lượt trong 2 năm này là 4,76% và 5,06%). Ông có bình luận gì về mức tăng trưởng này, thưa ông?
Ngay khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo số liệu này với Thủ tướng Chính phủ, tất cả các Bộ trưởng cũng đều ngạc nhiên khi tăng trưởng quý I cao nhất 5 năm qua. Tăng trưởng quý I chủ yếu là do sản xuất công nghiệp, xây dựng, đặc biệt là khai khoáng, cụ thể khai thác dầu thô. Trong bối cảnh giá dầu thế giới sụt giảm mạnh, việc chúng ta tăng lượng dầu thô XK cũng là điều bất lợi. Tổng lượng dầu thô XK quý I tăng tới 34,8%, và do giá dầu giảm nên kim ngạch XK mặt hàng này cũng giảm tới 31,2%.
Nhìn chung khu vực công nghiệp, xây dựng quý I tăng 8,35%; đóng góp 2,82 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn từ 2011-2014. Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam là ngành nông nghiệp, XK nông lâm thủy sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong kim ngạch XK của cả nước thì lại sụt giảm mạnh trong 3 tháng đầu năm.
Số liệu GDP được Tổng cục Thống kê công bố thường có 3 loại: Số liệu ước tính, sơ bộ và chính thức. Dù chỉ ước tính, cơ quan thống kê vẫn khẳng định đó là con số sát thực. Tạm thời không bàn về con số, tôi nói về chất lượng tăng trưởng. Liệu mức tăng trưởng Việt Nam đạt được có yên tâm hay không, có tạo nên sự phân hóa giàu nghèo bất hợp lý hay không, tăng trưởng có công bằng hay không, tăng trưởng có đạo đức, có vì môi trường hay không? Có nghĩa chúng ta phải xem kỹ chất lượng tăng trưởng chứ không thể chỉ nhìn trên số lượng. Đó là điều cần thiết. Chúng ta chưa nên vội nhìn vào các con số để thấy lạc quan, cũng tránh bệnh thành tích trong điều hành.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2015 giảm 0,1% so với tháng 12-2014 và tăng 0,93% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân quý I năm nay tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2014, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Ông đánh giá gì về điều này, thưa ông?
Dù CPI tăng thấp, nhưng chưa vững chắc, giá thấp không phải do năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế mà do giá xăng dầu giảm; tồn kho tăng nên DN phải giảm giá để giải phóng hàng tồn.
Ngoài ra, những mặt hàng thiết yếu Nhà nước quản lý giá đang có chiều hướng điều chỉnh tăng. Việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như giá điện cần lưu ý. Nếu căn cứ vào CPI thấp để tăng giá các mặt hàng thiết yếu là không ổn với điều hành vĩ mô và làm tổn hại cho nền kinh tế, đi ngược lại kinh tế thị trường. Điều hành giá phải phụ thuộc mặt bằng giá để điều chỉnh.
XK của khu vực DN nội trong 3 tháng đầu năm cho thấy sự sụt giảm rõ rệt. Ông có thấy đây là điều đáng lo ngại?
Đây là điều rõ ràng trong những năm qua. XK đang chủ yếu dựa vào DN có vốn đầu tư nước ngoài với kim ngạch XK chiếm gần 70% tổng kim ngạch XK cả nước. Thời gian qua, giá XK các mặt hàng, đặc biệt là nông, lâm, thủy sản - mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam đều giảm mạnh. Có mặt hàng XK giá giảm tới 30%. XK nhóm hàng nông, lâm, thủy sản giảm tới 15,8% so với cùng kỳ. Đây là điều không tốt.
Số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn còn lên tới 18.740 DN. Song Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đánh giá đây là điều bình thường trong kinh tế thị trường. Ông có đồng ý với quan điểm này?
Trong nền kinh tế thị trường, 10 DN ra đời thì có tới 3 DN phá sản, giải thể, không phải DN nào khai sinh cũng thành công trong sản xuất, kinh doanh. Đây thực sự là quy luật trong kinh tế thị trường. Nhưng cần phải xem xét cả sức khỏe của các DN đang còn tồn tại, xem họ làm ăn có hiệu quả hay không.
Đánh giá chung về kinh tế quý I, ông có thể nói gì?
Khi đánh giá về nền kinh tế, cơ quan Nhà nước thường dùng những từ như "chuyển biến tích cực", quý sau tốt hơn quý trước, cơ bản là rất chung chung. Nhìn vào các số liệu được Tổng cục Thống kê công bố, có thể thấy thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài và XK trong quý I đều giảm. Chúng ta đã trải qua một giai đoạn dài nền kinh tế rơi vào khó khăn, cho nên hiện nay kinh tế cũng đã có sự khởi sắc hơn nhưng chỉ là bước đầu. Đừng nhìn nhận các con số được công bố bằng màu hồng để rồi chủ quan, hãy phân tích cụ thể từng chi tiết đằng sau những con số ấy như cơ cấu sản xuất, sức khỏe của khu vực DN nội...
Xin cảm ơn ông!
Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội quý I-2015
GDP tăng 6,03%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2013 và 2014
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 0,74% so với bình quân cùng kỳ năm 2014, đây là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây
Kim ngạch XK ước đạt gần 35,7 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014.
Kim ngạch NK ước đạt 37,5 tỷ USD.
Cả nước nhập siêu trên 1,8 tỷ USD.
Có trên 19.000 DN thành lập mới, tăng 13,5% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014.
Số DN giải thể, tạm ngừng hoạt động vẫn còn lên tới 18.740 DN.
Số DN ngừng hoạt động quay trở lại hoạt động là 5.094 DN, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2014.
Tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,837 tỷ USD, giảm 44,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 790,8 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 9,2% (cao hơn mức tăng 5,1% của cùng kỳ năm 2014).
Số khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 2 triệu lượt người, giảm 13,7% so với cùng kỳ năm trước
Vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành ước tính đạt 245,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 30,4% GDP
Nguồn: Tổng cục Thống kê
End of content
Không có tin nào tiếp theo