Chứng khoán

Cơ hội đi lên trong tháng 7

VN-Index có thể điều chỉnh tại khu vực 580 - 590 điểm, nhưng không làm mất đi hướng tăng của chỉ số. Trong tháng 7, xu hướng chính của thị trường là đi lên. Đó là nhận định của ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó phòng Nghiên cứu phân tích - khách hàng cá nhân CTCK Maybank Kim Eng (MBKE).

VN-Index đã phục hồi về vùng điểm ngay trước khi xảy ra sự kiện gây căng thẳng trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc. Ông nhìn nhận như thế nào về diễn biến của chỉ số?

Trong một tháng qua, chúng tôi giữ nguyên nhìn nhận xu hướng ngắn hạn của thị trường là tăng. Nhìn vào đồ thị có thể thấy rõ, đường giá vượt lên trên đường MA trung hạn và lần lượt duy trì các mức đỉnh và đáy liền sau cao hơn, thanh khoản cũng có sự cải thiện. Tất nhiên, sau một giai đoạn đi lên, thị trường khó tránh khỏi tình trạng đi ngang và điều chỉnh nhẹ trong một số phiên để làm quen với mặt bằng giá mới. Trong giai đoạn hiện tại, sự điều chỉnh có thể diễn ra trong khu vực 580 - 590 điểm, nhưng sẽ không làm mất đi xu hướng tăng của VN-Index.
 
Như vậy, ông dự báo TTCK có xu hướng tăng trong tháng 7 này?
 
Diễn biến thị trường trong tháng 7 nghiêng về chiều hướng đi lên. Lực tăng có thể sẽ chậm hơn so với giai đoạn tháng 6, nhưng VN-Index có khả năng tiến đến vùng 610 điểm, khu vực cao nhất kể từ đầu năm. Hồi cuối tháng 3, đầu tháng 4, VN-Index đã di chuyển đến vùng điểm này, nhưng không vượt qua được.
 
Hiện tại, 610 điểm là một ngưỡng kháng cự mạnh, VN-Index không dễ bứt phá do động lực của thị trường dù đã có cải thiện, nhưng vẫn còn yếu hơn rõ rệt so với hồi đó.
 
Tháng 6, khối NĐT nước ngoài mua ròng khá mạnh. Liệu khối ngoại có duy trì động thái mua ròng trong tháng 7?
 
Trong quý II/2014, khối ngoại mua ròng xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, trong khi lũy kế từ đầu năm, con số này vào khoảng 6.000 tỷ đồng. Tính riêng tháng 6/2014, khối ngoại mua ròng hơn 1.400 tỷ đồng. Tháng 6, đối với một số quỹ là thời điểm “kết thúc năm tài chính” nên kích thích hoạt động “kéo” giá trị tài sản ròng (NAV); ngoài ra, sau sự kiện Biển Đông, thị trường giảm khá mạnh nên tăng sức hấp dẫn đối với khối ngoại.
 
Bước sang đầu tháng 7, giao dịch của khối ngoại có dấu hiệu thu hẹp và lượng mua ròng sụt giảm. Với động thái này, vai trò của các NĐT nước ngoài sẽ tương đối mờ nhạt trong tháng 7. Cường độ hoạt động ở chiều mua và bán nhiều khả năng giảm và chiếm một tỷ trọng không cao trên tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường. Nguy cơ bán ròng có thể xảy ra, nhưng giá trị sẽ không lớn và ít có tác động đến xu hướng thị trường.
 
Dòng tiền trên TTCK thường tập trung vào cổ phiếu của một số nhóm ngành. Theo ông, dòng tiền sẽ tập trung vào nhóm ngành nào?
 
Dòng tiền trong ngắn hạn sẽ tập trung vào các công ty có dự báo tốt về kết quả kinh doanh quý II/2014. Với Maybank Kim Eng, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến ba ngành là săm lốp, dầu khí và chứng khoán.
 
Ngành săm lốp được kỳ vọng có kết quả kinh doanh khả quan nhờ vào hai nhân tố là giá cao su thiên nhiên (nguyên liệu đầu vào) tiếp tục thấp do tình trạng dư cung trên thế giới và tiềm năng tăng trưởng lớn ở phân khúc săm lốp Radial toàn thép của hai công ty CSM và DRC. Tại Việt Nam mới chỉ có 10% phương tiện sử dụng lốp radial này.
 
Ngành dầu khí được kỳ vọng vì các công ty liên quan trực tiếp đến khai thác, thăm dò (như PVS, PVD) được hưởng lợi từ việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ đầu tư 100.400 tỷ đồng cho các lĩnh vực này, tăng 31,2% so với thực hiện năm 2013. Đây là chất xúc tác rất lớn đối với các công ty cung cấp dịch vụ thăm dò, tìm kiếm, khoan và khai thác dầu khí.
 
Nhóm ngành chứng khoán, đặc biệt là các CTCK lớn như SSI, HCM được hưởng lợi nhờ vào sự sôi động của TTCK trong những tháng đầu năm.
 
Thông tin Chính phủ đồng ý với đề xuất của Bộ Xây dựng về việc mở rộng đối tượng cho vay gói 30.000 tỷ đồng liệu có tác động tới những cổ phiếu của các doanh nghiệp bất động sản đang có dự án nhà ở xã hội hay không?
 
Thông tin này không quá mới, tại thời điểm Chính phủ đồng ý với đề xuất này đã được thị trường đánh giá cao và phản ánh tương đối lớn vào giá cổ phiếu.
 
Đề xuất của Bộ Xây dựng về mở rộng đối tượng cho vay nhắm tới các cá nhân và hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn là chủ yếu. Do vậy, gần như không có doanh nghiệp niêm yết trên sàn có thể được hưởng lợi trực tiếp từ chính sách này, các ảnh hưởng nếu có chủ yếu theo hình thức gián tiếp.
Theo Đầu tư Chứng khoán
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo