Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Bán chẳng ai mua
Bán chẳng ai mua
Kế hoạch bán 51% sở hữu vốn Nhà nước trong đợt đấu giá bán cổ phần (CP) lần đầu ra công chúng (IPO) của Tổng công ty Công nghiệp Ô tô Việt Nam (Vinamotor) tương đương với 51 triệu CP cho thấy, mục tiêu rất rõ ràng của Nhà nước là không nắm CP chi phối ở DN này. Tuy nhiên, kết quả của đợt IPO này khá buồn tẻ, khi chỉ có gần 1,6 triệu CP được bán cho 126 nhà đầu tư. Như vậy, kết quả chỉ bán được hơn 3% số CP chào bán.
So với vốn điều lệ của DN này 1.000 tỷ đồng, lượng CP bán ra mới chỉ đạt 1,57%. Với số CP bán ưu đãi cho người lao động chiếm 0,4% vốn điều lệ, tổ chức công đoàn 0,1% vốn điều lệ… kết quả là 97,87% số CP vẫn do Nhà nước nắm giữ. Mục tiêu thoái vốn và Nhà nước không nắm giữ CP chi phối tại Vinamotor sau lần IPO này như vậy đã thất bại.
Tuy thế, Vinamotor vẫn được coi là trường hợp IPO “thành công” vào thời gian này và trong thời gian tới DN sẽ sớm chính thức đổi tên thành CTCP. Mới đây ngày 6/5/2014, phiên IPO trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) của Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 8 (Cienco 8) cũng trong tình cảnh tương tự. Với mục tiêu chỉ giữ lại 49% CP thuộc sở hữu Nhà nước tại DN này, phần còn lại bán ưu đãi cho người lao động trong DN 1,4%, cho nhà đầu tư chiến lược 21%, bán đấu giá công khai 28,6%. Nhưng trong phiên IPO, kết quả chỉ bán được 37.000 CP cho 36 nhà đầu tư với giá bán bằng mệnh giá 10.000 đồng/CP, tương đương 0,01% vốn điều lệ.
Nếu kế hoạch bán cho cổ đông chiến lược không như mong muốn thì dù có CP hóa thành công như Vinamotor, rõ ràng Cienco 8 vẫn có thể coi là một DNNN. Thế nhưng, còn thiếu may mắn hơn nữa, nhiều DN IPO trong thời gian này đã bị thất bại, như Công ty TNHH MTV 18-4 Hà Nội vào ngày 6/1/2014 là một ví dụ...
Còn băn khoăn công và tội
Nhìn nhận về kết quả CP hóa DNNN tại hội nghị mới đây, Phó Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN Đoàn Hùng Viện cho biết, số lượng DN thực hiện sắp xếp, CP hóa không thuộc diện Nhà nước nắm giữ chi phối còn nhiều, nhất là tại các tập đoàn, tổng công ty đang hoạt động theo mô hình mẹ - con. Vì vậy, các thành phần kinh tế tham gia vào phát triển DN nói riêng và kinh tế - xã hội nói chung còn hạn chế, chưa phát huy hết được nguồn lực hiện có. Nhiều DNNN đã CP hóa không thuộc diện Nhà nước cần giữ chi phối nhưng vì không bán được CP nên tiếp tục phải duy trì tỷ lệ vốn Nhà nước cao, dẫn đến không đạt được mục tiêu đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài cho phát triển DN.
Giải pháp đối với việc chuyển thành CTCP tất cả các DN thuộc diện CP hóa hiện nay là: những DN có điều kiện thì thực hiện IPO theo quy định; những DN chưa có điều kiện IPO ngay thì chuyển thành CTCP với các cổ đông là Nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), tổ chức công đoàn, người lao động, cổ đông chiến lược (nếu có), hoặc các cổ đông tự nguyện khác nhằm thay đổi hình thức pháp lý DN, đa dạng hóa sở hữu… Tuy nhiên, một chuyên gia bày tỏ “không thích giải pháp này”. Theo ông, chúng ta cần nhìn nhận lại mục tiêu của CP hóa trong giai đoạn hiện nay.
Rõ ràng, các giải pháp như nêu trên chỉ để xác lập mô hình DN theo luật, khoác cho nó một chiếc áo mới - CTCP. Còn về bản chất, những DN này vẫn do Nhà nước nắm quyền chi phối và vốn Nhà nước vẫn chưa thể thoát ra để tập trung cho những lĩnh vực ưu tiên khác. Mục tiêu đổi mới quản trị và thu hút vốn từ bên ngoài cho phát triển DN cũng không thể thành công. Đây cũng là lý do mà chuyên gia này cho rằng, đã làm thì phải quyết tâm thực hiện và thực hiện cho bằng được. Vì điều này còn đồng nghĩa với việc tạo dựng lòng tin cải cách.
Ngược lại, cũng có chuyên gia kinh tế cho rằng, không nhất thiết phải bán cho bằng hết số CP tại DNNN tiến hành CP hoá. TS. Nguyễn Đình Ánh nhấn mạnh rằng, quan trọng là hiệu quả sau CP hóa. Bán rẻ hay đắt thì tài sản ấy vẫn ở trong đất nước này, về trung và dài hạn thì tài sản đó sẽ được sử dụng hiệu quả, đấy mới là cái cơ bản. Bởi một hàng hóa để trong kho thì có giá trị bằng 0, nhưng nếu bán ra dù chỉ 1 đồng thì nó vẫn có giá trị lớn hơn 0 và khi hàng hóa này được đưa vào đời sống, phát huy được công năng thì bản thân nó đã tạo ra tiền.
Tuy nhiên, điều này lại vướng vào câu chuyện bán dưới mệnh giá. Dù cơ chế bán dưới mệnh giá đang được hình thành, nhưng câu chuyện đặt ra khi người đứng đầu DN phải chịu trách nhiệm về kết quả tái cơ cấu, CP hóa DNNN trong phạm vi phụ trách, việc bán dưới mệnh giá có thể đặt họ vào tình thế mong manh giữa công và tội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ Công Thương lý giải quy định gỡ bỏ “tầng nấc trung gian” trong kinh doanh xăng dầu
Đề xuất ưu đãi thuế đặc biệt cho báo chí
Cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường
Vàng vẫn là ‘chân ái', trở thành top 1 mặt hàng nên mua vào năm 2025
Công bố bộ quy tắc đạo đức, ứng xử nghề nghiệp môi giới bất động sản
Đề xuất cho doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu có tỷ trọng tiêu thụ thấp