Cơ hội kinh doanh cuối năm cho DN vừa và nhỏ
(dddn) Tại hội thảo “Cơ hội kinh doanh cuối năm” diễn ra ngày 13/8 tại TP.HCM, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định, đến thời điểm này nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi, các chỉ báo về kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát, tỷ giá, xuất-nhập khẩu…có sự ổn định hơn so với năm trước; thị trường tài chính, thị trường bất động sản tuy chưa khởi sắc nhưng đang diễn biến theo chiều hướng tích cực hơn. Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam vẫn đang còn ở trong giai đoạn trì trệ, tăng trưởng dưới tiềm năng và vẫn đang phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn. Mặc dù CPI 7 tháng năm 2013 chỉ tăng 6,81% so với cùng kỳ năm 2012, nhưng nguy cơ lạm phát vẫn “rình rập” khi mà nguyên nhân bên trong của nền kinh tế - tăng trưởng bằng vốn vay chưa được giải quyết.
Cũng theo TS. Trần Du Lịch, khi tình hình nợ xấu chưa được cải thiện thì dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo TS. Đinh Thế Hiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế ứng dụng, một số các biến số vĩ mô của nền kinh tế đáng quan tâm nhất là: Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2013 chỉ đạt 4,9%, tăng trưởng các ngành nông lâm nghiệp và công nghiệp thấp hơn các năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ 7 tháng đầu năm 2013 đạt 1487,9 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 4,9%. Xuất khẩu tăng khá, nhập siêu thấp, cung tiền và tín dụng có tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Do vậy tỷ giá có thể tăng nhẹ nhưng trong khoảng 21.300 – 21.500 VNĐ/USD.
“Những tháng cuối năm 2013, các ngành như xuất khẩu hàng hóa cơ bản, thương mại dịch vụ sẽ phục hồi và tăng trưởng; còn các ngành sản xuất công nghiệp và bất động sản sẽ tăng chậm do mức tiêu thụ chưa thật sự khơi thông. Việc tìm vốn cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh trong những tháng cuối năm và cả năm 2014 là vô cùng cần thiết”, TS Hiển nhận định. Cũng theo TS, với những khó khăn chung hiện nay, làm sao để quản lý tốt tài chính doanh nghiệp là một bài toán khó. Và như đã nói, lời giải chính là DN cần phải đảm bảo tính chính xác của báo cáo tài chính, kiểm tra thực hiện các biện pháp ngắn hạn, lập kế hoạch tài chính và tạo ra các điều kiện tiên quyết trong kinh doanh.
L.Mỹ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Ông Trần Chí Cường làm Trưởng Ban chỉ đạo phát triển ngành logistics Đà Nẵng
Kế hoạch triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội
Doanh nghiệp Pháp muốn đầu tư vào hạ tầng giao thông tại Long An
Hướng nghiệp sớm, hình thành đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao
An Giang bàn giải pháp phát huy giá trị chiến lược của kênh Vĩnh Tế
Đề xuất giải pháp phát triển cảng biển khu thương mại tự do Đà Nẵng