Chứng khoán

Cổ phiếu nào sẽ "lái" VN-Index vượt 600?

TTCKVN đã trải qua một tuần giao dịch nhiều chông gai. Phiên đầu tuần, thị trường bất ngờ giảm mạnh 13 điểm do bị tác động bởi những thông tin xấu trên thế giới.

Việc Nga áp dụng những biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Ukraina đã dấy lên lo ngại về chiến tranh.

Thế nhưng, mọi sự cũng dần qua đi và TTCK thế giới cũng như Việt Nam đã có những phiên khởi sắc vào cuối tuần. Trongtuần này, chúng ta sẽ chờ đón điều gì? Liệu VN-Index có thể vượt qua ngưỡng tâm lý quan trọng 600 hay không? Chúng ta hãy cùng phân tích những điểm nhấn trọng yếu.

Thứ nhất, về khối ngoại. Việc nước ngoài bán ròng cả 5 phiên giao dịch trong tuần trước làm nhiều người lo ngại về xu hướng rút tiền của các NĐT ngoại ra khỏi VN và các nước mới nổi.

Thế nhưng, nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta sẽ thấy chủ yếu hoạt động bán ròng là của ETF, đặc biệt là của FTSE do DB quản lý. Đây là hoạt động hết sức bình thường trong kỳ review hằng quý. Tuần tới, sẽ đến lượt Vaneck. VNM liên tục rót thêm tiền tại NYSE. Vì vậy, kỳ vọng việc bán ròng trong tuần này sẽ chấm dứt.

Nói cho cùng, ETF luôn mang tính ngắn hạn và không ổn định. Trong khi đó, dòng tiền đầu tư lớn nhất và chính yếu là của các quỹ đầu tư mới. Họ đang chờ ở cửa. Chỉ cần có chính sách tốt về room, về chương trình CPH và TTCKVN giao dịch đủ size, là họ sẽ đổ tiền vào ngay.

Thứ hai, về thông tin thị trường. Đây là khoảng thời gian không có quá nhiều thông tin mang tính đột biến tác động đến thị trường. Chủ yếu vẫn là việc kỳ vọng vào Kế hoạch kinh doanh năm 2014 sẽ được các DN xây dựng và trình trong ĐHCĐ sắp tới.

Nhìn chung, bức tranh DN đã trở nên sáng sủa hơn nhiều. Những gì xấu nhất đã qua đi. Rất nhiều DN đã dũng cảm hạch toán những số lỗ khổng lồ vào quý IV/2013. Đây là bước đi đúng để có thể sạch sẽ hơn, vững chắc hơn trong bước tiến của năm 2014.

Những thông tin vĩ mô trong tuần này có lẽ cũng không có nhiều. Việc nghị định về room nước ngoài năm lần bảy lượt được tung ra cũng làm nản lòng không ít NĐT. Càng trì hoãn lâu, cơ hội càng ít dần đi. Đây chính là lúc cần thể hiện bản lĩnh và tính quyết liệt của lãnh đạo.

Một số nước khu vực như Thái Lan, Indonesia đang gặp một vài khó khăn về kinh tế, chính trị. Nếu lúc này chúng ta không tận dụng sự chuyển hóa dòng tiền từ các nước này sang Việt Nam, sẽ vô cùng hối tiếc.

Nhìn xa hơn, việc thúc đẩy CPH cũng sẽ bị chậm lại nếu room không được mở sớm. Hy vọng, mọi sự sẽ có kết quả sớm trong 1-2 tuần tới.

Thứ ba, về TTCK. Chỉ số S&P 500 đã thiết lập kỷ lục mới trong ngày thứ sáu vừa qua. CK Mỹ như vậy, còn trong nước thì sao? 600 điểm của VN-Index có vẻ là tảng đá rất khó vượt qua. Có lẽ chủ yếu là do những tác động tâm lý đè nặng. NĐT đã bị “tổn thương” khá nặng nề trong những giai đoạn trước. Cho nên, như chim sợ cành cong, rất sợ hãi với mọi biến động của thị trường.

Thế nhưng sợ hãi nhiều khi cũng làm mất cơ hội không ít. Chúng ta hãy thật tỉnh táo nhìn vào thực trạng của nền kinh tế, thực trạng của các DN niêm yết. Mọi thứ đang bắt đầu chuyển biến tích cực hơn. Tương lai sẽ còn tốt hơn nữa khi nhiều chính sách đang ủng hộ cho tăng trưởng.

Năm 2014 sẽ là năm tạo nền cho tăng trưởng. Cá nhân người viết hoàn toàn tin tưởng mốc 600 sẽ bị phá vỡ trong thời gian rất ngắn nữa, khả năng rất cao ngay trong tháng này. Nhưng để có thể tạo đột phá, thị trường luôn có những điểm nhấn. Cổ phiếu nào, dòng nào sẽ có thể dẫn dắt trong thời gian tới?

Dòng CK mặc dù không ảnh hưởng nhiều đến index nhưng lại có tác động tâm lý rất lớn. NĐT luôn nhìn vào những CP như SSI, VND, HCM để xác định xu hướng chung. SSI cũng đã tích lũy khá tốt ở vùng 25-26, nếu bứt phá vượt lên 30 thì đây có thể là chỉ báo thị trường.

Dòng sản xuất – kinh doanh với khá nhiều CP quan trọng hầu như chưa tăng nhiều trong sóng vừa qua, cũng có thể tác động mạnh đến Index. Có thể kể đến VNM, MSN, PVD, GAS, HPG, FPT, BVH, GMD, VIC. Đây là những CP bluechips có giá trị cơ bản tốt, hầu như đang giao dịch ở vùng giá khá hấp dẫn cho vị thế mua.

Đối với những CP Midcap và Smallcap, mặc dù cũng đã tăng giá khá nhiều, nhưng vẫn còn khá nhiều sự lựa chọn tốt. Có thể đưa ra những ví dụ như SCR, ITC, LCG, SHB, PVX, ITA, HAP, CSM, HAG, VSH, TCM, AAA, VCG. Khi bluechips tăng, kéo theo index vượt 600, mặt bằng giá của các CP này sẽ được xác lập mới.

Với những biến chuyển về mặt thanh khoản khi GTGD hai sàn luôn đạt trên 3.000 tỉ/phiên, TTCK đang là kênh đầu tư hấp dẫn và hiệu quả nhất. Thanh khoản sẽ còn được tăng lên khi làn sóng rút tiền từ các kênh đầu tư khác, để đổ vào CK sẽ còn diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. NĐT sẽ quen dần với những phiên giao dịch 5.000 tỉ, thậm chí 8.000 tỉ. Chính điều này, tạo niềm tin vững chắc cho sự phát triển bền vững của TTCKVN trong năm nay.

Theo Lao Động
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo