Chứng khoán

Cổ phiếu chứng khoán: Hết room thì tốt hay còn room thì hay?

Cuối tuần này xuất hiện đầy rẫy các quan điểm trái ngược liên quan đến câu chuyện mở room cho công ty chứng khoán. Nguyên nhân chính đến từ việc đề án mở room đã nhiều lần “lỗi hẹn” với thị trường và nhà đầu tư thường dị ứng với những từ như “trình”, “hoàn tất”…

Hàng chục công ty chứng khoán đang niêm yết khác hầu như không có biến động về room và cũng không có dịch nào của khối ngoại.

Tuy nhiên cuộc chiến “câu chữ” không phủ nhận được thực tế là các cổ phiếu chứng khoán đang đứng trước cơ hội vượt trội so với toàn bộ phần còn lại của thị trường.

“Tách room” công ty chứng khoán: Cơ hội thực hiện sớm
 
Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty chứng khoán chỉ là một bộ phận của câu chuyện lớn hơn: nâng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài với công ty đại chúng nói chung và công ty niêm yết. “Đề án room” khiến thị trường thất vọng lâu nay chính là đề án tổng thể, vốn đang trong giai đoạn hoàn chỉnh và chậm chễ.
 
Việc nới room cho công ty chứng khoán là điều dễ thực hiện hơn do hiện tại đã cho phép thành lập công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài. Khi đã cho phép điều này thì câu chuyện hạn chế room không còn mang ý nghĩa “bảo hộ” nữa. 
 
Thực tế không có ý kiến nào “lăn tăn” về việc có nên nới room cho công ty chứng khoán hay không, nhưng do “kẹt” trong một đề án tổng thể, việc tăng sở hữu nước ngoài ở các công ty chứng khoán cũng bị chậm chễ theo.
 
Do đó việc tách vấn đề cho phép nhà đầu tư nước ngoài được mua từ 49% đến 100% vốn của một công ty chứng khoán thành một đề án riêng sẽ giúp vấn đề được thông qua thuận lợi hơn. 
 
Nếu nhìn từ một đề án tổng thể, câu chuyện này có thể khiến thị trường lo ngại về khả năng chậm chễ hơn nữa trong việc mở room cho công ty đại chúng. Tuy nhiên nhìn hẹp hơn, ít nhất thị trường cũng đã có được yếu tố hỗ pháp lý mới. Khi không còn những vướng mắc, “đề án hẹp” có thể được thông qua sớm.
 
Hết room thì tốt hay còn room thì hay?
 
Một câu chuyện cũng được tranh cãi khá nhiều là liệu việc mở room sẽ tác động mạnh nhất đến các công ty chứng khoán nào: Nhóm đã hết room hay nhóm đang còn room? Theo cảm tính thông thường, việc hết room đồng nghĩa với nhu cầu sở hữu cao của nhà đầu tư nước ngoài. Hệ quả là nếu được mở room, nhà đầu tư sẽ mua vào ngay lập tức ở nhóm hết room.
 
Quan điểm ngược lại cho rằng các mã còn room mới là điều hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài vì khả năng mua được với giá tốt hơn và khả năng mua tới mức khống chế được doanh nghiệp chứ không phải mua “vé” đi dự đại hội cổ đông.
 
Có thể việc còn hay hết room có liên quan đến việc tổ chức nước ngoài đến sớm hay đến muộn. Chẳng hạn các tổ chức mới muốn sở hữu SSI, HCM là tương đối khó, do “rừng đã có hổ”. Cách dễ hơn là quay sang các công ty chứng khoán đang dư thừa room.
 
Thực tế điều quan trọng nhất là bản thân công ty chứng khoán. Những gì đang diễn ra trên thị trường từ các giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài cho thấy, chỉ những công ty nằm trong nhóm khống chế thị phần mới được quan tâm. Khoảng 20 công ty chứng khoán đang niêm yết chỉ có số ít cổ phiếu xuất hiện các giao dịch mua của khối ngoại.
 
Đối với các công ty chứng khoán đã hết room, giao dịch ít được thực hiện. Tuy nhiên một trong những yếu tố thường được quan sát, là tốc độ “bù room” khi có hoạt động bán ra. 
 
Chẳng hạn, với SSI, vẫn có các phiên tổ chức bán ra lớn nhưng được mua bù lại ngay sau đó và luôn duy trì tình trạng hết room. Suốt từ tháng 3 đến nay, SSI có 4 “cặp” giao dịch “bù room” kiểu này theo chu kỳ T+3.
 
HCM gần như không có giao dịch bán của khối ngoại làm hở room đủ lớn trong suốt cả năm 2013. Từ tháng 3 vừa qua, HCM được khối ngoại giao dịch khá năng động theo cả hai chiều mua bán nhưng về cơ bản, room không hở quá rộng và cũng chỉ kéo dài trung bình T+5.
 
Với các công ty chứng khoán còn room, dấu vết dễ nhìn hơn. VND thời điểm tháng 12 năm ngoái room còn khoảng 29%. Đến cuối tháng 5 vừa rồi, room còn chưa tới 15%. Trên 14 triệu cổ phiếu đã được mua vào ròng trong thời gian này và nổi lên cái tên Mutual Fund Elite với mức sở hữu 10%.
 
KLS đầu năm room còn 44%, đến cuối tháng 5 còn khoảng 39%, tương đương 8,6 triệu cổ đã được tích lũy ròng. BVS có room giảm từ 46% xuống 44% trong cùng thời gian. 
 
Ngược lại, hàng chục công ty chứng khoán đang niêm yết khác hầu như không có biến động về room và cũng không có dịch nào của khối ngoại. Nhóm này khó có thể nằm trong danh sách quan tâm của các tổ chức nước ngoài vì việc “mua” giấy phép, việc cải tạo vị thế trên thị trường là không đơn giản.
 
Vậy tại sao những cổ phiếu chứng khoán trong phiên cuối tuần vừa qua đồng loạt tăng giá? Rõ ràng là đã có hiện tượng “nước nổi bèo nổi” và hiệu ứng của dòng vốn đầu cơ. Thông tin hỗ trợ đột ngột xuất hiện tạo sức bật cho toàn bộ nhóm ngành trên cơ sở tâm lý là chính. Sau khi những cảm hứng ban đầu qua đi, thị trường sẽ chứng thực nội lực thực sự của các nhóm cổ phiếu.
 
Khi việc mở room được thực hiện, chắc chắn nhóm cổ phiếu chứng khoán hàng đầu sẽ được hưởng lợi lớn nhất, bất kể còn room hay hết room. Câu chuyện bao giờ quyết định được ban hành chính thức chỉ có thể tạo những thăng trầm trong ngắn hạn, còn dài hạn, nhu cầu tăng sở hữu lên mức khống chế ít nhất là tham gia quản trị, điều hành là có thực. 
 
Tổ chức nước ngoài tăng sở hữu sẽ khiến khối lượng lưu hành tự do giảm đi, cơ hội lọt vào các rổ chỉ số tăng lên, chưa kể yếu tố tự vệ của tổ chức trong nước và yếu tố đầu cơ nói chung.
Theo Bizlive
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo