Có trạm cân, mãi lộ vẫn hoành hành
Dù trạm cân được đặt khắp nơi, nhưng điều tra của chúng tôi cho thấy, lực lượng thanh tra giao thông một số nơi có dấu hiệu tiêu cực nên xe quá khổ, quá tải vẫn tiếp tục tung hoành. Đây cũng chính là lý do giúp CSGT nhiều nơi tha hồ “làm luật” đối với tài xế...
Vô tư quá tải
Theo khảo sát của chúng tôi, trên suốt tuyến QL14, xe quá tải chỉ ngán mỗi Trạm cân Bình Phước, còn hễ thoát khỏi trạm này thì mọi chuyện còn lại quá đơn giản. Trong 2 ngày 23 và 24.4, hàng trăm xe quá tải đậu ở 2 đầu Trạm cân Bình Phước, chờ trời mưa, trạm cân ngừng hoạt động để vượt trạm. Trời không mưa nên xe càng lúc càng đông. Nhiều tài xế cho biết, họ dễ dàng “xin qua” ở các trạm khác, chỉ vướng ở Bình Phước vì nơi đây đang làm nghiêm nên đành đậu nối đuôi nhau, chờ... trời giúp. Tuy nhiên, có lúc trời không mưa thì xe vẫn qua được trạm, đó là lúc “con voi chui lọt lỗ kim”.
Cụ thể, ngày 21.4, chiếc xe đầu kéo BKS 61C-10487 của Cty Anh Tài (đóng tại TPHCM) vào kho của Cty phân bón Bình Điền (huyện Bình Chánh, TPHCM) để nhận 60 tấn hàng. Số hàng này vượt tải gấp 4 lần so với tải trọng thiết kế của xe là 15 tấn.
Một số đồng nghiệp đã bám theo chiếc xe này, nhưng đến Bình Dương thì mất dấu. Không biết bằng cách nào, đến cuối ngày 23.4, chiếc xe này đã về đến Đắc Lắc, vượt qua hàng loạt trạm cân mà không gặp trở ngại gì. Chúng tôi hỏi, xe quá tải thì qua trạm bằng cách nào, tài xế thật thà cho biết, anh chỉ việc chạy, gần tới trạm thì a lô cho ông chủ, khi nào ông bảo qua thì qua.
Ngày 18.4, chúng tôi theo một tài xế lái chiếc xe 8 tấn BKS 77M-29... theo hành trình TPHCM đi Kon Tum rồi ra Bình Định. Theo lộ trình, xe phải qua TPHCM, Bình Dương, Bình Phước, Đắc Nông, Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum rồi mới tới Bình Định. Tài xế cho biết, chủ xe sợ bị phạt nặng, bị buộc hạ tải ở các trạm cân nên xe chỉ chở đúng tải. Tuy nhiên, việc “làm luật” đối với CSGT là bắt buộc. “Anh cứ theo xe thì rõ. Xe không chở hàng cũng phải “làm luật” chứ đừng nói là xe đúng tải!” – tài xế nói.
Trưa 19.4, xe tải của chúng tôi qua địa bàn tỉnh Đắc Lắc. Khoảng 11h30, chiếc ôtô BKS 47A-00259 của CSGT chặn chiếc xe tải 3 trục BKS 77C-01467 ngay trước mắt chúng tôi. Tuy nhiên, anh CSGT chỉ nhận “giấy” trong vài giây rồi cho chiếc xe tải tiếp tục lưu thông mà không có biên bản. Khi xe tải của chúng tôi trờ ngang, anh CSGT bên trong ôtô 47A-00259 thò gậy ra ngoài ngoắc liên tục, nhưng tài xế bảo “kệ đi, xe mình không vi phạm gì, mình cứ đi”.
Quả nhiên, thấy xe đi luôn, CSGT chẳng buồn đuổi theo. Xe đi tới địa phận TX.Buôn Hồ, lại xuất hiện một xe ôtô khác BKS 47A-00123 của CSGT Đắc Lắc đậu ngay trước cây xăng Ngọc Sơn (QL14). Sau khi kiểm giấy chớp nhoáng từ xe tải BKS 47C-00749, anh CSGT tiếp tục “kiểm giấy” đối với xe tải mà phóng viên đang đi trong vòng vài giây rồi cho đi. Đi thêm một đoạn đường, tới địa phận huyện Ea H’leo, chúng tôi lại bị ôtô CSGT Đắc Lắc BKS 47A-00136 chặn lại “kiểm giấy”.
Cùng thời điểm này, tổ CSGT còn chặn xe tải chở đá nguyên khối BKS 47K-8207, xe khách BKS 93B-00210, xe tải gắn biển tạm T60-12477. Anh CSGT chỉ “nhận giấy” rồi cho các xe này đi luôn mà không nói gì. Riêng xe tải của chúng tôi, anh phụ xế trình sổ đăng kiểm kẹp 50.000 đồng, nói "xe chở đúng tải, xin làm luật nhẹ nhẹ". Tuy nhiên, anh CSGT trả lại sổ và nói “cho anh em thêm năm chục nữa đi, như vầy ít quá”. Sau khi thực hiện đúng “thủ tục”, xe của chúng tôi tiếp tục lăn bánh về hướng Kon Tum.
Mãi lộ… 20.000 đồng!
Từ ngày 17 đến 24.4, nhóm phóng viên túc trực tại các trạm cân của Gia Lai và Kon Tum, trong quá trình đeo bám các xe quá tải, phóng viên chứng kiến nhiều xe tuần tra của lực lượng CSGT CA 2 tỉnh này liên tục quần thảo trên đường, chặn xe liên tục, trong đó có việc làm luật. Việc “làm luật” của CSGT không thể giải thích kiểu chung chung là “sai quy trình”, bởi những hình ảnh mà chúng tôi ghi lại chứng minh được CSGT thu “tiền tươi thóc thật” ngay trước ống kính phóng viên.
Lúc 8h40 ngày 20.4, chúng tôi bám theo chiếc xe ben BKS 81M-5593 chất đầy phân bón cao vượt thùng xe gần 2 mét từ hướng Biển Hồ về trung tâm TP.Pleiku. Trên đường đi, chiếc xe này bị nhóm CSGT đi trên ôtô BKS 81B-8668 tuýt còi. Tài xế nhảy xuống “nộp giấy” chớp nhoáng, sau đó chiếc xe tiếp tục ỳ ạch tiến về hướng Đắc Lắc. Sáng 21.4, cũng tại vị trí này, một thiếu tá và một thượng úy CSGT sử dụng xe ôtô BKS 81B-6886 liên tục chặn xe, nhận “giấy” rồi cho tài xế đi ngay mà không có biên bảo nào được lập.
Cũng chiếc ôtô tuần tra trên, chiều 22.4, sau khi chặn hàng chục xe tải loại lớn, nhóm CSGT chặn một chiếc xe tải nhẹ, loại 500kg BKS 81L-1724 đang chở một con bê ốm nhom ốm nhách trên thùng xe. Tài xế dừng lại, soạn mớ tiền lẻ, sau đó ngậm một tờ mệnh giá 20.000 đồng, một tờ mệnh giá 10.000 đồng vào miệng.
Không biết người phụ nữ ngồi cạnh bên nói gì, tài xế rút bớt tờ 10.000 đồng cất vào bóp, tờ 20.000 đồng kẹp vào sổ đăng kiểm. Khi tài xế nộp sổ đăng kiểm có kèm tờ giấy bạc, viên thiếu tá CSGT cười rất tươi, nhận sổ rồi trả lại cho tài xế trong chớp nhoáng.
Chiều 22.4, chúng tôi theo một chiếc xe đúng tải đi từ Kon Tum về Đắc Lắc. Sau khi “nộp giấy” qua nhiều chốt CSGT, xe đến địa phận xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai. Một thiếu tá CSGT đứng phía trong xe tuần tra BKS 81A-00145, kề bên là một thượng sĩ áo xanh.
Anh thượng úy đứng ở lề đường, tay phải cầm cây gậy xoay tròn như đang luyện võ, tay trái cầm điếu thuốc lá rít liên tục. Thấy xe chúng tôi tới, anh thượng úy đưa gậy ra vẫy. Khi nhận cuốn sổ đăng kiểm có kèm 50.000 đồng, anh thượng úy cầm tiền bằng tay phải rồi cho vào túi quần, miệng cười rất tươi.
Theo lời giới tài xế, xe quá tải muốn vượt các chốt CSGT thì vẫn phải chung chi theo mức giá cũ, tức 100.000 đồng cho xe 2 trục, 150.000 đồng cho xe 3 trục, 200.000 đồng cho xe 4 trục... Riêng đối với xe chở đúng tải, cứ mỗi xe chung đồng giá 50.000 đồng. “Mấy ông CSGT hay lắm, đã chặn mình lại kiểu gì cũng có lỗi. Thôi thì cứ chung tiền cho yên thân” - một tài xế nói.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo