Chứng khoán

Cổ phiếu thép và dòng tiền

Đã từng là nhóm CP có chất riêng nhưng hình ảnh của CP thép trên sàn hiện nay khá nhạt nhòa. NĐT giờ không chú ý đến cả nhóm CP thép mà chỉ tập trung tại một vài CP nổi trội.

Phân hóa

CP thép và dòng tiền đầu cơ hiện đang ở vào trạng thái “xa mặt cách lòng”. Nói vậy bởi CP thép giờ cũng không còn nhiều yếu tố để có thể thu hút dòng tiền đầu cơ và dần dà dòng tiền này cũng có phần “chán” CP thép.

Lý do cũng đơn giản, trước đây cứ giá thép tăng doanh nghiệp (DN) thép có lời, CP tăng, có khi chỉ cần giá thép tăng là giá CP tăng. Nhưng hiện giờ, dù giá thép tăng DN trong ngành chưa chắc đã tận dụng được cơ hội, tức không có nguyên cớ để thu hút dòng tiền đầu cơ. Người ta vẫn thường nói đến sóng ngành cao su, than, điện… nhưng ngành thép vài năm qua hiếm khi nghe được sóng, nếu có chỉ tập trung đơn lẻ tại từng CP.

Nhìn vào thanh khoản những mã như VGS (Ống Thép Việt Đức) hay TLH (Thép Tiến Lên) vẫn duy trì ở mức cao, khớp từ vài trăm ngàn đến hàng triệu CP mỗi phiên, thậm chí cao hơn cả blue chip HPG (Thép Hòa Phát). Nhưng đặt ra câu hỏi thị phần của VGS như thế nào, TLH có lợi thế gì trong kinh doanh e rằng không nhiều người có thể trả lời được.

Xu hướng của dòng tiền đầu cơ trong thời gian gần đây tập trung nhiều vào những CP thép ít nhiều cũng có những lợi thế nhất định trong kinh doanh, hoặc rót vào nhóm CP đầu ngành. Còn với những CP penny như VGS, TLH cũng có tiền vào, cũng tăng, nhưng khả năng duy trì được bao lâu thì không dễ gì phán đoán.

Đó là câu chuyện của dòng tiền đầu cơ, còn dòng tiền dài hạn thì sao? Hiện nay HSG (Tôn Hoa Sen) và HPG là 2 CP thép thu hút được số lượng NĐT nhiều và đa dạng, bao gồm cả NĐT cá nhân, NĐT tổ chức rồi cả dòng tiền ngắn lẫn dài hạn cùng nằm trong rổ tính VN30.

HPG là nhà sản xuất thép hàng đầu hiện nay, dù thị trường đang khó khăn nhưng công ty vẫn kinh doanh có lãi lớn, có tăng trưởng nhờ vào việc chiếm lĩnh thêm thị phần. Trong khi đó, HSG nhờ hoạt động xuất khẩu sản phẩm tôn nên đạt được những kết quả tích cực và được xem là ông lớn trong ngành tôn.

Cả HPG và HSG đều có điểm chung chính là những DN đầu ngành, nên dòng tiền từ các quỹ đầu tư và NĐT nước ngoài ưa chuộng. Hiện tại cũng chỉ những DN thép có lợi thế cạnh tranh đặc biệt mới có thể thu hút được dòng tiền của khối ngoại.

Thương hiệu lãnh đạo

Như vậy ngoài yếu tố đầu ngành và hiệu quả kinh doanh, một trong những lý do quan trọng HPG và HSG thu hút được nhiều NĐT chính là việc chủ động tiếp xúc với NĐT và để lại được dấu ấn trên TTCK. HPG là một trong những công ty sẵn sàng chia sẻ thông tin với các CTCK hay quỹ đầu tư vào loại sớm nhất trên sàn.

Cách đây 3-4 năm, đã có những đoàn chuyên gia phân tích đến gặp gỡ trao đổi với công ty về hoạt động kinh doanh và điều này tiếp tục được duy trì cho đến nay. Trong khi đó, HSG cũng tỏ ra rất tích cực trong các hoạt động xây dựng thương hiệu của mình. Đây cũng là một trong những công ty đầu tiên chủ động công bố các thông tin liên quan đến hoạt động thông qua việc gửi email trực tiếp đến các quỹ đầu tư, báo giới.

Các công ty lớn trong ngành thép đều thể hiện rất rõ dấu ấn của những người đứng đầu. Thí dụ nói đến HPG nhiều người sẽ nghĩ đến Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long và Tổng giám đốc Trần Tuấn Dương, HSG gắn với hình ảnh Chủ tịch HĐQT Lê Phước Vũ hoặc nhiều người biết đến SMC thông qua ông Nguyễn Ngọc Anh.

Trong khi đó một số công ty hoạt động nhạt nhòa, đội ngũ lãnh đạo không cho thấy nhiều nét tích cực, nên sức hút cũng giảm thiểu. Lấy trường hợp của Thép Nam Kim (NKG) làm điển hình. Khoảng 2 tuần trước, NKG công bố ông Phạm Văn Trung, tổng giám đốc công ty từ chức.

Từ khi ông Trung ngồi ghế nóng của NKG đến nay, người ta biết đến ông không phải vì năng lực quản trị DN mà ở những vụ tranh cãi với công ty cũ của ông là HSG. Ngoài ra, NKG cũng có một thời gian liên tục thay đổi nhân sự làm kế toán trưởng, đây cũng là vị trí cực kỳ quan trọng trong công ty.

Có ý kiến cho rằng một số công ty thép không chủ động công bố thông tin, không nói về lợi thế cạnh tranh của mình bởi chẳng có gì đặc biệt để nói. Ý kiến này cũng có phần đúng, nhưng chưa đủ, bởi lẽ nếu công ty chủ động minh bạch thông tin, có thể lộ ra những điểm yếu kém các cổ đông, TTCK có thể hỗ trợ công ty khắc phục.

Có dòng tiền chọn những công ty tốt sẵn, nhưng cũng có những dòng tiền chấp nhận những CP tiềm năng, miễn sao công ty đó có ban lãnh đạo cởi mở, biết lắng nghe và một mức giá tốt.

Theo Đầu Tư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo