Cổ phiếu LienVietPostBank chính thức lên sàn UPCoM
Được biết, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt trước đây là Ngân hàng TMCP Liên Việt được thành lập năm 2008. Năm 2011, LienVietPostBank chính thức khai thác hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch bưu điện trên toàn quốc sau khi Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) tham gia góp vốn vào Ngân hàng Bưu điện Liên Việt bằng giá trị của công ty Dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện (VPSC) và vốn góp thêm bằng tiền mặt.
Hiện nay, sau hơn 9 năm hoạt động, LienVietPostBank đã trở thành một trong những ngân hàng TMCP tầm trung ở Việt Nam với hệ thống gồm 1 Hội sở chính, 4 văn phòng đại diện, 68 chi nhánh và 132 phòng giao dịch trên cả nước. LienVietPostBank hiện có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) là cổ đông lớn nhất, sở hữu 12,54% vốn điều lệ.
Liên tục trong nhiều năm liền, LienVietPostBank đều nằm trong top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam trên bảng xếp hạng VNR500, nhận giải thưởng thương hiệu mạnh Việt Nam, Ngân hàng tiết kiệm tốt nhất Việt Nam và được The Banker xếp hạng “Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực ASEAN” năm 2015.
Hoạt động kinh doanh của LienVietPostBank tập trung chủ yếu vào huy động vốn từ nhiều nguồn, áp dụng nhiều gói sản phẩm đa dạng nhằm thu hút nguồn vốn cá nhân, doanh nghiệp cũng như các tổ chức kinh tế. Năm 2016, nguồn vốn huy động của LienVietPostBank tăng trưởng hơn 33,61% so với năm 2015, tập trung chủ yếu ở nguồn vốn huy động tiền gửi của khách hàng.
Tính đến ngày 30/6/2017, tỷ lệ nợ xấu đang được kiểm soát ở mức 1,31%. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư chứng khoán nợ/ chứng khoán vốn và góp vốn cũng được chú trọng nhằm sử dụng nguồn vốn huy động một cách hiệu quả bằng cách đầu tư trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty.
Mảng thị trường kinh doanh ngoại hối dù còn nhiều thách thức nhưng cũng rất thành công với việc điều hành tỷ giá của Việt Nam. Năm 2016, doanh số giao dịch mua bán ngoại tệ của LienVietPostBank trên thị trường liên ngân hàng lên đến hơn 2,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước đó. Ngoài ra, các hoạt động thanh toán trong nước, thanh toán quốc tế ngày càng được mở rộng cả về sản phẩm, hình thức, thị trường và loại tiền tệ thanh toán.
End of content
Không có tin nào tiếp theo