Cơ hội tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa
Hội thảo giới thiệu về Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, vừa được Thủ tướng phê duyệt và các cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang kỳ vọng vào các chính sách của Chính phủ.
Ngày 31/5/2013, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo Khơi thông nguồn vốn dành cho Doanh nghiệp nhỏ và vừa do Cổng thông tin ngân hàng Laisuat.vn và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp tổ chức với sự tài trợ của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank)
Hội thảo có sự tham dự của Tiến sỹ Phạm Thị Thu Hằng – Tổng thư ký VCCI, Bà Nguyễn Thị Hồng – Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà Nước và các chuyên gia kinh tế hàng đầu Việt Nam như: Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm – Nguyên Thống đốc ngân hàng nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt nam; Tiến sỹ Nguyễn Trọng Hiệu – Phó cục trưởng cục phát triển doanh nghiệp, Bộ kế hoạch và đầu tư;
Như thường lệ, trong giờ giải lao, Tiến sỹ Cao Sỹ Kiêm vẫn bị vây chặt
bởi đội ngũ phòng viên báo chí và các doanh nghiệp.
Chia sẻ tại Hội thảo, TS Cao Sỹ Kiêm nhận định diễn biến nền kinh tế 5 tháng đầu năm 2013 còn gặp nhiều khó khăn và chắc chắn sẽ còn kéo dài, theo ông phải đến năm 2015. Như đã phát biểu rất cụ thể tại diễn đàn Quốc hội trước đó 1 ngày, TS Cao Sỹ Kiêm nêu vấn đề trọng tâm là cần phải cứu được hoạt động sản xuất, hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, nâng tổng cầu qua cải thiện sức mua. Hiện nay ngân hàng có vốn, doanh nghiệp thì thiếu vốn, nhưng nguồn vốn lại không khơi thông được, tính từ đầu năm, tỷ lệ tiền gửi tiết kiệm tăng 5% trong khi dư nợ cho vay chỉ tăng trên 1% cho thấy ngân hàng tuy còn vốn, nhưng khả năng tiếp cận của doanh nghiệp còn hạn chế.
TS Cao Sỹ Kiêm cũng chỉ rõ: doanh nghiệp nhỏ và vừa phải nhận thức đúng tình hình thị trường, từ đó điều chỉnh chiến lược phát triển của doanh nghiệp, khai thác tận dụng những chính sách của Nhà nước và hành động một cách quyết đoán thì chắc chắn sẽ thành công.
Chia sẻ khó khăn với Doanh nghiệp, Ông Nguyễn Đức Vinh – Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cho biết trong thực tế, lãi suất ảnh hưởng nhiều đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Hiện nay do khó khăn trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp khiến cho 10 đồng vốn vay chỉ có 6 đồng đi vào sản xuất còn 4 đồng nằm trong tồn kho, trong khi lãi suất vẫn phải trả cho 10 đồng là một vấn đề gây khó khăn cho chính sản xuất của doanh nghiệp, kể cả khi tiếp cận được vốn. Chia sẻ khó khăn này với doanh nghiệp, VPBank đã giới thiệu gói tín dụng 2000 tỷ với mức lãi suất cạnh tranh, ưu đãi nhất hiện nay. Với gói tín dụng 2000 tỷ lãi suất giảm từ 1,5% đến 2,5%/năm.
Tại Hội thảo, Đại diện Bộ KHĐT cũng giới thiệu Quỹ phát triển Doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quỹ này vừa được Thủ tướng phê duyệt trong tháng 4/2013. Tuy vậy với qui mô còn rất khiêm tốn, trước mắt 500 tỷ đồng, cũng như phạm vi hỗ trợ chỉ là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực được ưu tiên theo danh mục qui định của Nhà nước, thì khả năng tiếp cận của các doanh nghiệp không phải là nhiều.
Đại diện một doanh nghiệp tham dự hội thảo cũng nêu những khó khăn của Doanh nghiệp, không tiếp cận được vốn ngân hàng. Đây là vấn đề còn rất nan giải. Cũng có ý kiến cho rằng Ngân hàng không mở lòng với doanh nghiệp, cán bộ tín dụng còn gây khó khăn nhưng thực tế việc quản trị minh bạch để có một hồ sơ vay vốn hoàn chỉnh của doanh nghiệp cũng là vấn đề lớn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa phần lớn lại chưa chú trọng.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, bài thuyết trình của Thạc sỹ Trương Tuấn Nghĩa- Phó Tổng Giám đốc Asia Invest về Quản trị dòng tiền là một chủ đề rất hữu ích cho doanh nghiệp khi muốn tiếp cận vốn Ngân hàng, nhưng đến lúc này thì số người tham dự đã giảm đi nhiều.
Bích Hường
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại sáng 8/11 sau khi Fed hạ lãi suất
Giá nông sản ngày 8/11/2024: Hồ tiêu tăng trở lại, cà phê giảm nhẹ
Giá ngoại tệ ngày 8/11/2024: USD giảm sau khi Fed điều chỉnh lãi suất
Đưa hàng Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng ở Đông Bắc Thái Lan
Giá heo hơi ngày 8/11/2024: Ổn định trên diện rộng
Rạng Đông Holding RDP lại bị 'bêu tên' vì chậm công bố thông tin
Cột tin quảng cáo