Tin tức - Sự kiện

Cổ phần hóa doanh nghiệp: Vẫn lo 'bình mới rượu cũ'

Ngày 25/6, Ban Chỉ đạo về tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (CPH DNNN) họp sơ kết 6 tháng đầu năm 2015 do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì. Theo đó, tỷ lệ thoái vốn vẫn chưa đạt yêu cầu, việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu chậm.

Sáu tháng mới đạt 21,1% kế hoạch

Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho biết, tính tới ngày 23/6, các bộ, ngành, địa phương đã cổ phần hóa được 61 DNNN trong số 289 DN cần phải CPH trong năm 2015. Như vậy, đến nay dù đã 6 tháng trôi qua, nhưng CPH mới hoàn thành được hơn 21% kế hoạch.

Về kết quả tái cơ cấu DNNN, ông Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN cho hay 6 tháng đầu năm, cả nước đã thu về 11.161 tỷ đồng từ việc thoái vốn. Trong đó, thoái vốn của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã đầu tư vào 5 lĩnh vực nhạy cảm gồm bất động sản, chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, quỹ đầu tư đạt 15% số vốn cần phải thoái. Những đơn vị thoái vốn tốt như Viettel, Vinalines, SCIC, VNPT, EVN, PVN, Tập đoàn công nghiệp Cao su, tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, từ nay tới cuối năm, việc thoái vốn khỏi 5 lĩnh vực nhạy cảm vẫn còn 85% khối lượng công việc cần phải thực hiện.

 

Thoái vốn tại EVN được đánh giá là tốt hơn trước. Ảnh: Ngọc Châu
Thoái vốn tại EVN được đánh giá là tốt hơn trước. Ảnh: Ngọc Châu

Báo cáo của ban chỉ đạo cũng cho thấy, thực tế việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu chậm khi mà chủ trương yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bàn giao quyền chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN về Tổng công ty Quản lý kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Theo quyết định phê duyệt phương án CPH, giai đoạn 2014-2015 sẽ có 20 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu từ các bộ, ngành, địa phương về SCIC. Nhưng trong 5 tháng đầu năm 2015 mới có 2 DN được bàn giao và SCIC tiếp nhận.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, kết quả thoái vốn vẫn chưa đạt yêu cầu, bởi tỷ lệ bán cổ phần ra bên ngoài của nhiều đơn vị mới chỉ đạt 5-10%. Nếu chỉ bán vài phần trăm thôi thì DN vẫn theo mô hình cũ, nếp quản trị cũ, hay giống như là “bình mới rượu cũ”. Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng, hiện Chính phủ đã chỉ đạo không thoái vốn bằng mọi giá nhưng phải theo kế hoạch, lộ trình, những DN tốt và có xu hướng phát triển tiếp thì tạo điều kiện, còn nếu để lại càng lỗ thì buộc phải bán, sau đó sẽ xét đến nguyên nhân và trách nhiệm thuộc về ai.

Xử lý trách nhiệm vì thoái vốn chậm

Đề cập về trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chậm CPH, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Cty Đường sắt ông Trần Ngọc Thành cho hay, Tổng Cty vừa báo cáo Bộ GTVT việc tiến hành thay thế người đại diện phần vốn nhà nước, miễn nhiệm chủ tịch và tổng giám đốc một doanh nghiệp thành viên vì không hợp tác.

Theo ông Thành, trong năm 2015, đơn vị sẽ thoái xong vốn tại 26/27 công ty theo kế hoạch, chỉ còn một đơn vị là Công ty CP Dịch vụ Vận tải đường sắt khu vực 1 (tổng công ty nắm 40% giá trị) sẽ khó thực hiện do đơn vị này không hợp tác và kinh doanh thua lỗ nhiều năm.

 

“Tiến độ CPH ngành đường sắt đang đẩy nhanh quá trình bằng cách đơn vị nào hoàn thành xong thủ tục xác định giá trị sẽ tiến hành bán cổ phần ra công chúng ngay. Phải có sự cam kết hoàn thành, nếu không hoàn thành thì phải chịu trách nhiệm chứ không có chuyện chỉ nói không”, ông Thành nói.

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, để hoàn thành tiến độ thoái vốn, CPH, trách nhiệm của người đứng đầu DN rất lớn và phải xử lý nghiêm những lãnh đạo chưa làm tốt. Thủ tướng Chính phủ cũng nhiều lần nhắc nhở sẽ kiên quyết thay thế, điều chuyển lãnh đạo các DN chần chừ, không nghiêm túc hoặc không thực hiện thành công việc tái cơ cấu, CPH DN: “Như ngành ngân hàng thời gian qua vẫn phải tiến hành tái cơ cấu, còn cá nhân nào vi phạm thì vẫn phải xử lý, vì không thể ngồi chờ được”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ban chỉ đạo cho rằng, để hoàn thành kế hoạch đặt ra trong 6 tháng cuối năm (cần CPH 228 DN), chưa kể 125 DNNN được phê duyệt bổ sung trong năm 2015, đòi hỏi có sự quyết tâm và tập trung cao độ của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.

Ban chỉ đạo cũng đưa ra các giải pháp trong 6 tháng cuối năm là khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới tổ chức quản lý và tái cơ cấu DNNN. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương đề cao trách nhiệm thực hiện tái cơ cấu DNNN. Theo đó, bộ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch tập đoàn kinh tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng về việc hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu DNNN. 

Trong năm 2015, chủ tịch và tổng giám đốc các tập đoàn kinh tế, tổng Cty nhà nước, DNNN không được nhận các danh hiệu thi đua, khen thưởng, không được xem xét bổ nhiệm, đưa vào quy hoạch lên chức vụ cao hơn hoặc bổ nhiệm lại nếu đơn vị không hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu mà không có lý do chính đáng.
Theo Tiền phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo