Bình luận

Có một nữ doanh nhân như thế

Kinh doanh là một việc đòi hỏi bản lĩnh, sự khôn ngoan và sức chịu đựng bởi "thương trường là chiến trường”. Vượt qua mọi rào cản ấy, chị đã gặt hái được nhiều thành công trên thương trường.

 Doanh nghiệp của chị đang là một hiện tượng điển hình trong cách nghĩ, cách làm của Hội Doanh nghiệp Hà Nam. Người doanh nhân ấy là chị Trần Thị Loan- Giám đốc Công ty Lương thực Hà Nam Ninh.

Giám đốc Trần Thị Loan (giữa) nhận giải Doanh nhân xuất sắc

Tôi gặp chị trong một buổi sáng đẹp trời tại trụ sở công ty đóng trên địa bàn thành phố Hà Nam. Nhìn dáng người mảnh mai, khoáng đạt dịu dàng nhưng cũng đầy cá tính, nếu ai chưa tiếp xúc với chị thì khó có thể tin được đằng sau cái vẻ bề ngoài ấy là một nữ doanh nhân đầy bản lĩnh, tự tin. Chị “khoe” với tôi, công ty vừa đón nhận Giải thưởng "Thương mại Dịch vụ Việt Nam 2013 ", cá nhân chị đạt Giải Doanh nhân tiêu biểu do Bộ Công Thương trao tặng.

Bình dị và chân tình với chất giọng nhẹ nhàng của người miền Trung, chị chia sẻ, cá nhân chị từng nhận được rất nhiều giải thưởng, nhưng phải khẳng định rằng, giải thưởng lần này có ý nghĩa rất quan trọng trong sự nghiệp 37 năm làm nghề của chị. Bởi lẽ, đây là giải thưởng uy tín của ngành Công Thương, liên quan trực tiếp tới lĩnh vực kinh doanh của công ty đang hoạt động.

Chị Loan cho hay, năm 2013, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chị nghỉ chế độ ở Công ty Cổ phần Lương thực Hà Nam, đơn vị được tách ra từ Công ty Cổ phần Lương thực Hà Nam Ninh cũ. Lưu luyến một thương hiệu đã có bề dày thành tích, chị xin với tỉnh Hà Nam thành lập công ty hoạt động kinh doanh lương thực và lấy tên là Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh.

Bằng hướng đi và quyết sách đúng, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty đã nhanh chóng thích nghi được với cơ chế thị trường, ứng phó hiệu quả với những biến động khó lường của thị trường lương thực, đảm bảo sản xuất - kinh doanh hiệu quả, đời sống của cán bộ, công nhân công ty được nâng lên rõ rệt. Các sản phẩm của công ty đã được các đối tác đánh giá cao, đặc biệt sản phẩm gạo của đơn vị được chế biến trên dây chuyền công nghệ hiện đại của Nhật Bản, tự động trong các khâu, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao và đồng đều, đảm bảo thành phần dinh dưỡng, tinh bột, có sự vượt trội so với các sản phẩm cùng loại trên thị trường, thị trường và người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt. Doanh thu bình quân năm đầu của công ty đã đạt 200- 300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước từ 5-6 tỷ đồng.

Với chiến lược phát triển toàn diện, ngoài việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các bạn hàng truyền thống, công ty không ngừng tìm kiếm những bạn hàng mới, mở rộng thị trường. Hiện nay, công ty mở chi nhánh nằm ngay tại vựa lúa của đồng bằng sông Cửu Long nên đã giảm thiểu tối đa các chi phí, giá thành thấp, mọi thông tin được cung cấp kịp thời để xử lý mua vào, bán ra cũng như tạm trữ rất hợp lý.

Cầm những hạt gạo trên tay chị Loan tâm sự, là người con quê hương Hà Tĩnh, trong tâm hồn chị thấm đẫm nỗi nhọc nhằn của người nông dân. Với trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh lương thực nằm trên địa bàn một tỉnh vùng lúa đồng bằng sông Hồng, ngoài việc kinh doanh có hiệu quả để doanh nghiệp tồn tại và phát triển thì việc tiêu thụ lương thực hàng hóa của nông dân, bình ổn giá cả lương thực trên địa bàn cũng được công ty hết sức quan tâm. Do vậy, ngay từ những ngày đầu thành lập, công ty luôn hưởng ứng nhiệt tình Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. “Bản thân tôi đánh giá cao và nhận thức rất sâu sắc chủ trương này, đây được xem như luồng gió mát lành thổi vào các doanh nghiệp Việt để phát triển, mở rộng sản xuất kinh doanh, từng bước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa và đề cao trách nhiệm của mình đối với người tiêu dùng”- Giám đốc Trần Thị Loan chia sẻ.

Năm qua công ty đã đưa ra thị trường hàng nghìn tấn thóc hàng hóa, giá bán ra hợp lý, có lợi cho người nông dân, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu lương thực trên địa bàn tỉnh, công ty thường xuyên dự trữ từ 300- 400 tấn gạo nhằm ổn định tình hình lương thực khi có biến động về giá hoặc khi có thiên tai bão lũ… Mới đây, tiếp tục thực hiện chủ trương này, mặc dù không có hỗ trợ nhưng công ty đã chủ động nguồn kinh phí lên đến hàng trăm triệu đồng để thực hiện chương trình bình ổn giá.

Chị Loan tâm sự: “Tôi luôn tâm niệm người lãnh đạo phải tâm huyết, bám sát công việc, dám nghĩ dám làm, quan tâm chăm lo đời sống, tâm tư tình cảm của cán bộ công nhân viên để họ đồng lòng ủng hộ đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ. Đặc biệt là lãnh đạo ngành lương thực - một lĩnh vực có sự cạnh tranh lớn - phải luôn nắm chắc tình hình để có quyết định nhanh, chính xác. Còn sức khỏe, tôi còn cống hiến, hàng ngày tôi vẫn di chuyển lên tục trên đường đi tìm hiểu nghiên cứu thị trường, tìm kiếm bạn hàng, với tôi không có khái niệm “phái yếu” trong kinh doanh”.

Thực tế đã chứng minh, ngày càng có nhiều người phụ nữ thành đạt trên lĩnh vực trước đây luôn được coi là của đấng mày râu. Bởi trước khi bắt tay vào công việc, phụ nữ luôn có sự quan sát tổng thể, lường trước những rủi ro và dự tính phương án dự phòng. Điều đó giúp họ vững vàng không kém gì các đồng nghiệp nam khi đối mặt với thử thách, khủng hoảng. Bản tính kiên trì, biết lắng nghe cũng giúp phụ nữ có được cái nhìn toàn diện, khách quan và sát thực hơn.

Khi chia tay, chị nói ngắn gọn rằng, nghề nào cũng vậy, để đi đến thành công thì bản thân trong mỗi người phải có tâm, do vậy trong chiến lược phát triển tới đây, công ty sẽ không ngừng cải cách hệ thống quản lý với những con người có năng lực, có tâm huyết, có hoài bão lớn. Có vậy mới đem đến sức sống mạnh mẽ cho doanh nghiệp.

 

Nguồn Báo Công Thương
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo