Có "tâm thư" cảnh báo loạt công trình trước "nứt trụ cầu Vĩnh Tuy"
“Mỗi công trình giao thông, hay tòa nhà chung cư ở Hà Nội hoàn thành, tôi lại tự hỏi không biết nó sẽ trụ được mấy năm? Công trình kém chất lượng mà có thấy ai bị kỷ luật đâu?”
Chuyên gia nhiều năm theo dõi ngành giao thông – TS. Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ như trên với chúng tôi khi đề cập đến sự cố nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, được dư luận phản ánh nhiều trong thời gian qua.
Mặc dù không chuyên sâu vào các công trình giao thông nói chung, tuy nhiên theo TS. Nguyễn Xuân Thủy, tình trạng xuống cấp hiện nay đối với công trình cầu Vĩnh Tuy đã “tương đối rõ ràng”. Cầu vĩnh cửu nói chung khi thi công đều tương ứng với những tải trọng mà người ta đã dự báo. Ví dụ bây giờ 5 nghìn lượt xe/ ngày, 20 năm sau sẽ là 25 nghìn xe/ ngày, hay tổng tải trọng là bao nhiêu đều đã phải có.
Một cây cầu thường phải có chỉ số an toàn gần như gấp đôi. Càng là cầu vĩnh cửu thì hệ số an toàn càng phải cao, người ta phải tính cả lực động, lực xung động, chấn động của của đất… để công trình tương ứng với số sắt thép, xi măng, cũng như các loại công nghệ cao để thi công. Đặc biệt, vị trí quan trọng nhất của cây cầu là “tập trung vào phần trụ cầu”, vì nó phải hứng chịu các lực kể trên, nên hệ số an toàn càng phải cao.
Nguyên nhân nứt trụ cầu Vĩnh Tuy có thể không phải do thiết kế, mà chủ yếu do vấn đề thi công, chưa tính hết được. Ở đây có thể do sai sót từ vấn đề chất lượng thi công, bê tông cốt thép, kể cả đầm nén... Những khiếm khuyết đó có thể xảy ra, dẫn đến độ gắn kết của trụ cầu không được tốt.
TS Thủy cũng đưa ra những cảnh báo trước tình trạng xuống cấp hiện nay: “Cây cầu lớn như thế, mình không thể nói sẽ mất an toàn ngay. Nhưng nứt như vậy thể hiện độ chịu lực không đều. Trụ cầu đó yếu không chịu được nên mới nứt ra, rồi dần sẽ lộ ra cốt thép. Khi nước dâng cao sẽ gây hỏng phần lõi bên trong. Vì thế cần phải xử lý sớm, bịt gắn vết nứt sớm trong khi đang mùa nước cạn.
Cơ quan chuyên môn cũng cần đánh giá xem độ sâu vết nứt bao nhiêu, tác dụng thế nào đến trụ cầu để không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Vết nứt như thế không thể nói là không ảnh hưởng gì. Nếu không xử lý thì không thể lường trước được hết hậu quả đâu”.
Vị TS này cũng bày tỏ: “Tôi rất bức xúc với những công trình Hà Nội làm và đã viết một bức thư gửi trực tiếp cho Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Tôi đã dự báo trước các công trình Hà Nội làm chất lượng sẽ có vấn đề. Tôi còn nói với ông Bí thư, nếu không tin thì cứ sau Đại lễ 1000 năm Thăng Long, cứ cho kiểm tra, tổng kết tất cả những công trình phục vụ đại lễ, rồi lúc đó sẽ thấy trình độ cán bộ của mình ra sao”.
Trong “bức tâm thư” gửi Bí thư Hà Nội, TS. Thủy đề cập đến các công trình phục vụ đại lễ 1000 năm, như đại lộ Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội, rồi cả Công viên Hòa Bình… và ông cảnh báo sẽ xuống cấp. Chỉ một thời gian sau, thực tế đã chứng minh điều đó. TS. Thủy cũng thẳng thắn đưa ra sự so sánh về vấn đề quy hoạch, quản lý giao thông giữa Hà Nội với Đà Nẵng, TPHCM…
“Hình như môi trường ở Hà Nội rất phức tạp. Tôi hơi buồn vì thủ đô có nguồn lực lớn, tập trung nhiều trí tuệ, chất xám như vậy mà tại sao lại như thế? Mỗi công trình giao thông, hay tòa nhà chung cư ở Hà Nội hoàn thành, tôi lại tự hỏi không biết nó sẽ trụ được mấy năm?” – TS Thủy nêu quan điểm.
Trước thực tế một cây cầu vĩnh cửu mới chỉ đi vào sử dụng vài năm mà đã bị nứt trụ cầu như vậy, TS. Thủy nhận định điều này thấy “ít xảy ra” và “chất lượng có vấn đề”. Mặc dù cây cầu này trước đó được cả người dân trông đợi nhưng đã bị chậm tiến độ. Từ đây cần phải xem lại đơn vị thi công, nhà đầu tư có ý kiến gì về việc này, và họ phải giải trình, rồi chịu trách nhiệm chứ “không thể bỏ qua được”.
Vị TS nhiều năm theo dõi lĩnh vực giao thông cũng dẫn dụ, trước đó khi xảy ra sự cố đáng tiếc ở cầu Cần Thơ, chết một lúc vài chục người mà không ai đứng ra nhận trách nhiệm cả. Rồi gần đây vụ tai nạn sập cầu treo ở Lai Châu cũng vậy.
“Các nước xảy ra tai nạn làm chết 15 – 20 người họ đã quốc tang rồi. Còn mình thì không hề có ai nhận lỗi với người dân. Điều này rất thiếu nhân văn. Cầu treo ở Lai Châu bị sập có ai nhận trách nhiệm không? Giám đốc Sở GTVT Lai Châu không nói gì, người trực tiếp quản lý công trình cũng không ý kiến gì. Trường hợp khởi tố điều tra vụ án, đương nhiên người trực tiếp bị xử lý, nhưng nếu ở các nước thì ngay cả Bộ trưởng Bộ GTVT cũng phải chịu trách nhiệm”.
“Giáng chức khi để xảy ra sự cố công trình là bài học hay nhất mà các nước đang áp dụng. Điều này khiến anh nào cũng phải sợ và không thể để cho cấp dưới làm bừa được” – TS. Thủy nói.
Infonet
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Năm 2025, phấn đấu nâng hạng ga quốc nội sân bay Đà Nẵng chuẩn 4 sao Skytrax
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
FPT sẽ mở văn phòng đại diện giáo dục tại Nhật Bản
Cột tin quảng cáo