Tin tức - Sự kiện

Chuyện "mẹ của Thuỳ Nhi"

Những đứa trẻ tật nguyền, hay nghi bị AIDS hay không may bị bỏ rơi ở bệnh viện, được các chị nhận nuôi, chăm bẵm, coi như con, gọi là con - xưng mẹ. Phan Thùy Nhi là một trong số những em bé đó!

Hơn một năm nay, bé Phan Thuỳ Nhi đã trở thành thành viên của đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý thuộc khoa Nhi Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới. Giữa bộn bề công việc, thi thoảng lại nghe tiếng nựng nịu "mẹ đây, ba đây, Thuỳ Nhi ngoan nhé!". Và không chỉ có Thuỳ Nhi, trước đó, nhiều trẻ sơ sinh bị bỏ rơi đã được các bác sĩ, điều dưỡng nơi đây chăm sóc với tất cả tình thương yêu, đặc biệt là điều dưỡng trưởng Trần Thị Hoài Thông, mà mọi người vẫn quen gọi là "mẹ của Thuỳ Nhi".

Khi chúng tôi đến, đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý có tất cả 28 bệnh nhi. Rất nhiều cháu đang trong tình trạng nguy kịch phải theo dõi đặc biệt. Chị Trần Thị Hoài Thông (SN 1962), điều dưỡng trưởng khoa Nhi, cho biết: Đơn nguyên hiện có 2 bác sĩ, 7 điều dưỡng và một hộ lý, chịu trách nhiệm chăm sóc cho các bệnh nhi sơ sinh. Quy mô của đơn nguyên là 20 giường bệnh, nhưng khi cao điểm có đến 40 bệnh nhi, do đó công việc ở đây vô cùng vất vả. Bên cạnh việc chăm sóc và theo dõi bệnh nhi, những năm qua, tại đây đã từng đón nhiều trẻ bị bỏ rơi và nuôi dưỡng cho đến khi người nhà đón các cháu về hoặc cháu được nhận làm con nuôi.
 
"Chăm sóc một đứa trẻ sơ sinh không phải là chuyện đơn giản, đặc biệt khi các cháu mang trong mình nhiều bệnh lý rất nặng. Nhưng những năm qua, chúng tôi đã từng đón và nuôi dưỡng nhiều cháu với tất cả tình thương yêu và trách nhiệm của người cha, người mẹ...", chị Thông tâm sự.
 
Trở lại với trường hợp cháu Phan Thuỳ Nhi. Thuỳ Nhi sinh ngày 29-1-2013. Cháu được chẩn đoán là đa dị tật. Mẹ cháu, sau khi nhìn thấy đứa con bé nhỏ, yếu ớt, chân tay khoèo thì lặng lẽ bỏ con lại bệnh viện. Thế là cháu được "mẹ Thông" và các bác sĩ, điều dưỡng ở đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý chăm sóc.
 
 
Sau này, trong những đợt thăm khám tiếp theo, đã phát hiện thêm nhiều dị tật nữa, đó là tim nằm bên phải, không có phản xạ bú, nuốt như những đứa trẻ khác. Những ngày mới ra đời, cả đơn nguyên thay nhau chăm sóc cháu. Mỗi khi cho ăn phải dùng ống xông vì cháu không có phản xạ bú, nuốt. Nhiều lúc tưởng chừng bó tay trước tình trạng bệnh tật của cháu, nhưng với sự chăm sóc tận tình của mẹ Thông và mọi người, Thuỳ Nhi đã dần dần khoẻ mạnh.
 
Hiện cháu đã được hơn một tuổi và đã bắt đầu có phản xạ nuốt. Với sự nỗ lực của các ba, mẹ ở đơn nguyên, tin vui đã đến khi tháng 3 này, cháu sẽ được một giáo sư người Mỹ và các bác sĩ Bệnh viện 115 thành phố Hồ Chí Minh mổ miễn phí. "Nghe tin, cả khoa ai cũng mừng và mong đợi ngày Thuỳ Nhi được phẫu thuật. Chỉ mong con có được đôi chân khoẻ mạnh để có thể bước đi!", chị Thông chia sẻ.
 
Tôi được biết mỗi năm có vài trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và được đơn nguyên đón nhận, chăm sóc.
 
Đối với những cháu khoẻ mạnh, thường tròn 1 tháng tuổi sẽ được chuyển về khoa Nhi, sau đó các trung tâm bảo trợ xã hội hoặc các cặp vợ chồng hiếm muộn có nguyện vọng xin con nuôi sẽ đón cháu về. Tuy nhiên cũng có những trường hợp không có ai nhận như cháu T.T, mãi đến 7 tháng tuổi, gia đình mới nhận về. Cháu T.T có mẹ là bệnh nhân AIDS, ngay sau khi sinh cháu, mẹ bị tử vong. Không người nhận, cháu trở thành thành viên của đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý. Sinh ra chỉ được 1,7 kg, T.T thường xuyên ốm đau, chị Thông và các bác sĩ, điều dưỡng, hộ lý ở đây đã thay nhau chăm sóc cháu suốt 7 tháng.
 
Mãi cho đến khi cháu được 7 kg và được xét nghiệm không có HIV, cháu mới được người nhà đón về. Những ngày đầu khi cháu về nhà ở xã Lộc Ninh (thành phố Đồng Hới), chị Thông và đồng nghiệp nhiều lần đến thăm và hướng dẫn người nhà chăm sóc cháu. Chị bảo, mỗi một trẻ sơ sinh bị bỏ rơi và được nuôi nấng tại đây, khi các cháu rời đi thường để lại sự trống vắng và cả lo lắng cho mọi người...
 
Bây giờ thì cháu T.T đã hơn 4 tuổi và sống khoẻ mạnh cùng gia đình. Còn Thuỳ Nhi đã trở đứa con chung của cả đơn nguyên Sơ sinh bệnh lý. Ngoài mẹ Thông, cháu còn có nhiều ba mẹ khác như mẹ Liên, người duy nhất có thể cho Thuỳ Nhi ăn, có ba Phan Thanh Hoài, bác sĩ và là người đã đặt tên cho Thuỳ Nhi theo họ của mình. Những ngày đầu, ngoài số tiền bệnh viện hỗ trợ 40.000 đồng/ngày, mọi người gom góp tiền để chăm sóc cháu. Bây giờ, nhờ sự kêu gọi của mọi người, Thuỳ Nhi đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ những tấm lòng hảo tâm. Nhưng hơn hết, vẫn là sự tận tụy của các thành viên trong khoa, mà điển hình là "mẹ Thông".
 
Hơn ba mươi năm gắn bó với nghề, chị Trần Thị Hoài Thông là một "điều dưỡng giỏi nghề và nhiều kinh nghiệm. Hơn thế, chị luôn tận tụỵ với công việc, có trách nhiệm và yêu thương bệnh nhân, đặc biệt với những bệnh nhi bị bỏ rơi!", bác sĩ Hà Công Thanh, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cu Ba Đồng Hới nhận xét. Còn ở gia đình riêng, với sự quan tâm và sẻ chia của chồng con và sự nỗ lực của chính mình, chị đã có một mái ấm hạnh phúc để có thể toàn tâm toàn ý cho con đường mình đã chọn.
Báo Quảng Bình
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo