Chuyện kể từ tâm dịch sởi: Rụng rời mỗi khi bác sĩ gọi tên
Chị H cứ lang thang ở hành lang phòng cấp cứu BV Nhi TW, nơi đứa con 7 tháng tuổi đang nằm. Chị không dám đi đâu xa. Mỗi lần nghe bác sĩ gọi tên mình, tim chị lại rơi rụng. Vì có thể tình trạng con chị xấu đi...
Khổ vì con lây bệnh sởi ngay trong viện
11 giờ trưa, khi cánh cổng bệnh viện mở ra cho người nhà vào thăm bệnh nhi là hàng dài người lẳng lặng đi về hướng khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi trung ương. Ở đó có hơn 200 bệnh nhi đang chống chọi với bệnh sởi và biến chứng của bệnh, nơi nhiều mầm sống như ngọn đèn trước gió.
Chị Nguyễn Thị H. đến từ Tiên Du, Bắc Ninh đang ngó theo những khe hở của cửa sổ ngoài hành lang vào phòng cấp cứu, nơi có con chị hơn 7 tháng tuổi đang cai máy thở. Nước mắt người mẹ lăn dài trên má khi có người hỏi thăm con mình.
"Chị ơi, con em đã ở đây từ mồng 4 tết. Cháu cứ cai máy thở được vài hôm thì lại phải cấp cứu. Cháu cấp cứu từ tối hôm qua mà em không biết thế nào. Sốt ruột quá". Người mẹ đứng ngồi không yên. Chị cứ đi đi lại lại ở hành lang rồi lại dừng lại ở cánh cửa sổ có một khe nhỏ giấy dán kính bị bong ra chừng 5 cm2. Chị lấy một tay che ánh sáng, một mắt nhắm lại còn mắt kia dồn hết vào nhìn con.
Chị H. cứ lang thang như thế ở đây không đi đâu vì khi cần bác sĩ sẽ gọi. Mỗi lần bác sĩ gọi tên chị, chị lại thót tim. Có thể bác sĩ gọi chị đi mua thuốc cho con nhưng cũng có thể gọi chị thông báo tình hình xấu đi.
Hơn một tháng nay, con chị H, điều trị ở khoa truyền nhiễm là hơn một tháng chị H. sống trong tâm trạng lo lắng vô cùng. Mỗi khi có thông tin cháu bé nào đó tử vong, chị và chồng lại ôm nhau khóc rồi cầu mong điều kỳ diệu sẽ đến.
Một phút bình tĩnh hơn, chị nhìn con qua khe cửa rồi thở dài kể câu chuyện của con chị. Bé gái chị H. bị viêm phế quản. Gia đình đưa cháu lên điều trị tự nguyện ở viện Nhi. Khi lên đây, chị đã nghe có dịch sởi nên cẩn thận chọn khu tự nguyện A cho con. Đến khi cháu bé khỏi viêm phế quản là lúc cháu nhiễm sởi. Diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu khi toàn bộ phim chụp phổi trắng xóa. Cháu thở máy cả tuần rồi sau đó cai máy thở dần.
Kể đến đấy, người mẹ trẻ mắt đỏ hoe. Chị lặng lẽ đi về phía cuối hành lang như né tránh tiếng khóc của bà mẹ gần đó có con vừa vào cấp cứu.
Cách đó không xa, anh Bình đến từ thành phố Bắc Giang vẫn đứng bám vào cột hành lang bệnh viện nhìn đáu đáu vào phòng điều trị phía sau cánh cửa kính bị bịt kín mít. Anh không giấu được sự lo lắng khi con trai 8 tháng tuổi của anh đang nằm thở ô xy ở trong.
Anh Bình kể, cuối tháng 3 con anh bị tiêu chảy. Nhà có ô tô riêng nên anh đưa con lên viện Nhi khám. Bác sĩ cho biết cháu bị tiêu chảy do Rota. Anh cho con nhập viện điều trị. Khi cháu khỏi tiêu chảy thì mắc ngay sởi trong bệnh viện. Xót con, anh chỉ còn biết tự trách mình để con lây bệnh từ bệnh viện.
Mỗi ngày nghe tin về dịch sởi, anh và gia đình như ngồi trên đống lửa. Một tuần nay, anh không dám ra xa viện Nhi 100 mét. Hết giờ vào thăm anh chỉ ngồi ngoài ghế đá chờ tin con cấp cứu bên trong.
Những ca tử vong sởi khiến người ngoài bật khóc
Hơn 12 giờ trưa, phòng cấp cứu tại tầng 1 khoa Truyền nhiễm là những bệnh nhân phải thở máy nằm. Bố mẹ, người thân của các em nằm bên trong xếp hàng chờ đến giờ vào ngó mặt con. Nửa tiếng vào thăm con nhưng với họ là khoảnh khắc hiếm hoi vô cùng. Những tiếng khóc nức nở của bà mẹ hay tin con mình xấu đi, những lời gào khóc của người bà đã ngoài 70 tuổi mong được vào thăm cháu.
Chị Hoàng Lệ đến từ Quảng Ninh. Con gái chị đang nằm thở ô xy phía trong. Chị ngậm ngùi: "Lo lắm vì bệnh nhân vào ngày càng đông mà các cháu không qua khỏi cũng nhiều".
Bà Thược từ Thường Tín, Hà Nội lên chăm cháu ngoại. 1 tháng nay cháu bà ở viện nhưng cháu vẫn chưa qua cơn nguy kịch. Ở viện cả tháng, bà chứng kiến nhiều ca tử vong.
Vừa nói bà vừa khóc: "Hôm qua có một gia đình có con bị tử vong. Họ khổ lắm. Nghe nói năm ngoái đứa con trai 6 tuổi tử vong vì phẫu thuật gì đó. Mới giỗ hôm trước thì hôm sau em mới vài tháng tuổi lại chết vì tai biến của sởi. Căn bệnh này quái ác quá. Tội nghiệp cho bố mẹ đứa trẻ. Đưa con về mà không cất nổi chân lên, mẹ đứa bé không khóc được vì nước mắt đã cạn".
Những câu chuyện của người thân ngồi ngoài hành lang chờ vào thăm cháu khiến người nghe ám ảnh. Có nhiều bệnh nhi tử vong, khi biết không qua khỏi, bố mẹ trẻ như người điên, cứ lôi ảnh con trong điện thoại ra gọi con về với bố mẹ.
Bà Thược kể tiếp: "Sáng nay, có trường hợp cháu bé thương tâm lắm. Mẹ cháu bé tử vong sau khi sinh con được một tháng. Mẹ cháu bé đó bị u ác. Bác sĩ cảnh báo không được mổ nhưng vẫn khát khao có đứa con. Khi sinh con lại mổ nên u ác phá ra. Được ngắm con hơn 1 tháng rồi chết. Cháu bé ở với bà ngoại được vài tháng. Thế mà cuối cùng, cháu mắc sởi, vi rút tấn công vào phổi không cứu chữa được. Sao ông trời lại bất công thế chứ. Bà ngoại nó bế cháu mà cứ gọi tên con rồi khóc".
Mỗi ca tử vong lại khiến người ở lại ám ảnh. Qua khe cửa, bà nhìn thấy cháu mình đang được mẹ chăm sóc bà lại thở phào "cháu nhà tôi vẫn may vì bệnh đang tiến triển tốt lắm".
Cạnh đó, lại một người nhà bệnh nhân từ Hưng Yên lên Bệnh viện Nhi ngồi thần mặt, mắt đỏ hoe. Bà kể: "Cháu tôi hôm qua suýt thì chết, may mà cứu được. Bố mẹ nó cưới nhau 3 năm mới sinh được nó. Nào ngờ bệnh lại ra nông nỗi này".
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Kinh tế 2024- Dự báo 2025: Xuất khẩu thuỷ sản về đích 10 tỷ USD
FPT Nhật Bản đạt danh hiệu nơi làm việc tốt nhất
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Quy định mới về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cột tin quảng cáo