Tin tức - Sự kiện

Chuyển mã vùng điện thoại- chưa rõ thời điểm

Trước lo lắng của nhiều doanh nghiệp cho rằng, đổi mã vùng điện thoại cố định, đổi số thuê bao di động từ ngày 1/3 là quá gấp gáp, gây nhiều thiệt hại, đại diện Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, 1/3 là thời điểm thông tư ban hành quy hoạch kho số viễn thông có hiệu lực.

Sau đó mới lấy ý kiến các bên liên quan để xây dựng kế hoạch chuyển đổi chi tiết.

Thông báo 60 ngày trước khi chuyển đổi

Theo đại diện Cục Viễn thông, Luật Viễn thông quy định khi có sự thay đổi về số thuê bao thì trước khi thay đổi phải lập kế hoạch, lộ trình, phải thông báo cho người dân trên các phương tiện thông tin đại chúng ít nhất 60 ngày trước khi tiến hành đổi số thuê bao. Vừa qua, phương tiện truyền thông đại chúng nói bắt đầu từ ngày 1/3 thay đổi mã vùng là chưa hiểu đúng. Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/3, sau đó Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xây dựng kế hoạch chi tiết.

Đại diện Cục Viễn thông cho biết thêm, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ làm việc với doanh nghiệp viễn thông để xem quy trình chuyển đổi thế nào, chia thành bao nhiêu giai đoạn, làm sao giảm thiểu ảnh hưởng đến các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ viễn thông.

Khi chuyển đổi, người dân sẽ được dùng song song cả mã vùng cũ và mới từ 3-6 tháng để quen thuộc. Khi người dân gọi điện tới, tổng đài của doanh nghiệp viễn thông sẽ biết được người dân hay quay số theo đầu mã nào. Từ đó nắm bắt và ấn định thời gian thay mã số hoàn toàn.
Trước thắc mắc “tại sao phải quy hoạch kho số viễn thông khi nó ảnh hưởng đến nhiều người, gây nhiều xáo trộn?”, đại diện Cục Viễn thông cho biết, Việt Nam cũng như nhiều nước khác, ngành viễn thông xuất phát từ mạng viễn thông cố định, sau đó mới có mạng di động. Khi ấy, đầu số cho di động không ai tính đến. Sau này, mạng di động ra đời, kho số còn lại bị hạn chế nên đầu mã dùng cho mạng di động ít. Sự bùng nổ của mạng di động đã nảy sinh vấn đề thiếu đầu mã dành cho loại hình này. Điện thoại cố định lại liên tục giảm nên cần có quy hoạch lại.

Cần ít nhất một năm

Theo báo cáo tổng kết năm 2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam có gần bảy triệu thuê bao cố định và 138,6 triệu thuê bao di động (gồm cả thuê bao 10 chữ số và 11 chữ số). Như vậy, khoảng mấy chục triệu thuê bao sẽ bị thay đổi chữ số theo quy hoạch mới về kho số viễn thông. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu chọn thời điểm chuyển đổi không phù hợp sẽ khiến doanh nghiệp của họ thiệt hại nhiều, ảnh hưởng đến việc giao dịch, nhất là với quốc tế.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng đổi mã vùng điện thoại cố định, đổi số thuê bao di động gấp gáp sẽ gây nhiều thiệt hại. Ảnh: Ngọc Châu

Ông Nguyễn Hữu Bắc, Giám đốc Trung tâm Lữ hành Quốc tế TST Travel (Nghệ An) cho biết, công ty này vừa in một loạt bưu thiếp, card, voucher, kẹp file, quà tặng, tờ rơi, phong bì, túi quà tặng cho năm mới 2015. “Riêng kẹp file chúng tôi in 20 nghìn chiếc, mỗi chiếc tám nghìn đồng, phong bì in 11 nghìn chiếc, mỗi chiếc hai nghìn đồng rồi voucher quà tặng, túi quà tặng, card, bưu thiếp, ước tính khoảng vài trăm triệu đồng. Nếu việc chuyển đổi mã vùng thực hiện trong năm 2015, chúng tôi phải in mới toàn bộ giấy tờ trên”, ông Bắc nói.

Không chỉ thiệt hại về tiền, theo ông Bắc, việc thay đổi đột ngột mã vùng sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn với đối tác nước ngoài. “Một khi đối tác nước ngoài gọi đến mà không liên lạc được, họ có thể nghĩ công ty mình là lừa đảo và chuyển sang đối tác khác chứ đâu cần biết có sự chuyển đổi mã điện thoại vùng”.

Ông Bắc chia sẻ thêm, riêng lĩnh vực lữ hành quốc tế, Việt Nam có khoảng 1.300 doanh nghiệp. Nếu tính trung bình mỗi doanh nghiệp mất khoảng 100 triệu tiền in ấn các giấy tờ trên thì đã mất 130 tỷ đồng. Đấy là chưa kể hàng trăm nghìn doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực khác. Ông Bắc cho rằng thời điểm chuyển đổi mã vùng sớm nhất nên vào đầu 2016. Đây là thời điểm nhiều công ty, đơn vị in card, thiệp, lịch, bao bì cho năm mới. Như thế sẽ hạn chế được thiệt hại.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 500 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động. Sự thay đổi trên sẽ gây ra nhiều xáo trộn, nhất là với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, xuất khẩu.

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo