Có nên mua vé máy bay Tết quá sớm?
Vietnam Airlines (VNA) là hãng cuối cùng trong ba hãng hàng không trong nước vừa thông báo về việc bán vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Mùi từ đầu tháng 10. Theo đó, VNA bắt đầu bán vé Tết từ ngày 1/10 trên tất cả đường bay nội địa của hãng. Tuy nhiên, việc bán vé theo đợt hay bán theo nhu cầu của khách hiện chưa được VNA công bố.
Trước đó, hãng hàng không tung vé Tết sớm nhất là Jetstar Pacific (JPA) cách đây khoảng hai tháng. JPA không cho biết lượng vé bán ra là bao nhiêu, mà chỉ cho rằng mở bán sớm để đáp ứng nhu cầu mua vé sớm của người dân. Kế đến là VietJet, hãng này cũng tung ra 360.000 vé máy bay Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 trên tất cả các đường bay.
Các hãng hàng không đều chào mời hành khách đặt vé sớm để có được vé máy bay với chi phí tiết kiệm nhất, tuy nhiên thực tế không hẳn vậy.
Hiện, vé máy bay Tết Ất Mùi của JPA và VietJet đều được niêm yết giá ở mức 2,8 triệu đồng/chiều ở chặng TP.HCM – Hải Phòng. Nếu cộng thêm thuế và phí, hành khách sẽ phải trả gần 3,2 triệu đồng mỗi vé.
Điều này cho thấy, cho dù các hãng có bán vé sớm hơn nữa thì người dân vẫn phải mua vé ở mức kịch trần- trong khi đó, VietJet và JPA là hai hãng hàng không giá rẻ. Thực tế nhiều năm trước cũng thế, vé của VNA cũng được niêm yết ở mức cao nhất dù hành khách mua sớm hay muộn.
Theo đó, năm nay, JPA và VietJet bổ sung khá nhiều máy bay mới. Trong đó, JPA sẽ có tổng số 10 chiếc, tăng 4 chiếc so với Tết năm ngoái. Số lượng máy bay của VietJet còn tăng mạnh hơn, với khoảng 10 chiếc so với mùa Tết năm ngoái. Dự tính, đến cuối năm tổng số máy bay của VietJet sẽ khoảng 20 chiếc, tăng thêm 14 chiếc so với mùa Tết năm ngoái. Ngoài ra, việc tăng tải của VNA cũng bổ sung một lượng ghế không nhỏ cho thị trường.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, với mức giá như hiện nay, cộng với việc thời điểm bán vé qua xa Tết, chắc chắn lượng người mua vé Tết cũng không đáng kể. Bởi hiện nay, nhiều người chưa thể biết được ngày nghỉ, cũng như lương thưởng thế nào để quyết định mua vé máy bay về quê ăn Tết.
Bên cạnh đó, hành khách thường có tâm lý chọn VNA trước, sau đó mới đến hai hãng giá rẻ, vì vé Tết thì hãng nào cũng bán ở mức giá kịch trần. Thậm chí, giá vé Tết của VNA nhiều chặng còn rẻ hơn nếu tính kỹ. Bởi hai hãng giá rẻ thường tách riêng hành lý ký gởi, suất ăn trên chuyến bay ra khỏi giá vé. Vì thế, khi so sánh giá niêm yết của VNA và VietJet hay JPA, hành khách thường thấy giá của hai hãng giá rẻ thấp hơn. Tuy nhiên, khi cộng đầy đủ các dịch vụ thì nhiều khi giá rẻ cao hơn truyền thống.
Do đó, việc mua vé máy bay Tết sớm hay muộn không nằm ở yếu tố giá mà là nhu cầu của hành khách. Thực tế năm nay cho thấy, nguồn cung vé Tết không đến nỗi quá khan hiếm như những năm trước. Nếu chưa chắc chắn thời gian nghỉ Tết, hành khách không nên đặt vé quá sớm để tránh tình trạng đổi trả, tốn thêm phí.
End of content
Không có tin nào tiếp theo