Cổ Loa, bước đi ban đầu về một nền nông nghiệp sạch
Cùng tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Uỷ ban nhân dân xã Cổ Loa (Đông Anh), các nhà khoa học, các chuyên gia và gần 200 nông dân đã đến chật kín hội trường Uỷ ban nhân dân xã để tham gia vào chương trình.
Tại chương trình, ông Huỳnh Công Tuy, Phó Bí thư Đảng uỷ xã, bà Nguyễn Thị Lương, Phó Chủ tịch UBND xã đã bày tỏ sự xúc động với ý nghĩa thiết thực của dự án nhằm giúp Cổ Loa từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản vật truyền thống của địa phương, cải thiện đời sống cho nhân dân, xứng đáng với truyền thống tự hào của vùng đất có địa danh lịch sử: Thành Cổ Loa.
Tại diễn đàn, nhà khoa học Nguyễn Văn Nhân trình bày một cách ngắn gọn, dễ hiểu và hoàn toàn thuyết phục bà con những kiến thức về hữu cơ vi sinh, vai trò và sự cần thiết của Hữu cơ vi sinh đối với môi trường và sản xuất nông nghiệp sạch. Làm thế nào để tận dụng rác thải trong sản xuất nông nghiệp vào việc cải tạo đất chết (đất đã trồng các loại hoa màu và sử dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học trong thời gian dài). Đây là một đề tài khoa học ứng dụng của Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển nghiên cứu dưới sự hỗ trợ và cố vấn của nhà khoa học Nguyễn Văn Nhân.
Trăn trở trước việc sản phẩm nông nghiệp sạch làm ra nhưng không có thương hiệu, nông dân không bán được, còn thường bị thương nhân ép giá, bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển đã cam kết sẽ dùng công nghệ “Quy trình xác thực chống hàng giả” để bảo vệ thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch của Cổ Loa.
Được biết “Quy trình xác thực chống hàng giả” là một trong các đề tài khoa học của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển vừa được vinh dự nhận giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam ngày 16/5/2016. Ngoài việc xác thực sản phẩm chính hãng một lần duy nhất vào thời điểm người tiêu dùng đưa ra quyết định mua sắm, Quy trình xác thực chống hàng giả còn tích thêm chức năng trả lời nghi vấn của người tiêu dùng bằng giọng nói đây là ưu điểm vượt trội của quy trình.
Sự trao đổi thẳng thắn và sôi nổi của các nông dân làm cho Ban tổ chức hết sức phấn khởi. Người nông dân đã nêu rất rõ các thực trạng của họ hiện nay như: Khó khăn trong việc dồn điền, đổi thửa để sản xuất tập trung; tính kinh tế khi chuyển sang thực hành sản xuất hữu cơ, vấn nạn hàng giả, sự đồng hành và hỗ trợ dài lâu của các đối tác....
Trả lời câu hỏi của các xã viên: Qui trình trên sẽ kéo dài trong bao lâu? Ông Phạm Tuấn Nga- Phó Chủ nhiệm đề tài khẳng định: Nếu bà con thực hiện tốt qui trình được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn thì chỉ sau 3 vụ các sản phẩm sẽ đạt tiêu chuẩn sản phẩm hữu cơ sạch.
Ngay sau khi kết thúc diễn đàn, bà Nguyễn Thị Dung, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Thương mại quốc tế TRAIGOLD-SFA đã thay mặt Công ty tặng ngay cho bà con 60 lít chế phẩm sinh học PAKTOBIO-CT trị giá 18 triệu đồng để áp dụng ngay với sự trợ giúp của cán bộ kỹ thuật Cty.
Bà con rất phấn khởi khi được đại diện Viện nghiên cứu Môi trường Nông nghiệp Nông thôn nêu triển vọng xuất khẩu cho các sản phẩm nông nghiệp sạch.
Đại diện các đơn vị truyền thông cũng cam kết đồng hành cùng bà con Vì một nền Nông nghiệp sạch kỹ thuật cao để bảo vệ sức khoẻ cho mọi người.
Thực tế đã có nhiều chương trình khởi động cho nông sản sạch nhưng hiệu quả còn khá khiêm tốn. Sự cam kết của các đối tác đồng hành cùng bà con từ nay đến hết năm 2020 khiến bà con hết sức tin tưởng.
Chúng ta thường nghe nói đến mô hình hợp tác 4 nhà trong nông nghiệp: Nhà nước, nhà khoa học, nhà Doanh nghiệp và Nhà nông, diễn đàn "Xây dựng thương hiệu Cổ Loa về sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch" là một chương trình hành động thiết thực như vậy. Đây là một trong các chương trình hành động của Trung tâm Doanh nghiệp Hội nhập và Phát triển – Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và Ủy Ban nhân dân xã Cổ Loa hưởng ứng Cuộc vận động xây dựng nông thôn mới do Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động.
End of content
Không có tin nào tiếp theo