Cổ đông “ấm ức” vì cổ tức ngân hàng
Đại đại hội của ngân hàng Phương Nam diễn ra hôm 16/4 vừa qua, các cổ đông cho biết 2 năm vừa rồi đều không có cổ tức. “Nhiều ngân hàng cũng quy mô tương đương mà họ vẫn chia cổ tức cho cổ đông, trong khi ở đây chúng tôi không được gì”, một cổ đông bức xúc.
Lý giải về việc 2013 ngân hàng không chia cổ tức, HĐQT cho biết đó là bởi lợi nhuận quá thấp, sau khi trích lập và trừ đi các khoản thì chỉ còn 2 tỷ đồng (tương đương 0,05% vốn điều lệ) thì không bõ bèn gì.
Nếu vì lợi nhuận thấp mà không chia cổ tức, cổ đông Phương Nam có lẽ cũng dễ dàng cảm thông và chia sẻ. Tuy nhiên những người góp vốn tỏ rõ sự bức xúc khi họ mỏi mòn trông chờ một đồng cổ tức cũng không có nhưng HĐQT và Ban Kiểm soát lại được trả mức thù lao lên tới…79% trên tổng lợi nhuận trước thuế thực hiện.
Một cổ đông cho biết, “Năm 2013 đại hội ngân hàng hứa sẽ trả cổ tức 8%, mức thù lao cho HĐQT và BKS là 3% trên tổng lợi nhuận trước thuế. Nhưng khi thực hiện, cổ tức thì bằng 0 còn thù lao thì tới mấy chục phần trăm lợi nhuận, như vậy là trái nghị quyết của cổ đông, hỏi sao chúng tôi không bực”. Vị này cho biết thêm đã đầu tư vào ngân hàng từ khi giá cổ phiếu của Phương Nam trên thị trường gần 100 ngàn đồng, trong khi hiện nay chỉ khoảng 10 ngàn đồng.
Ở đại hội cổ đông của MaritimeBank sau đó (ngày 19/4), nhiều cổ đông cũng không bình tĩnh được khi ngân hàng thêm một lần nữa trình cổ đông không chia cổ tức 2014. “Ban đầu dự định là chia cổ tức 7% nhưng trong năm ngân hàng đón nhận kết quả thanh tra của NHNN và phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, dẫn đến mục tiêu ban đầu không hoàn thành nên không thể chia cổ tức”, lãnh đạo MaritimeBank cho biết về diễn biến năm 2013.
Chia sẻ bên lề đại hội, một cổ đông lâu năm của ngân hàng cho biết, với kết quả lợi nhuận trước thuế hơn 400 tỷ đồng và lượng cổ đông cũng không nhiều, MaritimeBank hoàn toàn có thể chia cổ tức cho cổ đông, tối thiểu khoảng 2% để hai bên cùng vui vẻ. Nhìn sang LienVietPostBank, theo vị cổ đông này, lợi nhuận cũng chỉ tương đương nhưng năm nào họ cũng chia cho cổ đông tỷ lệ 10% bằng tiền mặt, hay ngân hàng ACB dù khủng hoảng nhưng cổ đông của họ vẫn có cổ tức hơn cả lãi suất tiết kiệm.
Tại ngân hàng Techcombank, “điệp khúc” giữ lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng cũng được lặp lại trong năm nay. Theo một vị cổ đông lớn tuổi của ngân hàng, “đã nhiều năm không nhận được một đồng nào cổ tức, chúng tôi hy vọng ngân hàng tính đến lợi ích của cổ đông nhỏ lẻ nhưng các vị lấy lý do để lại vốn phát triển thì chúng tôi không có cách nào khác là buộc phải chấp nhận.”
Một số ngân hàng khác vẫn duy trì cổ tức cho cổ đông nhưng tỷ lệ rất thấp, chẳng hạn như PGBank – đối tượng đang chuẩn bị sáp nhập vào một tổ chức tín dụng khác mà trước đó ngân hàng này từng công bố là Vietinbank – lên kế hoạch chỉ trả cổ tức 1% cho năm 2014, hay ở MDBank – ngân hàng sẽ nhập vào MaritimeBank trong thời gian tới- cổ tức năm 2013 chỉ 1,5% và kế hoạch 2014 là 3,5%...
Ở ngân hàng VPBank, dù cổ tức các năm trước vẫn có nhưng cổ đông cũng không vui vẻ vì thường chia bằng cổ phiếu. Tại đại hội diễn ra ngày 21/4 vừa qua, các cổ đông của ngân hàng cho biết họ cần chia cổ tức thực sự bằng tiền chứ không phải là một ..."mớ giấy". “Chúng tôi muốn cổ tức, bao nhiêu năm một lần cũng được chứ không phải tất cả cổ đông đều là con tin để ngân hàng phát triển”, một cổ đông đứng lên phát biểu.
Một cổ đông nữ tuổi ngoài 60 trong khi đó chia sẻ với người viết, "cổ tức ngân hàng phải gọi là cổ hứa, vì các ông cứ hứa mãi. Nghe nói năm vừa rồi ngân hàng làm ăn tốt, lợi nhuận trên ngàn tỷ sao không chia cổ tức cho chúng tôi. Làm ăn tốt mà còn viện cớ để giữ lại lợi nhuận, thì đến khi làm ăn kém cỏi, đồng tiền của cổ đông đầu tư vào ngân hàng chắc chắn không hy vọng sinh lời”.
Việc các ngân hàng không chia cổ tức, chia với tỷ lệ rất thấp hoặc chia bằng cổ phiếu khá phổ biến trong khoảng 2 năm trở lại đây. Theo lãnh đạo các nhà băng, kinh tế ngày càng khó khăn, lợi nhuận ngân hàng không còn tốt như trước trong khi cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các ngân hàng muốn mạnh, muốn có lợi thế thì phải khẩn trương tăng vốn, đẩy mạnh đầu tư. Trong khi đó việc tìm kiếm đầu tư cũng không dễ dàng gì do đó chỉ trông chờ chủ yếu vào phần lợi nhuận để lại.
Còn theo các chuyên gia, ngoài các lý do tăng vốn, tăng đầu tư mà các ông chủ ngân hàng nêu ra thì còn một nguyên nhân nữa có thể tính đến đó là quy định của Ngân hàng Nhà nước. Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã chỉ đạo bằng văn bản, nếu ngân hàng nào không trích lập đủ dự phòng rủi ro thì không được phép tạm ứng, chia cổ tức.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin