Thị trường

Cơ quan quản lý mua nông sản "chống ế": Giải pháp đã xứng tầm?

Từ vụ việc ế ẩm nông sản xảy ra liên tiếp trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở "bàn tay" của các cơ quan quản lý nhà nước liên quan và việc mua nông sản giúp nông dân của các cơ quan này có thể là tích cực, nhưng lại không xứng tầm!

Chuyện "được mùa thì rớt giá" là lỗi tại "anh" hay tại "ả"?

 
Chỉ trong một thời gian ngắn, đặc biệt là trong 4 tháng đầu năm 2015, thị trường đã chứng kiến sự lao đao, ùn ứ, ế ẩm của một loạt các mặt hàng nông sản. Câu chuyện của người nông dân chưa kịp vui hết khi được mùa thì nỗi lo về việc tiêu thụ hàng nông sản cũng đồng thời treo lơ lửng trên vai.
 
Câu chuyện của người nông dân rơi vào tình cảnh "được mùa mất giá" cứ lặp đi lặp lại nhiều năm nay.
 
Còn nhớ, một vài năm trước những đồng mía bạt ngàn ở Vĩnh Long, Cà Mau đã được thu hoạch bằng cách đốt bỏ trong nỗi xót xa của người dân trồng mía, hay hàng ngàn tấn vải Lục Ngạn giá giảm thê thảm mà vẫn không tiêu thụ được...
 
Tuy nhiên, chỉ đến bây giờ, câu chuyện về tiêu thụ nông sản mới thực sự "nóng lên" trong dư luận xã hội, khi liên tiếp các mặt hàng nông sản thời gian gần đây rơi vào tình cảnh khốn đốn, từ việc hành tím (Sóc Trăng), hành tây (Đà Lạt) bế tắc đầu ra, cho đến gạo, dưa hấu, thanh long bị ùn tắc tại các cửa khẩu…
 
Khi những vụ việc nêu trên chưa kịp lắng xuống thì mấy ngày gần đây, lại rộ lên tình trạng hoa quả Miền Tây (nhãn, mít, ổi, xoài cát…) bị rớt giá trầm trọng khi đang vào mùa thu hoạch.
 
Bàn đến nguyên nhân của thực trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do nông dân chạy theo lợi nhuận, thấy mặt hàng nào có giá cao, thiêu thụ “ổn” là chạy theo khiến cho cung vượt cầu.
 
Hoặc là do thương lái và DN không chắc chắn và có tính toán khoa học trong cách thức làm ăn, thiếu hiểu biết và kết nối thị trường tiêu thụ kém, hay do sự phối hợp chưa tốt giữa các bộ, ngành liên quan, cơ quan với địa phương và DN, nhà nông; do nhu cầu tại các thị trường nhập khẩu giảm đáng kể…
 
Cán bộ công chức mua dưa hấu tại trụ sở làm việc của Bộ Công Thương.
 
Song một số chuyên gia kinh tế lại cho rằng, vấn đề sâu xa ở đây lại nằm ở “bàn tay” của cơ quan quản lý nhà nước, trực tiếp nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công thương. Từ việc quy hoạch tổng thể nông sản, quản lý số lượng, chất lượng cho đến xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cũng như sự lỏng lẻo giữa phối hợp điều hành giữa các cơ quan này.
 
Giúp thì tốt rồi, nhưng chưa đúng “tầm”!
 
Trước tình hình tiêu thụ nông sản khó khăn, thời gian qua đã có một số các bộ, ngành, đơn vị đã “vào cuộc” giải cứu bằng nhiều giải pháp. Trong đó có cả việc phát động cán bộ, nhân viên mua nông sản, đồng thời kêu gọi lòng hảo tâm của cộng đồng xã hội.
 
Điển hình, gần đây nhất, Bộ Công thương đã phát động Chương trình mua dưa hỗ trợ nông dân miền Trung với 14 tấn dưa đã được tiêu thụ. Trước đó, năm 2014, Bộ Công thương cũng đã đứng ra kêu gọi mua vải ủng hộ nông dân… Đồng thời, để hưởng ứng phong trào này, nhiều địa phương cũng phát động cán bộ, nhân viên tiêu thụ nông sản giúp nông dân.
 
Điều này xét ở một góc độ nào đó thì có thể hiểu về tinh thần “lá lành đùm lá rách”, sẻ chia khó khăn chung của cộng đồng xã hội.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của không ít chuyên gia kinh tế, đây chỉ là giải pháp tình thế không xứng “tầm” đối với vị trí là cơ quan quản lý đứng đầu ngành, đầu địa phương. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, cách làm đó chẳng khác gì cách làm hình ảnh, làm "màu" cho mình của các bộ, ngành.
 
Bởi lẽ, với chức năng, nhiệm vụ ở “tầm” đó thì các bộ, ngành, cơ quan này phải nhanh chóng có chiến lược quy hoạch, kết nối, phát triển thị trường, cung cấp thông tin và định hướng…cho ngành nông sản nước nhà nói chung, cho hệ thống DN nông nghiệp và nhà sản xuất, người trồng nói riêng. Và rõ ràng, trên thực tế, nếu vai trò này được làm tốt thì đã không xảy ra những thảm cảnh, hệ lụy như thời gian qua.
 
Với một đất nước có truyền thống và thế mạnh trong sản xuất xuất nông nghiệp, có phần lớn dân số làm nông nghiệp, vậy tại sao các cơ quan quản lý nhà nước chức năng không thể giải quyết được bài toán về đầu vào - đầu ra cho ngành nông nghiệp?
 
Phải chăng cứ "qui" cho người nông dân không biết tính toán? Còn hàng loạt các danh vị, học vị, hàm cấp ăn lương quản lý nhà nước chuyên ngành thì "vô can"? Và câu chuyện "được mùa mất giá" cứ lại "đến hẹn lại lên" thế thôi sao!?
 
 
 
Theo Thời Báo Tài Chính
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo