Có thể phải nói đến cụm từ “phá sản”
Với một lộ trình được chuẩn bị kỹ càng, rõ ràng và thông tin định hướng kịp thời, việc một ngân hàng phá sản (nếu có trong tương lai) sẽ không gây hiệu ứng domino hệ thống.
Thúc đẩy TCTD yếu tự tái cơ cấu
Mới đây, NHNN đã ban hành Thông tư 07/2013/TT-NHNN (Thông tư 07) quy định về việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD. Theo đó, từ ngày 27/4/2013, những TCTD nếu không đảm bảo được các điều kiện hoạt động, có nguy cơ mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc vi phạm nghiêm trọng pháp luật dẫn đến nguy cơ mất an toàn hoạt động sẽ bị đưa vào diện bị NHNN kiểm soát đặc biệt (dưới hai hình thức: giám sát đặc biệt hoặc kiểm soát toàn diện) để xử lý dứt điểm.
Các chuyên gia cho rằng, Thông tư này ra đời là cần thiết, hỗ trợ cho quá trình tái cấu trúc hệ thống các TCTD nói chung, cũng như việc tái cấu trúc tự thân của một số TCTD yếu kém nói riêng.
“Thông tư này có nhiều điểm tiến bộ, trong đó có 2 điểm nổi bật: Một là, cho phép phá sản với những ngân hàng thực sự yếu kém, không thể cứu vãn hoặc cứu vãn sẽ quá tốn kém; Hai là, NHNN sẽ trực tiếp hoặc chỉ định TCTD khác tham gia bơm vốn, mua cổ phần của TCTD yếu kém nên sẽ thúc đẩy tái cơ cấu tại những TCTD này”, TS. Cấn Văn Lực - chuyên gia tài chính - ngân hàng nhìn nhận.
Khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt, TCTD sẽ buộc phải có phương án củng cố tổ chức và hoạt động, trong đó phải làm rõ các vấn đề như: Báo cáo thực trạng tình hình quản trị, tài chính và hoạt động của TCTD; nguyên nhân bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt...
Đặc biệt, trong kế hoạch thực hiện các biện pháp để giải quyết “hậu quả” dẫn đến tình trạng yếu kém hiện tại, TCTD bị kiểm soát đặc biệt sẽ phải làm rõ các vấn đề liên quan đến việc tăng cường khả năng chi trả; khả năng củng cố, khắc phục các yếu kém, tổn thất tài chính từ nguồn vốn chủ sở hữu.
TCTD cũng phải có kế hoạch sáp nhập, hợp nhất với TCTD khác, kế hoạch bán tài sản hoặc toàn bộ TCTD cho TCTD khác, các nhà đầu tư tiềm năng; phương án thanh toán các khoản tiền gửi của khách hàng… và thực hiện các biện pháp cần thiết khác.
Trong trường hợp TCTD bị kiểm soát đặc biệt xây dựng phương án củng cố tổ chức và hoạt động, nhưng không đáp ứng được yêu cầu xử lý các khó khăn, yếu kém của mình, Thống đốc NHNN sẽ chỉ định thuê cơ quan tư vấn và một số chuyên gia ngân hàng khác xây dựng phương án tái cơ cấu cho TCTD đó.
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu để tình huống này xảy ra, các TCTD đang bị kiểm soát đặc biệt sẽ không chỉ phải chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ các chi phí liên quan đến việc thuê tư vấn, chuyên gia xây dựng phương án... mà còn mất tính chủ động trong củng cố tổ chức của mình. Vì vậy, cách tốt nhất là họ cần chủ động xây dựng được phương án thật sự phù hợp và đảm bảo tính khả thi.
Nếu không muốn phá sản...
Trường hợp sau thời hạn kiểm soát đặc biệt mà không khôi phục được khả năng thanh toán thì nguy cơ phá sản đối với TCTD sẽ hiện hữu.
Cụ thể, theo Thông tư 07, khi NHNN chấm dứt kiểm soát đặc biệt do TCTD không khôi phục được khả năng thanh toán, NHNN sẽ gửi văn bản tới Tòa án về việc chấm dứt áp dụng các biện pháp phục hồi thanh toán; và yêu cầu TCTD đó làm đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Về nội dung này, TS. Alan Phạm - Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital cho rằng: “Phá sản ngân hàng khác với phá sản DN, vì ngân hàng nằm trong một hệ thống tiền tệ và tài chính nên chỉ cần một mắt xích mất đi (tức phá sản), có thể gây chấn động đến toàn hệ thống. Nhưng khi NHNN đã đặt một TCTD dưới dạng kiểm soát đặc biệt, tức là đã có động thái báo động và “rào trước, đón sau” để nếu ngân hàng đó không thể phục hồi được, phải phá sản thì hệ thống vẫn an toàn. Đây là một điểm tốt của Thông tư 07”.
Tuy nhiên theo TS. Cấn Văn Lực, trong quá trình triển khai Thông tư này có mấy vấn đề cần lưu ý: Một mặt, NHNN cần có những hỗ trợ, hướng dẫn để các TCTD bị kiểm soát đặc biệt lên được phương án củng cố tổ chức và hoạt động khả thi.
Mặt khác, công tác truyền thông phải được thực hiện rất tốt để thông tin tới người dân, kể cả trong trường hợp TCTD đó phá sản thì chúng ta vẫn đảm bảo quyền lợi của người dân và nhà đầu tư. Cùng với đó cũng cần nâng cao hơn nữa vai trò của các tổ chức liên quan như Bảo hiểm Tiền gửi.
Trường hợp khi NHNN trực tiếp bơm vốn cho TCTD bị kiểm soát đặc biệt dưới hình thức góp vốn thì NHNN phải xác định thời điểm, tiêu chí thoái vốn sau này. Ngoài ra, các vấn đề liên quan đến minh bạch thông tin, cơ chế tiết lộ thông tin… cũng cần kịp thời, đúng lúc để không gây ra xáo trộn hay các quan ngại tâm lý không đáng có.
Các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề phá sản một ngân hàng ở các nước phát triển là việc rất bình thường; nhưng tại Việt Nam, hiện tượng này chưa từng xảy ra và vẫn bị xem là rất nhạy cảm.
Do đó, để tránh những xáo trộn, hoảng loạn có thể xảy ra theo kiểu hiệu ứng domino trên thị trường tài chính nếu chẳng may có một ngân hàng nào đó phá sản trong tương lai, bên cạnh việc làm tốt công tác truyền thông thì ngay từ lúc này, chúng ta cũng phải chuẩn bị các tình huống, kịch bản và phương án xử lý, tránh để tình trạng xảy ra đột ngột sẽ khó xử lý.
Minh Trí
Theo TBNH
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đà Nẵng: Hai dự án liên quan cảng Liên Chiểu hoàn thành 100% kế hoạch vốn năm 2024
Kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực, kỳ vọng tăng trưởng mạnh
10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024
10 sự kiện nổi bật của Việt Nam năm 2024 do TTXVN bình chọn
Công bố 10 sự kiện công nghệ thông tin - truyền thông tiêu biểu năm 2024
Cột tin quảng cáo