Thị trường

Cơ hội khơi thông vốn cuối năm 2012

(DNHN) Nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn, kịp thời nắm bắt cơ hội đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, “ Diễn đàn Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp: Cơ hội vốn cuối năm 2012” đã được tổ chức vào sáng qua, 20/9.

 

Năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp

 

Phát biểu tại Diễn đàn,  TS Nguyễn Đại Lai, chuyên gia kinh tế – ngân hàng cho biết: Lạm phát liên tục những năm qua đã tạo ra hiện tượng "tiền nhiều vốn ít”, thanh khoản trong các ngân hàng luôn căng thẳng và ngày càng gia tăng bởi cùng với tăng lạm phát chính là tăng nợ xấu.

 

Báo cáo kinh tế 2012 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố lần đầu tiên ghi nhận thực tế, người dân và doanh nghiệp Việt Nam đang gồng mình gánh các mức thuế, phí cao nhất trong khu vực, lớn hơn từ 1,4-3 lần. Để GDP đạt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho cả năm 2012, những tháng còn lại, GDP phải tăng từ 7,28-8,18%.

 

Phần lớn tín dụng bơm ra trong 8 tháng qua chủ yếu để người vay trả nợ cũ hoặc để đảo nợ, làm cho tổng dư nợ vẫn "dẫm chân” xung quanh mức cũ nhưng đã khá cao, khoảng 125% GDP. Sức ỳ của nền kinh tế biểu hiện rõ qua năng lực hấp thụ vốn rất yếu của doanh nghiệp. Thị trường vốn cũng đang ứ đọng, không tìm được nhiều khách hàng đủ điều kiện hấp thụ vốn mới hiệu quả và an toàn. Nền kinh tế, tóm gọn lại đang ở tình trạng "thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”.

 

Đại diện cho Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Tô Hoài Nam cho rằng, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa dù chiếm tỷ trọng lớn nhưng cũng là đối tượng gặp nhiều rào cản nhất. Những nỗ lực và chỉ đạo của cơ quan quản lý trong quá trình triển khai vẫn còn thiếu trọng tâm, trọng điểm, thiếu biện pháp xử lý các ngân hàng không chấp hành trần lãi suất cho vay 15%/năm, hay điều chỉnh lãi suất cũ về 15%/năm, nên doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn.

 

Bởi vậy, để có thể cầm cự đến cuối năm 2012 và có cơ hội tái đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh trong năm 2013, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa rất cần được "tháo khoán” về nhu cầu vốn với lãi suất hợp lý cũng như cải thiện hàng tồn kho.

  

Giải pháp tăng khả năng hấp thụ vốn

 

Trao đổi, bàn luận xung quanh vấn đề này, ThS Lê Văn Hinh, chuyên gia tài chính – ngân hàng nhận định: Trong một thời gian dài, Việt Nam đã theo đuổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhanh về chiều rộng, dựa vào vốn và tài nguyên có sẵn hơn là sáng tạo. Yếu tố năng suất tổng hợp đóng góp rất thấp, doanh nghiệp chấp nhận rủi ro cao. Bởi vậy, nếu có giải pháp về vốn thì yêu cầu phải bài bản và mang tính lâu bền là gắn các giải pháp này với yêu cầu cải cách, cơ cấu lại doanh nghiệp để có được sự chuyển biến từ bên trong doanh nghiệp.

 

TS Lai đã đưa ra 7 nhóm giải pháp, trong đó nhấn mạnh tới việc nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề, để từ đó doanh nghiệp có thể mở rộng thị trường tiêu thụ thông qua kênh thông tin, giao lưu hữu ích này.

 

 "Chính phủ cần có chính sách kích cầu cụ thể như tăng lương, giảm thuế VAT, mở kho, thu mua các sản phẩm tạm trữ như lương thực... Ngân hàng Nhà nước nên làm đầu mối mua vốn của ngân hàng thương mại thừa với lãi suất bằng lãi suất tái cấp vốn do Ngân hàng Nhà nước ấn định trừ đi 1%, và nên sớm dỡ bỏ mọi quy định trần lãi suất ở thị trường cũng như gỡ bỏ mọi rào cản mang tính hành chính, độc quyền hóa” – TS Lai nhấn mạnh.

 

Về cung tín dụng, TS Trần Thị Hồng Hạnh, Hiệp hội ngân hàng Việt Nam cho biết từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy thị trường tín dụng, cần tiếp tục tổ chức triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách cho vay, chính sách khách hàng của ngân hàng. Làm tốt công tác dự báo nhu cầu tín dụng của khách hàng để có kế hoạch cân đối nguồn vốn cho phù hợp, chủ động tiếp cận với khách hàng, đặc biệt là các khách hàng tiềm năng để rà soát, đánh giá lại các khoản nợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vượt qua khó khăn để có thể ổn định sản xuất và phát triển….

 

 

 

PV

 

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo