Chuyện tình của trái tim con tàu quả cảm
Nhớ lời rủ rỉ của Nguyễn Văn Dũng: Khi tàu còn cách vịnh Đà Nẵng chừng 40 hải lý, mới 3 giờ sáng, vừa thấy trong máy di động có cột sóng đầu tiên, liền gọi về cho người yêu. Cũng tính gọi thử xem sao. Không ngờ chỉ sau một hồi chuông, đã thấy em nghe máy. Hỏi sao em không ngủ. Em nói em lo không ngủ được. Mình nói lo thế này anh còn lo hơn.
Vừa nói chuyện vừa thấy thương. Rồi em khóc trên điện thoại… Hôm kia, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng vào Đà Nẵng công tác. May mắn có mặt cả Bí thư Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch Văn Hữu Chiến, tôi kể việc ra Hoàng Sa gặp Nguyễn Văn Dũng, và lời rụt rè gửi gắm của cậu, rằng người yêu ra trường đã 2 năm chưa có việc làm, Dũng muốn xin việc cho người yêu ở Đà Nẵng để làm đám cưới cho gần. Bộ trưởng Thăng quyết ngay: Cô ấy đang ở Vinh à? Về Cienco 4. Còn muốn vào Đà Nẵng lập nghiệp thì Cienco 5 sẽ nhận. Tất cả vợ con của cảnh sát biển, kiểm ngư chưa có việc, nếu có nhu cầu, ngành giao thông sẽ nhận.
Nổi tiếng vì…cưới hụt!
Trưa ấy, vừa loay hoay theo xuồng rời tàu CSB 4032 để lên tàu CSB 4033, nhìn lên boong nhác thấy một gương mặt quen quen. Tóc hớt cao, da ngăm, gương mặt rắn chắc với đôi mắt khá tròn đầy tình cảm.
Nhớ đã gặp ở đâu đó, chứ giữa Hoàng Sa đang cồn cào biển động, làm gì có chuyện quen nhau. Quẳng đồ đạc vào một góc, tôi ra giữa tàu sà xuống “quán chè chén” của lính. Đó là khoảng lối đi nằm ở ngã ba, một bên là cửa bước ra lan can, phía trước và sau là lối lên cabin và bếp. Qua mấy tàu cảnh sát biển giữa vùng biển “nóng”, thấy chỗ này thường rộn rã nhất, với những ấm chè đặc, ly tách, có cả điếu cày, ghế gỗ cùng những câu chuyện rôm rả của cánh lính những lúc hiếm hoi được “nhàn”…
Trà lá một lúc, thấy anh chàng vừa xong công việc, cởi áo phao tiến lại. Chưa kịp hỏi, mấy cậu lính trẻ đã nhanh nhảu: “Người nổi tiếng cưới hụt của tàu chúng em đấy, bác nom có quen không?”. Rồi thì nhao nhao bật mí luôn: Dũng, Nguyễn Văn Dũng hôm nọ trên cầu truyền hình “Tổ quốc nhìn từ biển” đấy!
Tôi vụt nhớ ngay câu chuyện tình xúc động của cặp đôi rất đẹp, được phát trực tiếp trên truyền hình VTV1 đầu cầu Đà Nẵng hôm 8/6 vừa rồi. Cả một đoạn dài mấy phút. Không ngờ được gặp Dũng ở đây trên tàu CSB 4033 giữa Hoàng Sa ngày Chủ nhật 15/6, chỉ đúng một tuần sau chương trình mà tôi được xem trên đất liền. Hôm ấy cô gái trẻ Trần Thị Nhàn tươi tắn xinh đẹp cùng mẹ chồng tương lai - mẹ của Dũng - bà Nguyễn Thị Hải từ Vinh vào, được đón chào bởi một rừng các bạn trẻ Đà Nẵng giữa công viên Biển Đông. Cánh thư, con ốc biển của Dũng từ Hoàng Sa được đồng đội chuyển vào bờ trao tận tay cho người yêu. Còn một món quà “độc nhất vô nhị” nữa khiến ai nấy vỡ òa, đó là khi Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, ông Văn Hữu Chiến, tiến lại trao đôi nhẫn cưới cho mẹ Dũng, kèm lời nhắn nhủ chân tình: “Mẹ trao lại cho các con trong ngày vui nhé!”. Phút giây ấy, thấy mắt cô gái trẻ rưng rưng.
Nhớ lời rủ rỉ của Dũng: Khi tàu còn cách vịnh Đà Nẵng chừng 40 hải lý, mới 3 giờ sáng, vừa thấy trong máy di động có cột sóng đầu tiên, liền gọi về cho người yêu. Cũng tính gọi thử xem sao. Không ngờ chỉ sau một hồi chuông, đã thấy em nghe máy. Hỏi sao em không ngủ. Em nói em lo không ngủ được. Mình nói lo thế này anh còn lo hơn. Vừa nói chuyện vừa thấy thương. Rồi em khóc trên điện thoại…
Đó là ngày cuối cùng của tháng 5/2014, khi tàu CSB 4033 quay vào cảng Công ty Sông Thu - Đà Nẵng sửa chữa kể từ ngày đầu tiên ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ. Là chỉ huy về máy móc của tàu, Dũng cởi trần làm việc đến tận 4 giờ sáng ở nhà máy Sông Thu. Nhóm phóng viên VTV làm cầu truyền hình đã chực sẵn, “bắt cóc” anh chàng ra mé biển Sơn Trà để thực hiện cảnh quay. Dù là dân kỹ thuật nhưng có lẽ do cảm xúc lâu ngày nung nấu, nên Dũng nói trôi chảy tự đáy lòng, không vấp váp, gượng gạo, cánh truyền hình quay rất “nhàn”. Ngày giờ cập bến rồi lại lên đường gấp gáp quá, Nhàn không kịp vào thăm.
Vì sao đang giữa nơi trùng khơi, Dũng lại được biết đến để chọn đưa lên truyền hình? Ngồi trên tàu 4033 chao đảo sóng gió, tôi được nghe chính trị viên của tàu, chàng trai trẻ Hoàng Văn Thường kể rằng, đơn giản vì Dũng và Nhàn phải “hoãn cưới nhiều quá, trở nên nổi tiếng!”.
Đám cưới đã chuẩn bị sẵn vào tháng 2/2014, thì Dũng nhận lệnh lên đường bảo vệ tàu Bình Minh 02 cũng tại khu vực gần đảo Tri Tôn này.
Xong nhiệm vụ, đã tính tháng 6 sẽ cưới, thì ngay ngày đầu tháng 5, Dũng đã theo tàu CSB 4033 ra Hoàng Sa “đấu” với giàn khoan 981. Và biền biệt trên biển từ bấy đến giờ.
Dự định lần 3 vào tháng 10 tới, nhưng cũng chưa biết khi đó đã “trời yên biển lặng” hay chưa? Chuyện cưới hụt của Dũng loang ra theo chân những phóng viên từ tàu về bờ. Đạo diễn Tạ Bích Loan của VTV thấy ưng quá, bèn đánh tiếng với chỉ huy “xin” Dũng.
“Nói thật, lúc đầu các thủ trưởng cũng hơi cân nhắc, sợ đưa lên “ảnh hưởng” đến tư tưởng anh em. Nhưng sau nhận thấy đây chính là sự động viên rất lớn với những người đang ngày đêm bám biển, nên quyết” - chính trị viên Thường kể.
Những trái tim thép trên con tàu quả cảm
Mấy ngày ở trên tàu CSB 4033, gặp Dũng để trò chuyện hơi khó, vì công việc của trưởng ngành 5 - phụ trách máy tàu - rất bận. Nhất là khi tàu 4033 luôn “lĩnh ấn tiên phong” nhô cao nhất trong đội hình các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam ở Hoàng Sa. Hôm 15/6, tôi vừa lên tàu lúc 12 giờ trưa, thì 2 rưỡi chiều đã trực tiếp cận cảnh cuộc “thư hùng” trên biển.
Khi các tàu của ta tiếp cận giàn khoan, lập tức hàng loạt tàu các loại của Trung Quốc xông ra. Được giao nhiệm vụ “truy sát” tàu CSB 4033 là tàu hải cảnh 32101 của Trung Quốc. Không chạy né qua một bên, mà con này cứ bám sát sạt đuôi tàu 4033 mà lao tới với tốc độ “kịch kim” 22-24 hải lý/giờ.
Những cột sóng từ hai tàu tung trắng xóa, cao tới mấy mét. Xung quanh là hàng chục tàu Trung Quốc cũng đua tốc độ. Tiếng thuyền trưởng Lê Trung Thành từ cabin lệnh cho ngành 5 của Dũng chạy tới 1.800 vòng/phút, cả 3 máy, vậy mà khoảng cách hai bên cứ liên tục bị thu gần…
Sau trận chiến ấy, Dũng bảo: Với khoảng cách chỉ hơn chục mét, với tốc độ và kiểu bám đuôi như vậy, chắc chắn nó muốn “tiêu diệt” mình. Bởi máy tàu mình chỉ gặp sự cố khựng lại một chút thôi, thì dù nó có dừng đột ngột, vẫn có thể xẻ đôi tàu mình”. Hôm 23/6 mới đây, khi tàu KN 951 bị các tàu Trung Quốc hung hãn tấn công đâm bẹp, thì chính CSB 4033 ở vị trí gần nhất, đã quả cảm lao vào xé đội hình đối phương để bảo vệ tàu kiểm ngư.
Dũng kể, rất nhiều trận các tàu Trung Quốc chia nhau ra “chiến” với mình, tàu này nóng máy thì tàu khác lại lao lên. Bởi vậy, suốt ngày Dũng cùng anh em ở dưới hầm tàu chăm sóc máy móc như chăm con mọn. Chỉ qua một đêm bám nước mặn, máy móc đã có thể bị gỉ sét.
Những ngày trên tàu CSB 4033, tôi hay đứng tác nghiệp ngay trên vết thương của tàu. Đó là một lỗ thủng to như chiếc chiếu được vá lại bằng thép ở mạn lan can bên phải. 4033 là tàu đầu tiên của cảnh sát biển bị Trung Quốc tấn công. Có mặt tại khu vực giàn khoan trưa ngày 3/5, thì sáng hôm sau, đã bị tàu hải cảnh 44044 lao vào như trâu điên. Cú đâm ngang mạnh đến mức mũi tàu Trung Quốc dính cứng luôn vào tàu của ta, mất neo, chết luôn cả ba máy. Kể từ đó, con 44044 mất dạng luôn trên thực địa, còn CSB 4033 vẫn hiên ngang bám trụ.
Động cơ, nếu ví là quả tim liên quan đến an nguy, sức chiến đấu của con tàu, thì trưởng ngành máy cùng thuyền trưởng và chính trị viên tàu CSB 4033 hợp thành bộ ba 8X không thể tách rời, là những quả tim thép đúng nghĩa. Họ luôn phải bên tàu như hình với bóng, nên thời gian nghỉ phép hoặc tranh thủ “tụt tạt” của cả ba đều rất khó, nếu không muốn nói là không thể.
Nguyễn Văn Dũng, 33 tuổi, từ miền quê Diễn Châu (Nghệ An) gia nhập ngành cơ điện - Học viện Hải quân ở Nha Trang năm 2001, cùng khóa với thuyền trưởng Lê Trung Thành (học ngành hàng hải). Ra trường phụ trách ngành máy ở tàu HQ 253 (Vùng 5 hải quân ở Phú Quốc).
Năm 2009 về Vùng CSB 2 ở Kỳ Hà (Núi Thành, Quảng Nam). Rồi làm trưởng ngành 5 tàu CSB 4033. Cả năm lênh đênh giữa đại dương. Suốt 3 đợt vào các năm 2012, 2013, đầu năm 2014, Dũng cùng đồng đội đi khắp các vùng biển từ Bắc miền Trung, Vũng Tàu, rồi Trường Sa-Hoàng Sa để bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí của ta. Năm 2013, Dũng có mặt trên biển suốt 128 ngày liền.
Tin vui bất ngờ
Những ngày trên tàu CSB 4033, nghe Dũng tâm tình nhiều về người yêu, cô gái xinh đẹp Trần Thị Nhàn ở cách nhà chừng 5 cây số. Một ngày đẹp trời tình cờ họ gặp nhau khi Dũng về phép. Nhàn là con thứ hai trong gia đình có 3 chị em, bố mất sớm, mẹ nghỉ hưu. Học xong đại học ngành Kế toán từ năm 2012, Nhàn vẫn chưa xin được việc. Mấy năm yêu nhau, phần lớn họ chỉ gặp qua điện thoại hoặc những lúc Dũng được về bờ trong khoảng thời gian gấp gáp.
Một chiều trên boong tàu, tôi mở điện thoại vệ tinh, bảo Dũng gọi về nhà cho mẹ và người yêu. Cậu chàng mừng quýnh, bảo “em chỉ xin đúng 1 phút thôi, mất liên lạc cả tháng rồi”. Tôi bảo cứ tâm sự cho hết ý hết tình đi. Gọi về mẹ, rồi người yêu, cậu lính thép trở nên rủ rỉ rù rì.
Tôi về lại đất liền, mang theo lời rụt rè gửi gắm của Dũng, rằng muốn xin việc cho người yêu ở Đà Nẵng, để mỗi dịp tàu về còn tranh thủ được gặp nhau. Hôm nọ, tình cờ gặp Bộ trưởng Đinh La Thăng nhân dịp ông vào Đà Nẵng công tác, lại có mặt cả Bí thư Đà Nẵng Trần Thọ và Chủ tịch thành phố Văn Hữu Chiến.
Tôi kể với ông Chiến về nguyện vọng của người vừa được ông tặng nhẫn cưới. Nghe vậy, Bộ trưởng Thăng mau mắn quyết ngay, sẽ nhận vào ngành giao thông. Không chỉ trường hợp này, mà các trường hợp khác là vợ con của cảnh sát biển, kiểm ngư chưa có việc, nếu có nhu cầu ngành cũng sẽ giải quyết.
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo