Cổ đông phải "bơm” tiền bổ sung nếu ngân hàng ”hụt” vốn
Sau một thời gian hoạt động nếu vốn điều lệ, vốn được cấp của ngân hàng giảm thấp hơn mức vốn pháp định thì buộc cổ đông, chủ sở hữu phải góp vốn bổ sung.
Thông tin từ Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) cho biết, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang gấp rút sửa đổi, hoàn thiện để sớm ban hành Thông tư thay thế Thông tư 13/2010 TT-NHNN ngày 20/05/2013 quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Cơ quan Thanh tra Giám sát (NHNN) cho biết, trong năm 2014 ngoài việc thanh tra toàn diện các pháp nhân đối với TCTD, chi nhánh NH nước ngoài, thì cơ quan này cũng đang gấp rút hoàn thiện để ban hành cơ chế pháp lý để xử lý những TCTD vi phạm quy định về đảm bảo an toàn trong hoạt động.
Cụ thể, nội dung sửa đổi lần này của NHNN sẽ theo hướng, bổ sung quy định về việc xử lý đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có giá trị thực của vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định.
Một trong các chế tài xử lý là yêu cầu cổ đông, chủ sở hữu phải góp bổ sung vốn, hạn chế một số hoạt động hoặc hạn chế việc mở rộng địa bàn hoạt động (mở chi nhánh),…
Và nếu vốn điều lệ, vốn được cấp giảm thấp hơn mức vốn pháp định dẫn đến vi phạm các tỷ lệ bảo đảm an toàn (như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu, các giới hạn cấp tín dụng, tỷ lệ khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung, dài hạn,…) thì TCTD, chi nhánh NH nước ngoài sẽ bị xử lý theo đúng quy định pháp luật đối với từng trường hợp cụ thể.
Hiện theo quy định của NHNN, các ngân hàng thương mại phải đảm bảo mức vốn pháp định tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Với những quy định sửa đổi chặt chẽ như trên, sẽ không còn tình trạng nhà băng bỗng dưng mất vốn, hụt vốn sau quá trình cơ cấu hoặc sáp nhập hoặc thua lỗ tới mức "ăn rụng” cả vốn như thời gian qua.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo