Thị trường

Cơ hội hợp tác với các tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới

Những động thái gần đây của nhiều của tập đoàn xuyên quốc gia công nghệ cao hàng đầu thế giới như tăng vốn đầu tư mới và chuyển nhà máy từ nước khác sang Việt Nam đã tạo ra cơ hội lớn để thu hút FDI công nghệ, dịch vụ cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ, biến Việt Nam trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các tập đoàn này.

Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công. (Ảnh: Internet)

Ngược lại thời gian trước khi tập đoàn điện tử hàng đầu của Hàn Quốc tiến vào Việt Nam, theo GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã mất khá nhiều thời gian mới đưa ra quyết định áp dụng chính sách ưu đãi đặc biệt đối với dự án của Samsung. Nguyên do bởi có những cách tiếp cận không thống nhất thế nào là dự án công nghệ cao.

Thậm chí, hiện nay vẫn có những người  hoài nghi về đóng góp của dự án này vào nền kinh tế khi giá trị gia tăng chưa cao, công nghiệp hỗ trợ chủ yếu dựa vào doanh nghiệp FDI và thu ngân sách chưa nhiều.

“Là người được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài từ khi thành lập Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư  - SCCI, tôi đánh giá cao đầu tư của Samsung tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, mở đầu cho giai đoạn mới của FDI- giai đoạn coi trọng hơn chất lượng, hiệu quả kinh tế- xã hội, tính bền vũng của sự phát triển đối với FDI như đã được Chính phủ chỉ rõ tại Nghị Quyết số 103 ngày 29/8/2013”, GS Mại nói.

Năm 2013 Samsung bán ra trên thị trường toàn cầu 400 triệu điện thoại di động thì 120 triệu chiếc được sản xuất tại Bắc Ninh, với kim ngạch xuất khẩu 23 tỷ USD, chiếm 17% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta. Với Samsung, Việt Nam lần đầu tiên trở thành cứ điểm sản xuất của thế giới một số sản phẩm điện tử công nghệ cao.

 Tuy nhiên cái đáng bàn trong thành công cua Samsung ở đây là vẫn theo GS.TS Mại, bằng cách nào để từ Samsung, người Việt Nam học hỏi được bí quyết công nghệ nhằm nâng cao trình độ công nghệ của doanh nghiệp trong nước. Mà đây chính là một mục tiêu quan trọng đối với thu hút FDI. Làm thế nào để tăng dần giá trị gia tăng của các sản phẩm Samsung từ khoảng 30% hiện nay lên cao hơn .

Lý giải phần nào cho vấn đề này, GS.TS Mại cho rằng trong thế giới hiện đại khi mạng sản xuất và phân phối mang tính khu vực và toàn cầu, mỗi nước cần dựa vào lợi thế so sánh của mình để tập trung đầu tư phát triển một số công nghiệp hỗ trợ đạt được giá trị sản xuất và tỷ trọng xuất khẩu, chiếm thị phần chi phối ở khu vực và toàn cầu như cách mà Malaysia đã làm vào thập niên 90 của thế kỷ trước đối với linh kiện điện và điện tử.

 Việt Nam không thể phát triển bất cứ công nghiệp hỗ trợ nào, mà phải lựa chọn một số sản phẩm chủ lực để phát triển thành thương hiệu quốc gia. Cũng không nên máy móc khi đặt vấn đề tỷ lệ nội địa hóa đối với từng loại sản phẩm như ô tô, xe máy mà phải tính đến chi phí, giá thành, chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sự phân công và hợp tác theo chuỗi giá trị toàn cầu.

Quay trở lại vấn đề công nghiệp hỗ trợ, khi nhà máy tại Thái Nguyên đi vào hoạt động đạt công suất thiết kế, Samsung sẽ sản xuất khoảng 240 triệu ĐTDĐ ở nước ta. Như vậy họ cần hàng trăm xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ tại chỗ và trong khu vực. Đó là cơ hội lớn cho Bắc Ninh, Thái Nguyên và các địa phương khác trong vùng Thủ đô phát triển công nghiệp hỗ trợ, lĩnh vực mà  hiện chủ yếu do các doanh nghiệp FDI thực hiện.

“Do vậy việc hợp tác giữa Việt Nam với Samsung để từng bước xây dựng hệ thống xí nghiệp công nghiệp hỗ trợ của nước ta cho tập đoàn này hình thành mô hình thí điểm là phương thức thích hợp trong bối cảnh hiện nay. Việc đó cũng có lợi cho Samsung vì khi đã thết lập được mạng lưới công nghiệp hỗ trợ tại địa phương sẽ tạo điều kiện giảm giá thành, tăng giá trị gia tăng và tăng lợi nhuận của tập đoàn”, GS Mại khẳng định.

Là nước công nghiệp hóa đi sau, Việt Nam cần và có thể tận dụng lợi thế về thông tin của những nước đi trước để vận dụng bài học thành công, tránh vết xe đổ nhằm tìm ra phương thức hữu hiệu trong việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu bằng cách thu hút FDI của tập đoàn xuyên quốc gia hàng đầu thế giới.

 

Theo số liệu điều tra của JETRO (Nhật Bản) thì số linh kiện, nguyên phụ liệu nội địa cung ứng cho sản phẩm công nghiệp của Trung Quốc và Thái Lan chiếm 50-60%, của Việt Nam chỉ chiếm 27,8% giá trị sản lượng công nghiệp. Do vậy giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam dao động từ 15 đến 30%, kể cả những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn như may mặc và da giày.

Đoàn Huế
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo