Có hóa chất độc trong gà nhập lậu
11 đường dây vận chuyển gà lậu
Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, trong những tháng đầu năm 2012, việc nhập lậu gia cầm (gà thải loại không rõ nguồn gốc) đã có những diễn biến phức tạp. “Đại lý” gà lậu lớn nhất trên địa bàn Hà Nội là chợ Hà Vĩ (huyện Thường Tín). Chỉ tính riêng chợ này hằng ngày có khoảng 60 - 80 tấn gà được đưa về tiêu thụ, trong đó gà lậu chiếm từ 14 - 24 tấn.
Từ đầu tháng 8 đến nay, do được kiểm soát chặt chẽ, lượng gà nhập lậu về chợ Hà Vĩ đã giảm hẳn, nhưng cũng còn tới 2 - 3 tấn/ngày. Cũng theo ông Thăng, ở chợ này có 16 hộ thường xuyên kinh doanh gà lậu, tuy nhiên nay đã tạm nghỉ.
Ông Thăng cho biết, hiện có 11 đường dây có tổ chức vận gà chuyển gà lậu từ các tuyến biên giới phía bắc đưa vào Hà Nội tiêu thụ; trong đó, Quảng Ninh 3 đường dây, Bắc Ninh 2, Hải Dương 1, Thái Bình 1, Hà Nam 1, Bắc Giang 2, Lào Cai 1. Các đối tượng vận chuyển rất chuyên nghiệp, có tổ chức.
“Các đối tượng này cũng sử dụng nhiều biển số giả trên một cung đường, tìm cách thay đổi lịch trình, ém hàng nếu thấy động, thậm chí huy động lực lượng, phương tiện chèn, ép khi bị kiểm tra. Hơn nữa, các đối tượng này còn huy động hàng trăm người hỗ trợ tẩu tán hàng khi bị phát hiện”, ông Thăng khẳng định
Nói về nguyên nhân của tình trạng gà nhập lậu ồ ạt nhập vào Việt Nam, ông Thăng nhận định do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước. Cụ thể, giá gà thải loại không rõ nguồn gốc ở biên giới từ 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg và khi về đến các chợ giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, còn do sự phối hợp giữa các lực lượng có nhiều hạn chế, phân tán, chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan chức năng gây khó khăn trong kiểm tra, kiểm soát gà “đầu trọc”. Chế tài xử lý đối với gia cầm không rõ nguồn gốc chưa đủ nghiêm minh với đối tượng vi phạm.
Thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thị Xuân Thu, qua kiểm tra các mẫu gà nhập lậu cho thấy, số mẫu có dư lượng thuốc kháng sinh quá giới hạn cho phép chiếm tới 20%. Vì vậy, loại gà này không an toàn nên các nước khuyến cáo người dân không ăn. “Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục lấy mẫu để kiểm tra và đưa ra những khuyến cáo với người dân”, bà Thu nói.
Đại diện Bộ Y tế cũng khuyến cáo, trong gà nhập lậu có những hóa chất chưa biết rõ và nó có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe người dân. Vì vậy, phải kiên quyết tiêu hủy loại gà này.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ đạo các lực lượng chức năng phải thông tin đến người dân biết được loại gà này gây nguy hiểm đến sức khỏe, để từ đó họ sẽ không mua về ăn. Ông Thảo cũng khẳng định, đây là loại hàng hóa gây nguy hại cho sức khỏe nên phải có biện pháp xử lý nghiêm.
Tại buổi làm việc với Thành phố Hà Nội (ngày 9/11), Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành phải trả lời được hóa chất cụ thể tồn tại trong gà lậu, từ đó có biện pháp xử lý.
Phó Thủ thướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, nhân dân đang rất bức xúc về gà nhập lậu gây nguy hại trực tiếp, gián tiếp đến sức khỏe nhưng vẫn được nhập lậu vào trong nước. Phó Thủ tướng cho rằng, loại gà nhập lậu này gây nguy hại cho sức khỏe người dân, phá hoại sản xuất trong nước và còn gây thất thu ngân sách nhà nước. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm gà nhập lậu.
Hồng Lĩnh (Theo Lao Động)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao