Chuyên gia nói gì khi hải sản miền Trung chưa an toàn?
(DNVN) - Việc khuyến cáo hải sản tầng đáy dưới 20 hải lý chưa ăn được là rất tốt nhưng đối với ngư dân sẽ khó phân định đâu là vùng dưới 20 hải lý để đánh bắt hải sản an toàn.
Như tin tức Doanh nghiệp Việt Nam đã đưa, tại cuộc họp giao ban lãnh đạo các cơ quan báo chí sáng 20/9, lãnh đạo các Bộ Tài nguyên - Môi trường, Y tế, Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã thông tin về môi trường biển và khai thác, sử dụng hải sản tại vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 22/8, sau khi Bộ Tài nguyên - Môi trường công bố hiện trạng môi trường biển 4 tỉnh miền Trung, Bộ Y tế đã tập hợp các chuyên gia đầu ngành về an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, độc học, sức khỏe của Bộ Y tế và các chuyên gia quốc tế để tiến hành nghiên cứu, đánh giá mức độ an toàn của hải sản 4 tỉnh miền Trung.
Bộ Y tế kết luận, tất cả hải sản như cá ngừ, cá thu, cá nục các loại, cá chỉ vàng, cá bạc má, cá hố, cá bò, cá cam, cá trích, cá đối, cá cơm và các loại hải sản khác sống ở tầng nổi, hải sản tại đầm nuôi của 4 tỉnh miền Trung đều đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Các loại hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 13,5 hải lý chưa đảm bảo an toàn để sử dụng làm thực phẩm.
Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, Bộ Y tế đề nghị, không sử dụng các loại hải sản như ghẹ, tôm, tôm tít, ốc, mực, cá đuối, cá đục, bạch tuộc, cua đá và các hải sản khác sống ở tầng đáy trong vòng 20 hải lý.
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TSKH Nguyễn Tác An, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Hải dương học (TP Nha Trang, Khánh Hòa), cho biết, ông đánh giá cao khuyến cáo của Bộ Y tế về việc không nên ăn hải sản đánh bắt ở tầng đáy của 4 tỉnh miền Trung nhằm đảm bảo sức khỏe. Tuy nhiên, ông cho rằng, hiện nay ngư dân đánh bắt nghề tầng đáy dưới 20 hải lý cũng rất khó chuyển đổi nghề đánh bắt mới.
"Tôi thấy khuyến cáo, cảnh báo như thế là rất tốt. Những thông tin khoa học có ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tính mạng con người thì Nhà nước cần thông báo kịp thời cho người dân. Tuy nhiên, đối với người dân thì rất khó. Người dân người ta không biết thế nào là vùng 20 hải lý, đo đạc thế nào để biết lúc nào đánh là vùng 20 hải lý và vùng nào không 20 hải lý.
Một số hải sản tầng đáy Bộ Y tế khuyến cáo không sử dụng - Nguồn: Viện nghiên cứu Hải sản.
Về khả năng ngư dân sẽ chuyển việc đánh bắt từ tầng đáy sang tầng nổi dưới 20 hải lý hoặc đánh bắt ở phạm vi ngoài 20 hải lý, ông Nguyễn Tác An nhận định đây là việc khó. Nghề nghiệp đánh cá là thói quen, phải rèn luyện lâu chứ không thể nói chuyển là chuyển được.
Đánh cá nổi, nguồn lợi nổi và nguồn lợi đáy là 2 nghề nghiệp rất khác nhau, công cụ và thói quen rất khác nhau. Văn hóa và quá trình đào tạo thực hiện 2 nghề này cũng rất khác nhau.
Từ xưa nay, người quen làm nghề đáy thì bây giờ người ta chỉ làm nghề đáy, quen làm nghề nổi thì làm nghề nổi. Vả lại, ngư dân cũng sắm những công cụ, học tập những kinh nghiệm cha truyền con nối theo những nghề đó, khó có thể thay đổi nghề nghiệp truyền thống của cha ông.
Để hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở tầng đáy dưới 20 hải lý, PGS Tác An cho rằng, đây là vấn đề Nhà nước cần phải rất quan tâm. Tùy theo tuổi tác, trình độ, mong muốn, nguyện vọng người ta là gì.
Đối với những người trẻ thì cho người ta học nghề, chuyển đổi nghề, công việc khác. Đối với những người có tuổi thì cần bố trí cho người ta những công việc thích hợp.
Theo kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề phục hồi tầng đáy biển sau các sự cố môi trường, PGS cho biết, ở các nước từng bị ô nhiễm công nghiệp khác, thời gian phải mất 50-60 năm.
Ở Việt Nam - vùng đất nhiệt đới, đa dạng sinh học lớn, điều kiện động lực mạnh như miền Trung, ông An phán đoán phải trên dưới 10-15 năm biển mới có thể phục hồi, chứ không thể đơn giản một vài hôm. Và, khoảng thời gian này là cả một vấn đề trong quá trình xử lý ô nhiễm ở tự nhiên.