Cổ tức cao, cẩn thận dính bẫy
Gần kết thúc mùa ĐHCĐ 2014, NĐT đã chứng kiến những doanh nghiệp có quyết định chi trả mức cổ tức cao bằng tiền mặt. Tỷ lệ cổ tức từ 30 - 60% cả bằng cổ phiếu và tiền mặt khiến nhiều NĐT hồ hởi, nhưng cũng có nhiều NĐT băn khoăn, liệu việc trả cổ tức cao như vậy có thật sự tốt?
CTCP Cơ khí và khoáng sản Hà Giang (HGM) trả cổ tức bằng tiền năm 2013 lên đến 70%, tương đương 88,2 tỷ đồng, trong khi đó, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 95 tỷ đồng.
Nếu so với năm 2012, thì mức 70% vẫn còn thua xa con số 120% đã chia cho cổ đông trong năm này. Bước sang năm 2014, HGM đặt kế hoạch 151 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 56 tỷ đồng, giảm 41% so với thực hiện 2013. Tuy nhiên, về kế hoạch cổ tức, HGM vẫn duy trì ở mức tối thiểu 50%.
Với tỷ lệ cổ tức bằng tiền mặt là 60%, CTCP Dịch vụ phân phối tổng hợp dầu khí (PSD) đã chi tương đương 85,3 tỷ đồng để trả cho cổ đông. Trong năm 2013, PSD đã tạm ứng cổ tức đợt 1 và 2 lần lượt là 30% và 15%. Mức cổ tức 15% còn lại cũng được PSD chi trả vào ngày 30/5/2014 vừa qua.
Năm 2014, PSD tiếp tục lên kế hoạch cổ tức duy trì ở mức cao, tối thiểu 50%. Trong trường hợp tăng vốn (PSD có kế hoạch tăng vốn với tỷ lệ 1:1), PSD giữ mức cổ tức tối thiểu khoảng 30%. PSD cũng đã có kế hoạch trích khoảng 100,2 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2014, trong khi đó, kế hoạch lợi nhuận của PSD trong năm nay là 102,3 tỷ đồng.
CTCP FPT (FPT) đã quyết định tăng mức cổ tức từ 20 - 25% lên 55%, trong đó 30% bằng tiền mặt và 25% bằng cổ phiếu. Điều này đồng nghĩa với việc FPT cần chi ra tổng cộng 825 tỷ đồng tiền mặt và phát hành thêm 68,8 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Cổ tức tiền mặt năm 2014 dự kiến là 20% trên VĐL mới. Hiện vốn điều lệ của FPT là 2.752 tỷ đồng.
Được biết đến là DN có lịch sử trả cổ tức cao, từ 30 - 70%, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) tiếp tục trả cổ tức năm 2013 là 60% bằng tiền, trong khi kế hoạch trước đó là 30%. CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) mặc dù đã giảm tỷ lệ chia cổ tức 15 điểm phần trăm so với năm 2012, nhưng vẫn có được mức cổ tức khá cao là 45% bằng tiền mặt.
Một số DN khác có mức cổ tức có thể không bằng những DN nêu trên, nhưng nếu tính ra tổng số tiền cần chi trả thì cũng cao không kém. Chẳng hạn, CTCP Sữa Việt Nam (VNM) thống nhất tăng cổ tức từ 34% lên 48%, theo đó VNM sẽ thanh toán cổ tức đợt 3 với tỷ lệ 20% bằng tiền, tương đương 1.667 tỷ đồng. Tương tự, CTCP Phân bón và hóa chất dầu khí (DPM) chia cổ tức 50%, tương đương tổng số tiền bỏ ra để thanh toán lên đến 1.900 tỷ đồng.
Vẫn còn nhiều DN khác có tỷ lệ cổ tức cao và ổn định từ 20-30% như NFC - 25%, DVP - 20%, D2D - 25%, RAL - 30%… Một số công ty trên sàn UPCoM cũng trả cổ tức “khủng” như CTCP Đầu tư và phát triển Sài Đồng (SDI) trả 118,75% bằng tiền, CTCP Khai thác, chế biến Khoáng sản Hải Dương (KHD) trả 65%, Dịch vụ Hàng không Sân bay Đà Nẵng trả hơn 67%...
Có thể thấy, đa phần những công ty trả cổ tức cao và đều đặn là những DN có hoạt động kinh doanh tốt, thực hiện tốt trách nhiệm chia sẻ quyền lợi với cổ đông. Nếu xét về mặt lợi thì việc trả cổ tức cao, nhất là bằng tiền mặt giúp DN nhận được sự ủng hộ của NĐT. Đồng thời, trong giai đoạn TTCK giao dịch thiếu sôi động thì việc trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ đủ cao là yếu tố thu hút NĐT, qua đó gia tăng tính thanh khoản cho cổ phiếu.
Tuy nhiên, cổ tức cao cũng có những “mặt hại” mà cổ đông cần chú ý. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn mà DN vẫn tạo ra lợi nhuận tốt, trả cổ tức cao thì được xem là tốt, nhưng nếu một DN trả cổ tức bằng tiền cao bất thường trong một năm để “dụ” cổ đông mua cổ phiếu mới sắp phát hành với giá cao thì nhà đầu tư cần cẩn trọng. Bên cạnh đó, khi công ty chia cổ tức cao, điều đó có thể đồng nghĩa công ty không cần sử dụng lợi nhuận, mà sử dụng vốn vay hoặc chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất và cũng có thể thị phần đã bão hòa.
Nhìn chung, DN trả cổ tức cao và thanh toán liền tay vẫn được đa số cổ đông ưa thích.
Theo Đầu tư Chứng khoán
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo