Có tiếng mà chẳng thấy... miếng
Từ một nước phải xin hạn ngạch để xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, chập chững thu vài chục ngàn USD xuất khẩu từ con cá, con tôm, đôi giày... sau 15 năm VN đã trở thành quốc gia đứng đầu trong khu vực ASEAN xuất khẩu vào thị trường Mỹ với kim ngạch lên tới hàng chục tỉ USD, mở ra khả năng VN trở thành một trong số ít quốc gia nằm trong nhóm có “quyền lực” chi phối sản phẩm cung ứng cho toàn cầu.
VN hiện xếp thứ hai về năng lực cung ứng hàng dệt may, thứ hai về da giày, thứ nhất về cá ba sa, thứ ba cho con tôm, thứ ba cho sản phẩm gỗ... vào thị trường Mỹ, với giá trị xuất khẩu phải tính bằng đơn vị hàng tỉ USD mỗi năm, chứ không còn nhỏ lẻ vài ba triệu USD như trước.
Nhưng niềm vui này dường như chưa thể trọn vẹn khi trong các sản phẩm chủ lực xuất khẩu sang Mỹ, như dệt may và da giày, phần thực hưởng mang lại cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước vẫn còn hết sức khiêm tốn, khi xu hướng lấy công làm lời gần như vẫn giữ vai trò then chốt trong cơ cấu sản xuất của rất nhiều tầng lớp doanh nghiệp xuất khẩu.
Thay vì bán được những bộ áo vest, đôi giày có giá trị 300-400 USD trở lên, các doanh nghiệp may mặc, da giày tiếp tục chọn con đường nhận tiền công vài USD, mà nói như ông Diệp Thành Kiệt, phó chủ tịch Hiệp hội Da giày VN, “công nhân phải làm bở hơi tai, sôi máu mắt” mới có được chút tiền công còm đó.
Cũng phải thôi, khi phần lớn các đơn hàng có độ phức tạp cao, kỹ thuật khó, đòi hỏi trình độ tay nghề nhân công chuyên nghiệp mới làm nổi, lại dần dần được chuyển sang VN, thay vì để lại ở Trung Quốc.
Cũng chẳng trách được nhà đặt hàng khi họ đã “nhìn” ra được chỉ mất một đồng tại VN để làm ra được sản phẩm bán tới hàng trăm đồng, thay vì phải mất gấp đôi chi phí để làm ra sản phẩm tương tự ở Trung Quốc, mà chưa chắc chất lượng tốt bằng sản xuất tại VN.
Sự dịch chuyển này sẽ là niềm vui, sự tự hào, và đi kèm theo đó là giá trị gia tăng sẽ được cộng hưởng thêm trên từng món hàng xuất khẩu, nếu nó được đặt trong bối cảnh ngành công nghiệp phụ trợ của hai ngành xuất khẩu chủ lực nói trên đã được xây những nền móng vững chắc.
Chiếm đến 60-70% trong cơ cấu giá thành sản phẩm, nhưng nguồn cung nguyên phụ liệu phục vụ cho sản xuất dệt may, da giày trong nước hiện chỉ đáp ứng chưa tới 30%, một mức rất thấp sau gần hai thập kỷ cơ quan chức năng vẫn chỉ loay hoay đi tìm giải pháp phát triển cho ngành công nghiệp hỗ trợ!
Hệ quả cho thấy cũng khá rõ, dù xuất khẩu được gần 10 tỉ USD hàng dệt may, gần 3 tỉ USD hàng da giày vào thị trường Mỹ trong năm nay, nhưng thặng dư thương mại VN thực hưởng chỉ bằng 1/10 so với doanh số xuất khẩu ghi nhận, vì đã bị nhà đặt hàng “móc túi” bớt khi toàn bộ nguyên phụ liệu sản xuất đều được chỉ định nơi nhập khẩu.
Niềm vui trở thành quốc gia xuất khẩu trong khu vực Đông Nam Á sẽ... bớt vui rất nhiều nếu nghịch lý trên không được giải quyết một cách rốt ráo, triệt để hơn mức có thể so với hiện tại.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Giá xăng giảm gần 500 đồng/lít
Vụ phát hiện giá đỗ độc hại dùng chất cấm gây não úng thủy, dị tật bẩm sinh: Một cơ sở khai bán cho siêu thị Bách Hóa Xanh 350-400kg/ngày
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá