Có 50% mặt hàng đang chịu sự kiểm tra của 2 đến 3 bộ
Hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều
Tại Hội nghị chuyên đề về Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia (NSW), cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại do Bộ Tài chính tổ chức ngày 24/7, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nói: “Có những lĩnh vực, doanh nghiệp mừng rơi nước mắt vì thủ tục giảm, đặc biệt liên quan tới tần suất và thời gian kiểm dịch động thực vật”.
Tuy nhiên, như báo cáo của hải quan, trong 4 năm qua mới chỉ cắt giảm được hơn 4.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN), con số này là rất ít. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan cần công bố công khai những mặt hàng và danh mục hàng hóa còn phải KTCN nhiều, xem đó thuộc lĩnh vực của những bộ, ngành nào? Bởi có những nhóm ít mặt hàng được cắt giảm thủ tục KTCN nhưng có nhiều hàng hóa vẫn đang bị kiểm tra chồng chéo. Có như vậy mới tìm được giải pháp hiệu quả và triệt để xử lý.
Theo CIEM, hiện có đến 50% các mặt hàng đang chịu sự kiểm tra của hai đến ba bộ, thậm chí trong cùng một bộ nhưng có những mặt hàng phải do hai đến ba cục, vụ kiểm tra... Hay như việc cải cách 350 văn bản pháp luật mà theo thống kê của CIEM là các luật và pháp lệnh cần phải nhanh chóng tiến hành. Trong số này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có 100 văn bản, Bộ Công Thương có 35 văn bản...
Vì vậy theo ông Cung, nên tính tới việc sửa đổi luật, các bộ cũng cần xem xét sửa đổi những thông tư mà doanh nghiệp phàn nàn về các chi phí thực sự bất hợp lý về thủ tục. Cơ chế một cửa quốc gia cũng còn rất ít mở cửa kết nối với những thủ tục mà nhiều người sử dụng. Kết nối như vậy là chưa thực chất. Bên cạnh đó, vấn đề chuẩn hóa và số hóa các hồ sơ, thủ tục cũng cần tiến thêm một bước nữa. Có như vậy, mới có thể tiến lên được một bước khá lớn để từ đó xây dựng được Chính phủ số trong tương lai.
Về hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tích cực chủ động phối hợp đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và KTCN. Theo đó, đã cải cách toàn diện hoạt động KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, như: Rà soát loại bỏ những quy định chồng chéo trong hoạt động KTCN; chuyển thời điểm KTCN từ giai đoạn trong thông quan sang sau thông quan; miễn KTCN đối với một số đối tượng...
Tuy nhiên công tác KTCN cũng còn hạn chế, như số lượng hàng hóa phải KTCN còn chiếm tỷ trọng lớn; còn quy định chồng chéo một hàng hóa phải thực hiện cùng lúc nhiều thủ tục, chịu nhiều hình thức quản lý do cùng một bộ hoặc nhiều bộ quy định...
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, cần nâng cao năng lực và giải pháp công nghệ, để kết nối các thủ tục NSW thống nhất nguyên tắc về KTCN giữa các bộ, ngành. Bởi việc trộn lẫn các mặt hàng cần quản lý nhập khẩu và KTCN sẽ khiến việc kiểm tra gặp nhiều khó khăn, thời gian làm thủ tục thông quan bị kéo dài.
"Dư địa KTCN đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn rất ít. Vì lẽ đó, không nên để tình trạng này kéo dài mà cần sự quyết liệt cải cách nhằm tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Khánh nhấn mạnh.
Sẽ có 196 thủ tục được kết nối cơ chế một cửa quốc gia
Theo Bộ Tài chính, với mục tiêu tạo thuận lợi thương mại, nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, đồng thời thực hiện cam kết quốc tế, được Chính phủ giao là đơn vị chủ trì, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành tích cực triển khai NSW, ASW, cải cách công tác quản lý chuyên ngành và thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh.
Chính thức triển khai từ tháng 11/2014 với các thủ tục ban đầu bao gồm 1 thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu D của Bộ Công thương và 3 thủ tục liên quan đến quản lý tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh tại cảng biển quốc tế do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, tới nay, đã có 53 TTHC của 11 bộ, ngành kết nối cơ chế một cửa quốc gia.
Đặc biệt, từ ngày 15/11/2017, NSW đã được triển khai tại các cảng hàng không quốc tế trên cả nước với sự tham gia kết nối của trên 40 hãng hàng không quốc tế khai thác các chuyến bay chở hành khách và hàng hóa đến Việt Nam và xuất phát từ Việt Nam. Đến ngày 15/7/2018, hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp đã được xử lý thông qua NSW.
Tại Bộ Tài chính, tất cả các quy trình thủ tục hải quan đã kết nối NSW và được tự động hóa ở mức độ rất cao với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan. Hiện nay, thời gian tiếp nhận và thông quan đối với hàng luồng xanh chỉ từ 1-3 giây, đối với hàng luồng vàng, thời gian xử lý và kiểm tra hồ sơ không quá 2 giờ làm việc.
Bộ Tài chính cũng đã phối hợp với một số bộ, ngành thống nhất quy trình nghiệp vụ, xây dựng hệ thống, tiếp tục mở rộng thực hiện các thủ tục mới năm 2018 thông qua NSW. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục thông qua NSW, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% trên tổng cộng 251 TTHC theo đề xuất mới nhất của các bộ, ngành.
Tuy nhiên, tại Hội nghị, Bộ Tài chính cũng thẳng thắn nhận định, kết quả triển khai NSW còn khiêm tốn so với mục tiêu đề ra. Số lượng thủ tục triển khai còn thấp, đạt 53/283 thủ tục. NSW vẫn chưa đi vào thực chất vì khi thực hiện một số thủ tục thông qua NSW, bên cạnh việc gửi hồ sơ điện tử, tình trạng các doanh nghiệp được yêu cầu phải xuất trình hồ sơ, chứng từ giấy còn diễn ra khá phổ biến...
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Tổ chức 14 điểm bán hàng bình ổn giá dịp Tết Ất Tỵ 2025
Dòng vốn FDI tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam
ABBANK có tổng giám đốc mới
Động lực nào cho dự báo tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm 2025?
Chủ động cung ứng đủ điện, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Năm 2025, chuyển mạnh sang chế biến sâu để gia tăng xuất khẩu