Tin tức - Sự kiện

Cơ hội tái cơ cấu doanh nghiệp

Các chuyên gia kinh tế nhận định: Mặc dù kinh tế năm 2013 vẫn còn nhiều thách thức, song vẫn có nhiều cơ hội để tái cơ cấu DN, lành mạnh hóa thị trường, hướng đến mục tiêu phát triển dài hạn.
Cơ hội trong thách thức
 
Theo TS Trần Du Lịch, năm 2013, nền kinh tế Việt Nam đan xen thách thức và cơ hội cả vĩ mô và vi mô. Tuy nhiên, việc tìm kiếm cơ hội lại trong thách thức nghiệt ngã. Các khó khăn như sức mua giảm, hàng tồn kho, nợ xấu tăng, lãi suất cao, DN thiếu vốn... sẽ được cải thiện hơn so với  năm 2012.
 
Đi sâu phân tích các cơ hội của nền kinh tế, TS Trần Du Lịch cho rằng có 4 cơ hội để DN tái cơ cấu.
 
Thứ nhất là niềm tin của thị trường. Vấn đề quan trọng nhất của chính sách kinh tế vĩ mô hiện nay là lấy lại và củng cố niềm tin cho thị trường. Trong suốt 5 năm qua, Việt Nam phải áp dụng các biện pháp tình thế để ổn định kinh tế vĩ mô đã làm cho thị trường mất phương hướng dài hạn. Hệ thống chính sách và giải pháp Chính phủ đề ra thông qua các Nghị quyết 01 và 02/NQ-CP của Chính phủ là những nỗ lực cần thiết và đúng đắn để lấy lại niềm tin cho thị trường.
 
Bên cạnh đó Chính phủ vừa phê duyệt Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020, trong đó đã phân kỳ cho giai đoạn 2013-2015 ưu tiên tập trung tái cơ cấu 3 lĩnh vực: Đầu tư công; hệ thống ngân hàng thương mại và tập đoàn tổng công ty nhà nước. Quá trình thực hiện các chính sách và giải pháp mà Chính phủ đã đề ra sẽ có tác động làm tăng tổng cầu và phân bố lại nguồn lực. Đây là cơ hội mà các DN cần nắm bắt để xây dựng một chiến lược kinh doanh mới.
 
Thứ hai, thị trường sẽ diễn ra quá trình tự điều chỉnh, thị phần sẽ được phân chia lại. Đây là cơ hội cho những DN có điều kiện mở rộng thị phần, tăng đầu tư với chi phí rẻ. Kinh nghiệm cho thấy sau mỗi cuộc khủng hoảng kinh tế, sau cái họa đều có cái phúc cho những người biết nắm được thời cơ. Ngay cả thị trường bất động sản, trong bối cảnh ảm đạm hiện nay cũng đang mở ra cái phúc như vậy, chứ không chỉ có họa.
 
Thứ ba, với lạm phát kỳ vọng 6-7% và tỷ giá VND/USD ổn định ở biên độ 2-3% trong năm 2013 sẽ  tạo điều kiện quan trọng cho DN xây dựng kế hoạch kinh doanh, phát triển thị trường và tính toán cho các mục tiêu trung hạn. Bên cạnh đó, trên cơ sở định hướng tái cơ cấu nền kinh tế theo đề án của Chính phủ đến năm 2020, DN có điều kiện hơn trong việc xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn của mình.
 
Thứ tư, chắc chắn trong các năm 2013-2014 sẽ diễn ra quá trình tái cơ cấu thị trường “nghiệt ngã”, trong đó có thị trường lao động. Đây là cơ hội để DN phát triển nguồn nhân lực; thu hút đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tái cấu trúc để tận dụng cơ hội  
 
Theo TS Trần Du Lịch, dù yếu ớt và vẫn trong tình trạng tăng trưởng dưới tiềm năng, nhưng năm 2013 nền kinh tế Việt Nam sẽ hồi phục nếu thực hiện nhất quán, đồng bộ và có hiệu quả các biện pháp đề ra trong Nghị quyết 01 và 02 của Chính phủ. Chính vì thế, những cơ hội và thách thức nêu trên cũng là thời kỳ mở ra cho DN nắm bắt cơ hội để tái cơ cấu và phát triển bền vững, thị trường sẽ lành mạnh hơn.
 
Trước tình hình kinh tế khó khăn, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đã đề xuất nhiều kiến nghị với lãnh đạo thành phố, các bộ ngành Trung ương và Chính phủ để tìm kiếm các giải pháp xử lý hàng tồn kho và nợ xấu bất động sản trong năm 2013. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, biện pháp tiên quyết là các DN phải rà soát, tái cấu trúc bộ máy, cơ cấu lại đầu tư, kiên quyết đình hoãn hoặc giãn tiến độ thực hiện các dự án, cơ cấu lại sản phẩm, xin điều chỉnh công năng dự án, qui mô căn hộ phù hợp với nhu cầu của thị trường và khả năng tài chính của khách hàng.
 
Theo TS. Đào Nguyên Cát, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, ba điểm nghẽn lớn nhất cản trở tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế là:
 
Nợ xấu ở mức khá cao, cản trở tốc độ tăng trưởng tín dụng; tồn kho lớn và bất động sản đóng băng. Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành đã có chủ trương và giải pháp để tháo gỡ các điểm nghẽn như hạ lãi suất, có cơ chế bảo lãnh tín dụng với DN nhỏ và vừa, mở rộng tín dụng cho sản xuất, tiêu dùng; gia hạn nộp thuế GTGT, nộp thuế Thu nhập DN… Những giải pháp từ phía Nhà nước rất ý nghĩa đối với DN, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất quyết định vận mệnh của mỗi DN là DN phải tự cứu mình, chủ động tái cấu trúc, khai phá thị trường và có những giải pháp phù hợp để “vượt bão”. 
 
 
 
 
Minh Trí
Theo HQO
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo