Chuyện hãi hùng ở “bãi rác quốc tế” làng Khoai
Cuộc sống ở làng Khoai vẫn ngày qua ngày diễn ra dưới làn khói đen nhờ, trong bầu không khí đặc mùi nhựa và trên những nắp cống nước thải đen ngòm, hôi hám.
Nổi danh với cái tên “thủ phủ rác”, làng Minh Khai (thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) mỗi ngày “nuốt” vào mình không biết bao nhiêu tấn rác. Rồi từ đây, đủ thứ sản phẩm nhựa tái chế lại được bung ra thị trường.
Hơn 20 năm, làng Khoai (tên thường gọi của làng Minh Khai) được người đời biết đến với cái tên mỹ miều “làng tỉ phú tái chế” nhưng kèm theo đó là vô số những kỷ lục buồn cấp quốc gia về ô nhiễm môi trường và mất vệ sinh an toàn thực phẩm.
“Rốn rác” của Việt Nam
Lăn bánh hết địa phận Hà Nội chưa được 5 phút theo quốc lộ 5, chúng tôi đã thấy những bao rác nylon to đùng, chất dài một đoạn bên vệ đường đối diện. Rẽ trái rồi đi thêm một đoạn, tấm biển chỉ dẫn vào “khu công nghiệp làng nghề Minh Khai” to uỳnh, đặt ở ngay giữa ngã 3.
Ở đầu làng, cuối làng, người ta đặt “chốt” thu phí xe ôtô ra vào. Vé chưa xé thì barie chặn ngay. Cứ giờ chiều đến sẩm tối là xe ôtô đủ loại trọng tải nườm nượp nối đuôi nhau xếp hàng. Thế mới thấy khoản “phí bảo trì đường” thu về ở khu công nghiệp quy mô làng nghề mỗi ngày cũng không phải là ít. Xe vào làng đều chất đầy những bao lớn, bì nhỏ rác là rác, nào là nylon, nhựa hỏng, xốp bẩn.
Đi dọc một vòng làng Khoai, len vào từng ngõ ngách, nhóm phóng viên chúng tôi thực sự “trầm trồ” về quy mô của khu công nghiệp làng nghề này. Rác được tập kết khắp nơi trong làng, mọi không gian lớn nhỏ đều được tận dụng để chất rác. Đến nỗi lũ trẻ con trong làng hết chỗ chơi, chiều chiều chỉ biết kéo nhau ra sân đình. Đặt tên “Thủ phủ rác” cho Minh Khai quả thực là không ngoa chút nào.
Vốn là làng nhặt rác, thu mua và tái chế rác thải dạng nylon - nhựa lớn nhất Việt Nam, mỗi ngày làng Khoai nhập về không biết bao nhiêu rác trong nước lẫn ngoài nước. Đến mức ông Đỗ Thế Phúc - Phó Chủ tịch huyện Văn Lâm - khi trả lời phỏng vấn Báo Lao Động đã thốt lên tự hào mà cay đắng rằng: Làng Khoai là bãi rác quốc tế, nếu không có làng Khoai, thử hỏi rác không phân hủy (nylon, nhựa) của chúng ta ném đi đằng nào, tiêu hủy bằng cách gì được?!
Thực tế khảo sát của nhóm phóng viên chúng tôi cho thấy, làng Khoai là điểm đến “trên tất cả” của rác nylon, nhựa từ khắp các bãi rác lớn nhỏ khác. Riêng địa bàn Hà Nội, mấy triệu dân thủ đô đã thải ra 4.000-5.000 tấn rác thải mỗi ngày. Từ bãi rác Nam Sơn, Sóc Sơn (là bãi rác lớn nhất Hà Nội, rộng 83 ha), bà con ta vẫn ngày đêm như con thiêu thân lao vào để lọc, lựa lấy túi nylon. Rồi đến những địa danh sơ chế rác nylon nổi tiếng khác như Triều Khúc hay Phụng Thượng (Phúc Thọ)... tất cả đều là “túi nguyên liệu” vô hạn đổ dồn về làng Khoai mỗi ngày. Mỗi kilogram rác nylon sơ chế (giặt qua nước, phơi khô) khi về đến làng Khoai đều được nhập với giá rẻ mạt, chỉ 2.000 đồng/kg.
Không chỉ dừng lại ở quy mô “quốc gia”, làng Khoai còn là địa phương “nhập siêu” rác lớn nhất cả nước. Những kiện hàng được ép vuông vức, mỗi kiện cả mấy mét khối, chất cao hơn nhà tầng bên rệ các xưởng tái chế nhựa với những dòng chữ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… trên “mác xuất khẩu” là điều không xa lạ.
Ông Nguyễn Đình Phong - cán bộ môi trường của UBND thị trấn Như Quỳnh, rồi ông Đỗ Thế Phúc - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Lâm - đều thừa nhận: Rác từ Châu Âu, từ Hàn Quốc, Nhật Bản, từ Indonesia, Malaysia… cứ ào ào về làng. Không làm sao kiểm soát được độ độc hại mà rác thải quốc tế gây ra, trong khi rác thải trong nước đã quá đủ để kinh hoàng rồi.
Đại công trường tái chế nhựa
Ông Đinh Văn Việt, 65 tuổi - Chi hội trưởng Cựu chiến binh thôn Minh Khai - kể cho chúng tôi nghe “sự tích” của làng. Làng Khoai đến nay đã có hơn 20 năm làm nghề thu mua phế liệu, rồi sơ chế, tái chế nylon, nhựa phế liệu, bây giờ làng Khoai la liệt “tỉ phú”. Các “tỉ phú” tài ba của làng Khoai đua nhau xây nhà lầu, tậu “xế xịn”.
Làng Khoai có hơn 900 hộ, thì 80% trong số đó làm nghề tái chế nhựa. Hơn 4.000 dân ngày ngày sống trên ngồn ngộn rác, đấy là chưa kể cả nghìn người làm thuê tứ xứ đổ về. Đến nay, cả khu công nghiệp quy mô làng nghề này cũng có ngót 100 công ty, rồi cả hơn 400 cơ sở nhỏ hành nghề.
Không khí ở làng Khoai lúc nào cũng một màu xám xịt. Khói từ xưởng tái chế “ho” không ngừng nghỉ suốt cả ngày lẫn đêm. Trong xưởng, nhựa bị đun chảy mùi khét lẹt. Khói, bụi quyện lại hòa lẫn mùi vừa khét vừa hắc làm anh bạn tôi bịt miệng chạy ra ngoài vì nôn ọe. Nylon, bao bóng được mấy cô công nhân (có cả trẻ em) đẩy vào máy “cửa ăn rác”, mấy trục tuabin quay trộn rửa qua nước vài vòng rồi được đẩy tiếp vào máy nghiền gỉ hoen và bám đầy bờ nhựa. Mấy cô bịt mặt nhăn nhó, ướt lướt thướt đẩy rác vào máy liên hồi. Trên cửa “máy nghiền”, cậu bé quần đùi, áo cộc, chân trần hì hụi cào rác lên, đẩy mạnh vào phễu nghiền.
Các chất sền sệt, xam xám theo nước thải trực tiếp ra kênh mương, phân, rác ùn ùn ứ đọng ba bề bốn bên. Vài con gà so ro, ướt rượt trong phân, rác. Máy chạy ầm ầm. Chẳng mấy hồi, từ đám rác nylon bẩn kia, nó được “đầu thai hình hài” mới, quyện vào nhau đặc quánh, đen sì, hắc xịt. Qua 2 lần nóng, 2 lần chảy, nhựa được kéo sợi, ngâm trong bồn nước to tưới lạnh liên tục. Nó được máy cắt nhỏ, rồi hong khô thành hạt nhựa. Tùy vào rác, hạt nhựa có loại đen sì, có loại xam xám, loại thì nhờ nhờ, đục đục.
Mỗi lúc máy nghỉ, hai cậu công nhân và hai cô công nhân lại lấy xẻng xúc ra độ 10cm bề dày ven các máng toàn bùn đất. Bùn đất này được tha lôi về từ ngoài bãi rác như Nam Sơn hoặc bất kỳ bãi rác nào của nước ta hoặc nước nào đó trên thế giới.
Theo ông Đinh Văn Việt, 70% số hạt nhựa sản xuất tại làng Khoai được xuất bán sang Trung Quốc. Thương lái Trung Quốc về tận làng hợp đồng rồi vận chuyển đi. Ông còn cho biết, những hộ không làm hạt nhựa tái chế thì mua hạt về rồi “thổi” thành phẩm. Họ dùng máy “thổi” để thổi ra túi nylon, làm khay, cốc nhựa, rồi đủ thứ dây buộc, bàn ghế, ống nước, ống cống, ống nhựa công nghiệp, áo mưa, nylon che chắn đồng ruộng chống chuột và chống lạnh, các khay quầy đựng đồ đủ loại… - tất tật đều “made in Lang Khoai” (sản xuất tại làng Khoai).
Độc, hại, hôi, thối, cả rác y tế cũng… kệ nó!
Gia đình ông Việt là một trong số ít những gia đình không liên quan tới rác và nhựa. Căn nhà lớn lộng lẫy của ông ở giữa làng hiếm khi mở cửa sổ. Cửa lớn, cửa nhỏ trong nhà đều mắc rèm che kín bưng. Ấy vậy mà vợ chồng ông vẫn ngao ngán “che vậy mà khói với mùi vẫn vào nhà, nó ám hết quần áo, vải vóc, đồ gỗ… không thứ gì là không có mùi khét”.
Ông Việt dẫn chúng tôi ra giữa làng, và “khoe” đình làng sắp khánh thành. Đình làng Khoai to, rộng, rất đẹp, nó xứng đáng với nguồn công đức của các “tỉ phú” trong làng. Nhưng ngay cạnh đình làng, ao làng Khoai lại diện một bộ mặt trái ngược. Dù đang được nạo vét, hút nước cải tạo nhưng giống như việc người ta bôi phấn “dỏm” để cố che đi vết nám và sẹo trên khuôn mặt mà hơn 20 năm không một lần chăm sóc. Bùn đất dưới ao thì quá nửa là nhựa, nylon, dày từng lớp. Các bà cụ chiều chiều ngồi ăn trầu trên đường hè ao không giấu khỏi vẻ ngao ngán.
Người làng Khoai rất cảnh giác với máy ảnh, máy quay phim và cánh nhà báo. Vì thế chúng tôi đã phải tốn không ít công sức để “mắt thấy tai nghe” từng công đoạn “hô biến” từ rác rưởi bẩn thỉu thành đủ thứ đồ gia dụng trên trần đời. Tại xưởng nhà ông T, trong vai thương lái tới khảo sát nguồn cung, chúng tôi ngó nghiêng “mục sở thị” đủ các công đoạn tái chế. Sau vách xưởng, ống nhựa phi 125 ào ào nước thải sền sệt chảy liên tục. Cả trăm mét mương chạy dài là một bãi bầy hầy thối tha, bùn đất, phân rác phế thải.
Những công nhân làm thuê ở đây và những người cao tuổi, hoặc không có liên quan trực tiếp đến sản xuất của làng nghề (như bà cụ Chu Thị Đức, 70 tuổi - chủ phòng cho công nhân Nguyễn Ích Chính, 53 tuổi thuê) đều trả lời phỏng vấn của chúng tôi rằng, tất cả những thứ rác rưởi, xú uế ở đây đều được tái chế thành hạt, rồi “hồi sinh” thành ống hút, hộp đựng cơm… Chủ các xưởng tái chế thì vẫn “hùng hồn” trả lời rằng sản phẩm từ xưởng của họ đều sản xuất từ hạt nhựa “zin”, nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Tất cả các cán bộ huyện, xã thì đều không dám tin tưởng vào những lời “mạnh miệng” của những “tỉ phú tài ba” này.
Một minh chứng khác về những sản phẩm thiếu vệ sinh an toàn thực phẩm “made in Lang Khoai”. Chẳng phải tìm ở đâu xa, ở ngay giữa làng, không khó để chúng tôi thấy những bao tải lớn đựng các rác thải y tế. Nó đều là những ống thủy tinh đựng nước truyền, đựng huyết thanh, và có thể cả hóa chất xạ trị. Người đàn ông tên Nguyễn Ích Chính cho chúng tôi biết những lọ thủy tinh này được đem về làng Khoai rất nhiều.
“Những lọ thủy tinh penicilin, họ mua về để cậy lấy nhôm, bán nhôm đi Bắc Ninh, lấy nút bán nút, lấy nhựa làm tái chế nhựa”. Những ống truyền y tế với công nghệ và chất lượng quốc tế như chia sẻ của GS-TS Nguyễn Văn Khôi - Trưởng phòng Vật liệu Polyme (Viện Hóa học, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - xét trên mặt khoa học thì nó quá tốt để tái chế. Và dĩ nhiên, những “tỉ phú” làng Khoai không bỏ lỡ cơ hội tái chế những nguyên liệu chất lượng cao này.
GS-TS Nguyễn Văn Khôi, khi trả lời PV Báo Lao Động, cũng cho rằng: Với núi phế thải tràn ngập làng như thế, với giá thành ống hút, hộp đựng thức ăn, cốc thìa dùng một lần siêu rẻ bán trôi nổi trên thị trường như hiện nay, việc người ta pha hàng “phế” (phế thải) vào nhựa là dễ hiểu. Và ông biết rõ điều đó.
Người làng Khoai càng biết rõ “chất lượng” sản phẩm tái chế của mình là gì, vì thế tuyệt nhiên không có chuyện người làng Khoai dùng ống hút, hộp đựng thức ăn, túi nylon do mình sản xuất ra. Sự thật này, chỉ những người không có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến làng nghề, thì họ mới dám tiết lộ thật. Sự thật mà chúng tôi điều tra ra, mà người làng Khoai thú nhận, mà các GS-TS đã cảnh báo, thật hãi hùng. Số phận người tiêu dùng bị thả nổi với nhựa tái chế độc hại như vậy, thử hỏi chúng ta sẽ “đi” về đâu? Đó là một dấu hỏi đau lòng, mà ai cũng biết rõ câu trả lời.
* * *
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh - nguyên Trưởng khoa Công nghệ sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa, Hà Nội): Cực kỳ độc hại!
Đối với những đồ nhựa mà chúng ta hay dùng, sản xuất công nghiệp, sử dụng cho các việc liên quan đến thực phẩm thì người ta dùng nhựa nguyên khai - tổng hợp ban đầu, và CHỈ ĐƯỢC DÙNG MỘT LẦN CHO CÁC VIỆC LIÊN QUAN ĐẾN THỰC PHẨM, SAU ĐÓ LOẠI RA LÀM PHẾ LIỆU ĐỂ DÙNG CHO CÁC MỤC ĐÍCH KHÁC.
Nhựa nguyên khai có nguyên tắc: Nhựa nguyên khai là các polymer nhưng trước khi là polymer thì nó là các monome. Cái độc chính là monome chứ không phải là polymer. Khi xử lý, người ta đã tổng hợp rất tốt, loại bỏ về cơ bản những monome - đơn chất ra thì không gây độc.
Thế nhưng ở đây, người ta mang về nấu lại (tái chế): Thứ nhất, tái chế thì thành phần nhựa không ổn định, người ta dùng tất cả các loại nhựa rồi trộn đủ thứ - ví dụ cho màu đen vào, cho phụ gia vào… và sản xuất những dụng cụ khác nhau. Thứ hai là trong quá trình gia công, người ta phải nấu lại nhựa ít nhất là vài ba lần, mà gia công như vậy thì các polymer ở nhựa nguyên khai trước kia lại tách thành monome cực kỳ độc hại.
Theo Lao động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo