Cơ hội đổi chất dòng FDI năm 2013
Khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội (Hanssip) vừa chính thức được khởi công vào giữa tháng 12/2012. Với khoảng 1 tỷ USD dự kiến sẽ được Tập đoàn Đầu tư phát triển N&G (N&G Corp) và các cổ đông chiến lược là Hanel, Doji đổ vào Hanssip, các nhà đầu tư nội đang nuôi kỳ vọng biến 640 ha của Cụm công nghiệp Đại Xuyên của Hà Tây trước đây trở thành điểm đón dòng đầu tư từ Nhật Bản.
Từ cuộc đua "săn đón" đầu tư Nhật Bản
Sự sẵn sàng này không chỉ dừng lại trong kế hoạch hậu xây dựng. Ngay tại lễ khởi công Hanssip, người ta nhận thấy sự có mặt khá áp đảo của các đối tác Nhật Bản của dự án. Đó là Nikken Sekei Civil (NSC) trong vai trò tư vấn thiết kế, Tập đoàn Forval với vị trí đối tác chiến lược kêu gọi đầu tư, Tập đoàn Shimizu là đối tác xây dựng. Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc N&G Corp chia sẻ phương cách tạo ấn tượng với nhà đầu tư Nhật Bản. Ông Hoàng cho biết, vài chục cuộc gặp với nhà đầu tư Nhật Bản sẽ được thực hiện ngay trong đầu năm 2013 với sự hỗ trợ của Tập đoàn Forval và sự hậu thuẫn của 15 ngân hàng Nhật Bản.
Sự sốt sắng của N&G Corp là dễ hiểu khi dòng đầu tư từ Nhật Bản đổ vào Việt Nam đang chuyển dịch rất rõ. Ngoài vị trí số 1 về tổng số vốn đầu tư, nhà đầu tư Nhật Bản đang khiến các địa phương, các khu công nghiệp phải săn đón bởi chất lượng và cả tiến độ giải ngân của các dự án trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao. Chỉ trong vòng bán kính hơn 200 km quanh Hà Nội, các địa phương như Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hải Phòng đều có được căn cứ mới dành cho các nhà đầu tư Nhật Bản. Ninh Bình, Quảng Ninh trong các hội nghị xúc tiến đầu tư tháng 12/2012 cũng đã phát đi thông điệp mời gọi nhà đầu tư Nhật Bản. Tại phía Nam, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhiều năm nay đã có những cơ chế riêng cho các nhà đầu tư đến từ đất nước Mặt trời mọc này.
Đây là cơ sở để nhìn thấy khả năng duy trì tiếp ngôi vị số 1 của nhà đầu tư Nhật Bản trong bảng xếp hạng về thu hút FDI tại Việt Nam trong năm 2013. Theo Báo cáo môi trường đầu tư thường niên vừa được Jetro công bố hồi đầu tháng 12/2012, nguồn vốn FDI này sẽ đổ vào các dự án quy mô vừa trong lĩnh vực sản xuất, công nghiệp hỗ trợ.
Đến nhu cầu cơ cấu của doanh nghiệp FDI
Công ty bảo hiểm Sumitomo (Nhật Bản) mới đây đã quyết định sẽ sử dụng khoản tín dụng trị giá 30 tỷ yên để mua lại 20% cổ phần của Bảo Việt đang do Ngân hàng HSBC của Anh nắm giữ, và trở thành cổ đông lớn thứ hai tại Bảo Việt.
Các thương vụ M&A đình đám trở thành điểm nóng mới của
hoạt động FDI tại Việt Nam. (Nguồn: Internet)
Trước đó, trong năm 2012, các thương vụ M&A đình đám trở thành điểm nóng mới của hoạt động FDI tại Việt Nam. Có thể kể tới hãng bánh kẹo Glico (Nhật Bản) chi 31 triệu USD mua 10,5% cổ phần của Kinh Đô; Công ty NawaPlastics Thái Lan, sau khi hoàn tất mục tiêu nắm giữ 20% cổ phần Nhựa Bình Minh và 23% cổ phần của Nhựa Tiền Phong, đang có tham vọng nâng tỷ lệ sở hữu tại cả hai công ty này lên 49%. Nhu cầu tái cơ cấu danh mục đầu tư của các tập đoàn đang được dự báo sẽ tác động mạnh tới hoạt động FDI tại Việt Nam trong năm 2013.
Xu hướng này trùng với dự báo của Diễn đàn Thương mại và Phát triển Liên Hợp Quốc (UNCTAD) về việc tìm điểm đến của khoảng 1,8 nghìn tỷ USD vốn FDI trên quy mô toàn cầu trong năm 2013. Các khoản đầu tư vào lĩnh vực bất động sản, dịch vụ tài chính được UNCTAD cho rằng sẽ giảm đi đáng kể do kế hoạch tái cơ cấu danh mục đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài sau khủng hoảng kinh tế. Hình thức M&A trong đầu tư nước ngoài sẽ tăng mạnh, bên cạnh cách thức đầu tư truyền thống.
Tại thị trường Việt Nam vào đầu năm tới, thương vụ Công ty Quản lý quỹ VinaCapital rao bán 50% cổ phần trong Metropole Hà Nội với số cổ phần có giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD chắc sẽ là điểm nóng mới. Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng Giám đốc Công ty Dữ liệu và Truyền thông tài chính StoxPlus dự báo, năm 2013 thị trường M&A sẽ sôi động hơn nếu khơi thông được các thương vụ còn tồn lại từ năm 2012. Trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ uống, dược phẩm luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài.
Và kế hoạch ghi điểm xuất khẩu
Các địa phương đi nhanh trong việc đón dòng FDI mới dường như đang đạt được những kết quả khả quan. Hầu hết những tên tuổi đứng đầu trong danh sách thu hút nhiều FDI như Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Hải Phòng, Bắc Ninh, đều là những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn. Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu lên tới gần 1 tỷ USD/tháng của Samsung Electronic Việt Nam (SEV) trong năm 2012 đã khiến Bắc Ninh lần đầu xuất hiện trong top 5 địa phương có các doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, trong đó toàn bộ đóng góp đến từ khối doanh nghiệp FDI. Cũng chính sự đột phá của SEV khiến nhóm hàng điện thoại và linh kiện giữ vững chân trong câu lạc bộ tỷ đô về xuất khẩu.
Lợi thế về thị trường, vốn và công nghệ đang là lý do khiến các doanh nghiệp FDI gần như vượt lên khỏi những khó khăn của nền kinh tế Việt Nam, trái ngược với khu vực doanh nghiệp trong nước. Điều này lý giải ưu thế về xuất khẩu của khu vực FDI trong năm nay, với giá trị ước đạt 69,4 tỷ USD, chiếm 62,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Tất nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề liên quan đến giá trị gia tăng trong thành tích xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI, bởi tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao của khu vực này đều là nhờ các mặt hàng gia công, nhập khẩu nguyên, vật liệu lớn.
Theo ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, có tới 49% doanh nghiệp FDI đang hoạt động gặp khó khăn trong việc mua nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất tại thị trường nội địa. Với doanh nghiệp Nhật Bản, tỷ lệ này còn lớn hơn, khi chỉ khoảng 45% nguyên liệu phục vụ xuất khẩu mua được từ các doanh nghiệp trong nước. Có nghĩa là, trong thành tích xuất khẩu của khu vực FDI, phần gia tăng mà doanh nghiệp Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam có thể hưởng lợi chưa nhiều. Ngoài ra, ông Nguyễn Quang Thuân của StoxPlus còn nhận thấy xu thế doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam để trực tiếp khai thác thị trường 90 triệu dân, thay vì thành lập cơ sở sản xuất để sản xuất hàng xuất khẩu, thể hiện rõ nhất là trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ uống và dược phẩm.
Cũng phải nói thêm, sự quay trở lại khai thác thị trường nội địa không chỉ dừng ở việc thông qua các thương vụ M&A. Trong năm ngoái, Canon đã thành lập công ty con 100% vốn để thực hiện nhiệm vụ phân phối hàng hóa của mình tại Việt Nam, thế chân cho một công ty Việt Nam đã làm công việc này nhiều năm trước đó.
Đoàn Huế (Theo DĐDN)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng ngày 23/12/2024: Biến động trái chiều
Giá ngoại tệ ngày 23/12/2024: USD vẫn tăng mạnh nhờ động thái của Fed
Giá nông sản ngày 23/12/2024: Hồ tiêu và cà phê giữ mức ổn định
Kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống ngành Điện lực Việt Nam (21/12/1954 - 21/12/2024)
Giá heo hơi ngày 23/12/2024: Miền Bắc thiết lập mức giá mới
Doanh nghiệp nước giải khát đẩy mạnh phát triển bền vững