Cổ phần hóa DNNN, dấu hiệu của sự thụt lùi
“Phát súng” khởi động cổ phần hóa (CPH) DNNN được bắt đầu từ năm 1990 nhưng 23 năm trôi qua, tiến độ CPH DNNN lại đang có dấu hiệu thụt lùi.
(HQ Online) - Nhiều văn bản chỉ đạo
Sau thời kì Đổi mới năm 1986, hàng loạt văn bản về chủ trương CPH DNNN đã được ban hành. Tại Quyết định số 143-HĐBT ngày 10-5-1990, Hội đồng Bộ trưởng đã có chủ trương nghiên cứu và làm thử mô hình chuyển xí nghiệp quốc doanh thành công ty cổ phần.
Tiếp đó, ngày 8-6-1992 Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đã ra Quyết định số 202/CT về tiếp tục làm thí điểm chuyển một số DNNN thành công ty cổ phần. Theo Quyết định này, mỗi bộ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chọn 1-2 DNNN làm thí điểm CPH.
Để thúc đẩy thí điểm CPH, ngày 4-3-1993, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị số 84/TTg về việc xúc tiến thực hiện thí điểm CPH DNNN và các giải pháp đa dạng hóa hình thức sở hữu đối với các DNNN. Chỉ thị nhấn mạnh: “Phải chú trọng mục tiêu về chuyển hình thức sở hữu nhà nước thành hình thức sở hữu của các cổ đông, tạo ra sự thay đổi căn bản về phương thức quản lí để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp cũng như của toàn bộ nền kinh tế quốc dân”.
Ngoài hàng loạt các Nghị quyết, Nghị định để tạo cơ sở pháp lí cho các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty nhà nước tiến hành phân loại doanh nghiệp do mình quản lí, trong hơn 10 năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã 4 lần ban hành các tiêu chí phân loại DNNN để CPH. Bao gồm: Quyết định số 58/2002/QĐ-TTg ngày 24-6-2002; Quyết định số 155/2004/QĐ-TTg ngày 24-8-2004; Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20-3-2007; Quyết định số 14/2011/QĐ-TTg ngày 4-3-2011. Hiện nay, Thủ tướng đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu sửa đổi Quyết định 14 theo hướng đẩy mạnh hơn nữa việc đa dạng hóa sở hữu doanh nghiệp, phù hợp với định hướng tái cơ cấu DNNN.
Trong một cuộc hội thảo diễn ra hồi cuối năm 2012 do Viện Nghiên cứu Quản lí Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức, ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) đã đánh giá: Thực tế vừa qua chúng ta đã đi đường vòng trong sắp xếp, đổi mới DNNN. Trong 10 năm qua đã có 4 lần thay đổi các tiêu chí sắp xếp, phân loại DNNN với 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các DNNN ở trong vòng xoáy của phân loại, sắp xếp, chuyển đổi, dẫn đến lãng phí chi phí chuyển đổi từ hình thức pháp lí nọ sang hình thức pháp lí kia, từ loại hình DN này sang loại hình DN kia; không ổn định tư tưởng để kinh doanh. Đây là mảnh đất nảy sinh tư duy ngắn hạn, lợi ích ngắn hạn bên cạnh tư duy nhiệm kì.
Tiến độ CPH vẫn “rùa”
Có một thực tế đáng buồn, tiến độ CPH DNNN đang chậm dần. Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2002 đến hết 2006 là những năm CPH được triển khai quyết liệt nhất. Trong giai đoạn này, chúng ta đã CPH được 2.813 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp, riêng 3 năm 2003 - 2005 là 2.290. Thế nhưng đến năm 2011 chỉ CPH được 6 doanh nghiệp. Từ năm 2012 đến tháng 3-2013 chỉ CPH được 16 doanh nghiệp. Trong khi đó, đến năm 2015 số doanh nghiệp phải CPH là hơn 500 doanh nghiệp.
Mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã công bố một “bức tranh” CPH DNNN với những gam màu không mấy sáng sủa. Tổng hợp số liệu nghiên cứu ở 23 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn và tổng công ty, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thấy rằng: Các đơn vị này hiện đang quản lí 385 Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, 875 công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước.
Trong đó, số doanh nghiệp tiếp tục duy trì là công ty TNHH một thành viên hoặc giữ nguyên tỷ lệ vốn Nhà nước là 351 doanh nghiệp (chiếm khoảng 27%); số doanh nghiệp thuộc diện chuyển đổi, CPH, tiếp tục thoái vốn là 909 doanh nghiệp (chiếm khoảng 73%).
Thế nhưng, trong số 23 báo cáo được phân tích, có nhiều đơn vị chưa hoàn thành sắp xếp được doanh nghiệp nào như Bộ Y tế, Tập đoàn Viễn thông quân đội, Thanh Hóa, Đà Nẵng… Tính chung, cả 23 báo cáo, số doanh nghiệp đã CPH mới là 5 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đã tiếp tục thoái vốn là 62 doanh nghiệp, có 76 doanh nghiệp xin lùi cổ phần hoá sau năm 2015.
Trong cuộc họp báo thường kì Chính phủ mới đây, khi được hỏi về tiến độ CPH DNNN, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam liên tục nhấn mạnh "tinh thần chung của Chính phủ là khẩn trương". Thế nhưng theo ông Vũ Đức Đam, trong bối cảnh tình hình kinh tế và hoạt động doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, việc CPH doanh nghiệp nếu vội vàng và cứ kiên quyết áp tiến độ như đã tính toán trước đây thì sẽ dẫn đến tình trạng giá bán ra của DNNN, tức tài sản của Nhà nước bị thua thiệt.
Người phát ngôn Chính phủ lưu ý, bên cạnh mục tiêu đổi mới doanh nghiệp thì CPH còn có mục tiêu rất quan trọng là không để thất thoát tài sản của Nhà nước. Do vậy, tinh thần chung trong chỉ đạo của Chính phủ là phải hết sức khẩn trương, song chặt chẽ và không quá nóng vội để làm sao vừa đảm bảo mục tiêu tái cơ cấu vừa không để thất thoát tài sản.
Nhưng 23 năm đã trôi qua, trong bối cảnh tái cơ cấu nền kinh tế đang được đặt ra hết sức bức thiết để tạo ra mô hình tăng trưởng mới, sự chậm trễ trong việc CPH DNNN chắc chắn là đáng buồn. Cũng hy vọng rằng, tiến độ CPH DNNN chậm trễ là do đang trong quá trình hoàn thiện cơ chế và trên tinh thần thận trọng, chứ không phải như nhận định của một vị chuyên gia “Có một bộ phận cán bộ lãnh đạo các DNNN không muốn CPH vì sợ mất đi những vị trí, những quyền lợi đang được hưởng".
Lương Bằng
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất mức trích chi phí quản lý BHXH, bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1,44%
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quảng Nam – Đà Nẵng: Nguy cơ thiếu nước trong năm 2025 ở mức cao
Cột tin quảng cáo