Chuyện lạ ở Hải Phòng: Bố mẹ nợ tiền làm đường, con không được làm giấy khai sinh
Trao đổi với PV VietNamNet hôm qua, bà Lê Thị Hiển (56 tuổi, trú tại xóm 1, thôn Hà Đỗ) cho biết: Người dân đang rất bức xúc khi gần đây xã từ chối xác nhận các giấy tờ tư pháp nếu chưa đóng tiền làm đường ở thôn bên cạnh.
Đặc biệt, có gia đình ra xã xin khai sinh cho con thì không được địa phương chấp nhận.
Cụ thể, ngày 18/4, anh Lê Văn Tuyền (33 tuổi, trú tại thôn Hà Đỗ) lên UBND xã Hồng Phong xin làm giấy khai sinh cho con gái là cháu T., sinh ngày 10/4/2018. Nhưng khi lên gặp bộ phận tư pháp hộ tịch thì anh Tuyền không được tiếp nhận việc khai sinh cho con. Lý do mà cán bộ xã Hồng Phong đưa ra để không cấp khai sinh cho cháu bé là gia đình anh Tuyền còn nợ tiền làm đường.
Chị Nguyễn Thị Thoa (28 tuổi, trú tại xã Đại Bản, huyện An Dương), bác ruột cháu T. kể: "Khi cháu T. không được xã Hồng Phong làm khai sinh, em rể tôi đã về kể lại. Tôi rất bức xúc. Bà nội cháu đã đến nhà trưởng thôn có lời nhờ cậy và hứa sẽ đóng tiền. Đến 14h30 ngày 19/4, bố cháu bé đã phải xin khất nợ sang vụ mùa năm sau sẽ đóng đủ thì mới được làm giấy khai sinh cho con”.
“Gia đình em tôi có 3 nhân khẩu. Thôn quy định đóng 1 nhân khẩu 600 nghìn đồng. Tuy nhiên đây là khoản tiền chưa được nhân dân thôn Hà Đỗ đồng thuận. Trước đó họ đã đóng 1,1 triệu đồng/người để làm đường xóm 1 (xóm anh Tuyền đang sống - PV).
Sau đó thôn làm đường xóm 2 lại bắt dân xóm 1 đóng tiếp 600 nghìn/người nữa. Một lúc một người dân phải đóng gần 2 triệu đồng tiền đường là rất khó khăn”, chị Thoa phản ánh.
Chủ tịch UBND xã Hồng Phong Nguyễn Văn Sáng giải thích, trường hợp gia đình anh Tuyền đi khai sinh cho con ban đầu xã không tiếp nhận là muốn vận động để anh về đóng hết nợ làm đường. Sau khi có ý kiến của trưởng thôn, xã đã cấp khai sinh cho cháu bé vào chiều 19/4.
"Việc này là biện pháp để địa phương thu phí làm đường. Nếu không làm thế, theo phản ứng dây chuyền, thôn không thu được. Đây là nghị quyết của thôn nên xã thực hiện chủ yếu là tuyên truyền để dân chấp hành.
Việc yêu cầu xã không cấp khai sinh, không xác nhận lý lịch và một số giấy tờ khác cho dân xảy ra tại địa phương là theo danh sách và văn bản thôn gửi lên. Tuy nhiên nhờ biện pháp này mà rất nhiều người dân đã chấp hành việc đóng tiền đường còn nợ”, vị Chủ tịch xã nói.
Được biết, nhận được phản ánh của VietNamNet, ông Vũ Doãn Bách, Chánh văn phòng UBND huyện An Dương và Trưởng Phòng Nội vụ huyện đã về địa phương kiểm tra thông tin.
Thông tin ban đầu từ UBND huyện An Dương xác nhận, có việc trẻ chưa được làm khai sinh ngay khi bố mẹ còn nợ tiền làm đường tại xã Hồng Phong. Huyện sẽ xem xét và chấn chỉnh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo