Chứng khoán

Cổ phiếu BĐS: Nóng và sôi động

Có lẽ sau chu kỳ khó khăn, thị trường BĐS đang giao dịch sôi động trở lại và nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết tham vọng. Chưa biết DN có tạo được đà tăng trưởng đúng kỳ vọng hay không nhưng các cổ phiếu BĐS đang niêm yết trên thị trường đang rất nóng và sôi động.

Sau thời gian giảm điểm, TTCK hồi phục trở lại và nhóm cổ phiếu BĐS từng tăng nóng, bị bán tháo giờ được mua vào cực mạnh. Cổ phiếu FLC vẫn là cái tên được nhà đầu tư (NĐT) quan tâm nhiều nhất, khi giảm mạnh từ vùng 14.000 - 15.000 đồng cổ phiếu về mức đáy thấp là 7.500 đồng cổ phiếu và bật tăng mạnh mẽ với thanh khoản luôn dẫn đầu sàn lên tới hàng chục triệu cổ phiếu/phiên.

Cổ phiếu cực nóng

Mới đây, FLC lại gây sốc khi lên kế hoạch tăng vốn khủng lên trên 3.700 tỷ đồng, thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, phát hành riêng lẻ và chào bán cho cổ đông hiện hữu.

Cụ thể, FLC sẽ thực hiện trả cổ tức đợt 2 năm 2013 tỷ lệ 4% trên vốn điều lệ mới. Khối lượng phát hành cho mục đích này dự kiến là hơn 6 triệu cổ phần. DN cũng xin ý kiến chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:1 để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.

Số cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu dự kiến là 154,36 triệu cổ phần. Đồng thời sẽ chào bán riêng lẻ 600 tỷ đồng vốn cổ phần cho đối tác chiến lược với giá 12.000 đồng/1 cổ phiếu. Với cả 3 đợt phát hành trên, tổng vốn điều lệ của FLC đạt trên 3.700 tỷ đồng (gần 3.750 tỷ đồng).

Như vậy, cùng với 800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi đã phát hành riêng lẻ thành công, tổng vốn điều lệ của FLC sẽ đạt mức gần 4.550 tỷ đồng trong thời gian tới đây.

Bằng cách tăng vốn liên tục, FLC trở thành DN tăng vốn nhanh nhất trên thị trường, nhưng lợi nhuận thì lại quá nhỏ bé, chỉ 350 tỷ đồng so với kế hoạch tăng trưởng vốn khủng như trên.

Một cổ phiếu BĐS khác là SCR cũng có những giao dịch rất mạnh trên sàn Hà Nội. Theo báo cáo tài chính quý I/2014, Công ty CP Địa Ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) đã có tăng trưởng lợi nhuận vô cùng ấn tượng đạt hơn 900%.

Trong quý I/2014, hoạt động kinh doanh BĐS tăng cao từ bán hàng bàn giao căn hộ các dự án, đã giúp lợi nhuận gộp quý I/2014 của công ty rất khả quan. Kết quả, SCR vẫn lãi ròng 13,97 tỷ đồng, tăng tới 905% so với cùng kỳ.

Thực tế, trên TTCK giá của hầu hết cổ phiếu BĐS thị giá nhỏ đã điều chỉnh giảm khá sâu trong bối cảnh thị trường giảm điểm. Sự giảm giá quá đà do ảnh hưởng của hiện tượng bán giải chấp đã khiến cổ phiếu nhóm ngành BĐS lại trở về mặt bằng giá hấp dẫn. Vì vậy, chỉ cần khi thị trường bật tăng thì nhóm ngành này lại đi đầu.

Cổ phiếu BĐS niêm yết trên thị trường đang rất nóng

Điển hình như cổ phiếu HQC của Công ty Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân sau khi tăng về mệnh giá thì lại giảm xuống mức trên dưới 5.000 đồng cổ phiếu. Đây quả là cái giá vô cùng hấp dẫn đối với DN BĐS có nhiều dự án nhà ở đang được đầu tư, xây dựng triển khai mạnh mẽ như Hoàng Quân. Công ty này đang phát triển một số dự án nhà ở xã hội thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hàng.

Quan sát trên thị trường, giá cổ phiếu HQC luôn có những biến động mạnh, NĐT sẵn sàng bán sàn khi có biến, nhưng lực mua vào giá sàn của HQC cũng rất tốt và đã tăng trở lại.

Điểm danh trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu BĐS trở thành tâm điểm mà NĐT quan tâm như cổ phiếu PTL của Công ty CP Đầu tư và hạ tầng đô thị Dầu khí, cổ phiếu ITA, cổ phiếu KBC… Cổ phiếu PTL có lúc tăng cao nay đã trở về mức thấp là 2.800 đồng/cổ phiếu, còn cổ phiếu ITA và KBC sau khi tăng trần vài phiên đã không giữ được nhiệt nên chỉ còn xanh nhẹ.

Liệu có quá kỳ vọng?

Các DN BĐS niêm yết năm 2014 đều kỳ vọng vào thị trường nhà đất sẽ phục hồi nên đề ra kế hoạch lợi nhuận cao. Công ty CP Phát Triển Hạ Tầng & BĐS Thái Bình Dương (PPI) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế ở mức 49,9 tỷ đồng, gấp 357 lần so với kết quả đạt được năm 2013 (136 triệu đồng). PPI rất tin tưởng vào khả năng thực hiện nhờ kinh nghiệm 20 năm trong lĩnh vực công trình giao thông, mối quan hệ lâu năm với các bộ ngành địa phương và thị phần ổn định.

BĐS Phát Đạt (PDR), kế hoạch lãi trước thuế năm 2014 tại 50,4 tỷ đồng nhưng 3 tháng đầu năm công ty chỉ thực hiện được vài trăm triệu đồng, còn chưa bằng con số lẻ trong chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra.

Công ty Nam Long (NLG) đã thua lỗ quý I/2014, khi mà công ty tiếp tục lỗ gần 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, DN vẫn kỳ vọng đạt kế hoạch đề ra với lợi nhuận lớn hơn năm trước. LCG cũng là một trong những cổ phiếu BĐS thị giá thấp được rất nhiều người quan tâm đầu tư cũng như lướt sóng.

Có thể kể đến một số DN tên tuổi như PPI, PDR, VPH, PTL, TDH, ASM hay DXG… khi đưa ra những con số tăng trưởng mạnh, gấp đôi, gấp ba hay thậm chí cả hàng chục lần. Điều này lý giải cho diễn biến giá cổ phiếu BĐS sôi động trên thị trường trở thành hàng nóng.

Hiện mặt bằng giá cổ phiếu BĐS thị giá thấp. Có những cổ phiếu được đánh lên bằng mệnh giá, sau đó gặp áp lực bán chốt lời, cùng lúc thị trường giảm điểm nên lại bị sụt giảm từ 30 - 50%.

Khi cổ phiếu nóng giảm giá thì những cổ phiếu không thuộc hàng nóng cũng không còn giữ chân được dòng tiền ở lại. Tuy nhiên, khi thị trường tăng trở lại, giới đầu tư lại tích cực mua vào rất mạnh mẽ, lại tiếp tục tạo sóng cho giá cổ phiếu này.

Theo Thời báo Kinh doanh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo