Thị trường

Cơ chế quản lý mía đường quá lạc hậu

Cơ chế quản lý giá đường hiện nay đã lỗi thời, chứa nhiều nghịch lý và cần phải thay đổi nhanh chóng theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tồn kho nhưng không được bán

 

Từ một nước phải nhập khẩu đường thường xuyên, năm 2011, Việt Nam đã xuất khẩu một lượng lớn đường sang Trung Quốc. Tuy nhiên, chỉ sau đó vài tháng, Bộ Công thương đã có công văn yêu cầu kiểm soát chặt mặt hàng này và từ đó đến nay, dù đường trong nước tồn kho với số lượng lớn và các doanh nghiệp đang gặp khó khăn về vốn, lãi suất, vẫn không thể bán đường ra nước ngoài để cân đối doanh thu.

 

Theo Hiệp hội Mía đường, cuối năm 2011, trước tình hình tiêu thụ khó khăn, hiệp hội đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Công thương tiếp tục cho xuất khẩu đường. Tuy nhiên, với lý do bình ổn thị trường, Bộ Công thương vẫn chần chừ. Sau đó, hiệp hội tiếp tục xin xuất khẩu đường, lần này số lượng đề nghị đã được giảm xuống còn khoảng 30.000 tấn. Có lẽ con số này được chấp thuận thông qua nhưng đến thời điểm cận tết, quyết định cho phép chính thức vẫn chưa được ban hành.

 

Theo Cục Chế biến, Thương mại nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), có khả năng các doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu 30.000 tấn đường sang Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, nhưng phải đợi qua sau tết Nguyên đán. Tuy nhiên, đề nghị xin xuất khẩu đường đến nay vẫn chưa chính thức được duyệt, mà cơ hội để bán giá cao đã dần trôi qua.



''Ngành mía đường nhiều năm nay bất ổn, lúc thừa lúc thiếu, lúc không cần nhập thì lại cho nhập, lúc cần xuất thì lại không cho xuất''

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam

 

Theo Tổ chức Đường quốc tế (ISO), sau ba năm liên tục cung không đủ cầu, năm 2012 dự báo sản lượng đường thế giới đạt 173,2 triệu tấn, tăng hơn 8,15 triệu tấn so với năm 2011, thặng dư 5,61 triệu tấn so với nhu cầu. Một số nước châu Á tăng đáng kể về sản lượng như Ấn Độ tăng 5,5 triệu tấn, Thái Lan tăng một triệu tấn.

 

Tuy nhiên, riêng Trung Quốc giảm 2,4 triệu tấn và phải nhập khẩu. Trong khi đó, sản lượng đường năm nay của Việt Nam ước tính đạt 1,45 triệu tấn, cộng dồn lượng tồn kho năm trước khoảng 90.000 tấn, chưa kể đường nhập khẩu chính ngạch và đường nhập lậu khá lớn. Cân đối nhu cầu tiêu thụ trong nước vào khoảng 1,3 triệu tấn thì vẫn còn thừa đến 300.000 tấn.

 

Ông Nguyễn Thành Long - Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam, kiến nghị: “Việt Nam thừa đường trong khi Trung Quốc đang có nhu cầu nhập khẩu, đó là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp có đầu ra tiêu thụ. Ngay từ bây giờ, chúng tôi tích cực đề đạt cơ chế xuất khẩu linh hoạt cho ngành mía đường, bảo đảm nguồn thu cho doanh nghiệp và vẫn ổn định thị trường trong nước”.

 

Rườm rà và chậm chạp

 

Ông Nguyễn Hải - Tổng thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam, cho biết: “Thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước quá rườm rà và chậm chạp. Trong năm nay lượng đường dư thừa vào khoảng 300.000 tấn, hiệp hội đề nghị cho xuất trước tiên khoảng 30.000 tấn nhưng cũng chưa được duyệt. Một số công ty đã tìm được hợp đồng xuất khẩu, nhưng do chưa có ý kiến chính thức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nên các doanh nghiệp vẫn phải chờ, trong khi giá đường thế giới ngày càng giảm, đường trong nước thì tiêu thụ chậm, tồn kho cao. Rất nhiều doanh  nghiệp mía đường hiện nay đang gặp khó khăn về vốn, phải bán tháo không có lãi hoặc bán lỗ”.

 

Ông Đỗ Thành Liêm - Giám đốc Công ty CP đường Khánh Hòa, Phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam - phân tích: “Bộ Công thương lâu nay vẫn quản lý hạn ngạch xuất nhập khẩu đường với mục đích bình ổn giá. Tuy nhiên, việc bình ổn giá bằng phương thức này đang tồn tại nhiều lỗ hổng. Đầu tiên là các doanh nghiệp được cấp hạn ngạch nhập khẩu đều không được công bố, không ai nắm được họ có nhập hay không, tiến độ thế nào, cũng không có quy định buộc họ phải bán ra để bình ổn thị trường khi giá tăng. Chính vì lỗ hổng này mà không ít trường hợp doanh nghiệp lại lợi dụng hạn ngạch được cấp để tạm nhập tái xuất, gây bất ổn thị trường”.

 

Ông Nguyễn Thành Long kiến nghị: “Ngành mía đường nhiều năm nay bất ổn, lúc thừa lúc thiếu, lúc không cần nhập thì lại cho nhập, lúc cần xuất thì lại không cho xuất. Để cải tổ, chúng tôi đề xuất Chính phủ cần ban hành kịp thời cơ chế xuất nhập khẩu đường linh hoạt, dự trữ lưu thông, vốn cho đầu tư và sản xuất, ưu đãi về năng lượng tái tạo cho ngành đường. Đây là những kiến nghị rất cấp bách, đã được tích lũy kinh nghiệm từ các nước sản xuất đường lớn trên thế giới. Tôi hy vọng nhà nước sẽ sớm xem xét ban hành một nghị định mới về mía đường để đảm bảo sự phát triển bền vững”.

 

Theo TN

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo