Tin tức - Sự kiện

Cô Tô có điện lưới quốc gia

Đảo Cô Tô - Quảng Ninh chấm dứt những năm tháng dùng điện chạy bằng dầu và xăng với giá cao nhất Việt Nam. Sáng 4-11, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVN) khởi công dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô.

Dự án đưa điện lưới ra đảo Cô Tô do Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư các hạng mục tuyến đường dây trên không 110kV Cẩm Phả- Vân Đồn, trạm biến áp 110kV Vân Đồn 1, tuyến đường dây trên không 110kV từ trạm Vân Đồn 1 đến thôn Đài Chuối, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn và toàn bộ hệ thống lưới điện phân phối trên huyện đảo Cô Tô.

Tỉnh Quảng Ninh đầu tư xây dựng các hệ thống lưới điện 22kV, 110kV từ thôn Đài Chuối, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn ra huyện đảo Cô Tô với tổng chiều dài tuyến đường dây là 58,3km, trong đó có hơn 25km cáp ngầm xuyên biển.

Đây là dự án đầu tiên trong cả nước được thi công với công nghệ chôn ngầm cáp 22kV dưới đáy biển.

Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.107 tỷ đồng. Trong đó, tỉnh Quảng Ninh đầu tư 883 tỷ đồng và Tổng Công ty Điện lực miền Bắc đầu tư 284 tỷ đồng.

Theo dự kiến, dự án sẽ hoàn thành trong tháng 10 năm 2013 để chào mừng 50 năm ngày thành lập tỉnh.

Hiện tiến độ của dự án đang được triển khai với 3 nội dung đầu tư là xây dựng trạm 110kV tại Vân Đồn, kéo điện từ trạm 110kV Vân Đồn ra xã đảo Quan Lạn và kéo điện từ xã đảo Quan Lạn ra huyện Cô Tô.

Hướng tuyến cấp điện từ trạm 110kV Vân Đồn - Trạm cắt Bản Sen - huyện đảo Cô Tô có tổng chiều dài 65km, nhu cầu sử dụng điện trong các giai đoạn 2015 - 2020 - 2030 tương ứng là 25,147MW, 46,835MW và 103,891MW.

Ông Nguyễn Đức Thành, Bí thư huyện ủy, kiêm Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Cô Tô cho biết, huyện đảo là nơi duy nhất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đồng ý cho dựng tượng của mình khi Người còn sống nhưng từ nhiều năm nay, người dân vẫn phải dùng điện chạy bằng dầu, xăng với giá cao nhất Việt Nam. Điện lưới quốc gia về với đảo sẽ mang niềm vui, mang ánh sáng, văn minh đến với người dân…

Từ năm 1999, Cô Tô đã xây dựng trạm phát điện diesel và lưới điện hạ thế và cải tạo, nâng cấp vào năm 2008. Hiện nay, Cô Tô đã lắp đặt 21 cụm diesel.

Năm 2001, huyện Cô Tô còn đầu tư lắp đặt 53 trạm pin mặt trời cho các cơ quan hành chính sự nghiệp và một số hộ dân với tổng công suất 15kW tại thị trấn Cô Tô bằng nguồn vốn từ Chương trình Biển Đông, hải đảo.

Hàng năm ngân sách huyện phải chi khoảng 7 tỷ đồng dành cho hỗ trợ tiền dầu phát điện và sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống cấp phát điện.

Tuy nhiên, bà con phải góp tiền mua dầu chạy máy phát điện mỗi ngày 2 lần, buổi trưa từ 11h đến 13h và buổi tối từ17h đến 22h.

Xăng dầu tăng giá mạnh đã đẩy giá điện lên tới trên dưới 20.000 đồng/kWh. Tiền điện trợ giá chỉ được vài ngàn đồng/kWh. Vì vậy, phát điện theo giờ là tình trạng chung trên huyện đảo này.

Vào mùa hè, nhu cầu sử dụng điện tăng cao, hệ thống điện không ổn định khiến các hộ dân thường bị cắt điện vào giờ cao điểm. Thậm chí, các cơ quan hành chính của huyện cũng không có điện trong giờ hành chính.

Có mặt tại trung tâm huyện Cô Tô từ sớm, bà Nguyễn Thị Nền 83 tuổi, trú tại thôn Hải Tiến, Cô Tô cho biết, ngay từ sớm bà đã bảo con chở bà ra phố huyện. “Trước đây muốn sắm tủ lạnh bảo quản hải sản mà điện lúc có lúc không. Sống đến giờ mới được hưởng niềm vui này…”.

Ông Nguyễn Văn Đọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh khẳng định, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng nhằm phát triển nhanh, hiệu quả bền vững vùng biển đảo Cô Tô, tiến tới xây dựng Cô Tô trở thành một vùng đảo có kinh tế năng động trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo tỉnh Quảng Ninh.

Đồng thời là căn cứ vững chắc để bảo vệ quốc phòng, an ninh vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc xứng đáng với niềm mong mỏi của Bác Hồ lúc sinh thời…

 

 

Hồng Lĩnh (Theo Tiền Phong)

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo