Cổ vật bị đánh cắp tự quay lại đền thiêng
Ngôi đền nhỏ bé ẩn mình trên một mỏm đất cao ở ngã ba sông Nậm Mộ và Nậm Nơn đã nổi tiếng khắp trong Nam ngoài Bắc. Tuy nhiên, ít ai biết ngôi đền Cửa Rào chính xác có từ bao giờ. Những câu chuyện huyền bí xảy ra nơi đây khiến nhiều người không khỏi giật mình.
Đền ngự đất thiêng
Đến xã Xá Lượng (Tương Dương – Nghệ An), không ai có thể bỏ qua ngôi đền lạ ở ngã ba sông, nơi giao thoa giữa ba con sông có cái tên đầy ẩn ý là Nậm Mộ, Nậm Nơn và sông Lam. Chẳng ai biết hết ý nghĩa của hai con sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, nhưng các cụ cao niên ở Xá Lượng kể rằng, tương truyền khúc sông có tên gọi Cửa Rào bao hàm hai ý nghĩa.
Với người dân địa phương, trước hết đó là nơi chỉ địa danh hợp lưu, quy tụ của dòng sông Nậm Mộ và Nậm Nơn, hai con sông chính mang nguồn nước cho dân làng. Tiếp đến là dòng sông mà từ thuở xa xưa du khách thập phương cũng như các lái buôn khi dong thuyền xuôi ngược qua đây đều phải dừng lại dành chút thời gian chỉnh trang mai thuyền, trang phục để tưởng niệm các bậc tiền nhân đã có công lao to lớn trong hộ quốc, được thờ tự tại đền Thượng Trụ và đền Cửa Rào.
Hai con sông hiền hoà ấy cũng có những lúc dữ dằn như hai con rồng nước quặn mình. Đã có nhiều con lũ đột ngột từ đầu nguồn hợp nhau ở ngã ba sông trước đền Cửa Rào cuốn trôi đi tất cả những gì quanh đó. Truyền thuyết ghi nhận ở hai con sông kỳ lạ này có những lúc màu nước thay đổi. Một dòng đỏ ngầu màu máu, dòng kia lại trong vắt hoặc xanh màu nước biển. Ai cũng cho rằng, đó là “dòng máu” âm dương của trời đất hợp lại nên vùng đất ấy rất thiêng.
Còn lịch sử nước ta lại ghi nhận về đền Cửa Rào như một nơi ghi nhớ công lao giữ nước của anh hùng Đoàn Nhữ Hài. Đền được xây dựng từ thế kỷ XIV. Các nhà phong thuỷ từ xưa tới nay khi du ngoạn qua ngã ba sông đều khẳng định đây là vùng đất thiêng hội đủ “long - ly - quy - phượng” nên ngôi đền nhận được nhiều linh khí.
Chưa hết, theo một cuộc khảo sát quy mô và tỉ mỉ của Viện Khảo cổ học, thì ngôi đền còn được xây dựng trên một di chỉ khảo cổ mang tên Đồi Đền. Những di chỉ đã và chưa được khai quật đều thuộc thời kỳ đồ đồng ở làng Cửa Rào và Xiêng Hương như mũi tên, đao, kiếm, giáo mác, lưỡi rìu chứng tỏ nơi đây từng là doanh trại của thủ lĩnh bộ tộc thời xa xưa.
Ông Nguyễn Thắng – Ban quản lý di tích đền Cửa Rào đưa chúng tôi đi xem những cây cổ thụ nghìn năm tuổi trước và sau ngôi đền. Phía bên tay phải đền là cây đa được xác định không dưới 1000 năm tuổi. Cây cao, lớn vài người ôm mới xuể. Phía tay trái là cây duối cổ thụ, nhưng người địa phương quen gọi là cây ngoéo. Cây có tuổi thọ khoảng 700 năm tuổi vẫn đứng hiên ngang. Người địa phương bảo rằng, hai đại thụ này là hai thần hộ pháp canh giữ cổng đền.
Phía sau đình, cây bồ đề 500 năm toạ lạc dưới chân núi cũng sừng sững không kém. Ông Thắng bảo: “Hồi chúng tôi còn nhỏ, vẫn thường trèo lên ngọn cây từ đây có thể nhìn ra tận các huyện xa hoặc nhìn sang phía nước Lào. Nhưng thời gian khắc nghiệt đã quật gẫy ngọn cây nên bây giờ cây không còn đồ sộ như xưa”.
Trộm cổ vật, bị quả báo
Đình Cửa Rào cổ kính lại ngự chốn thâm sơn cùng cốc nên những cổ vật quý báu không phải là ít. Đó cũng là lý do khiến những tên trộm cắp nhòm ngó đêm ngày. Ông Thắng cho biết, có kẻ đã liều lĩnh đột nhập lấy đi cái chuông đồng nhỏ. Kẻ khác lại lấy đi cái kẻng, lư hương hay tượng đồng.
Nhưng có một điều lạ, những kẻ xâm phạm đền thiêng đánh cắp cổ vật đều bị quả báo. Kẻ thì chết bất đắc kỳ tử, kẻ khác lại phát điên phát dại. Các cổ vật theo những con đường nào đó lại tự nhiên trở về với đền. Nhiều người cho rằng, bởi sự anh linh của tướng quân Đoàn Nhữ Hài nên ngôi đền mới giữ được trọn vẹn như ngày nay.
Ở địa phương, cũng không ít người xâm phạm đến đền hoặc có những lời phỉ báng đều bị quả báo. Có người mất của lên đền thắp hương cầu khấn đều tìm lại được. Chẳng biết thật hư câu chuyện thế nào, cứ mười đồn trăm rồi ngôi đền lại trở thành nơi “tìm của” và cầu tự với những vợ chồng hiếm muộn
Theo ông Thắng: “Chúng tôi không mê tín nhưng những hiện tượng lạ mà những người có liên quan đến các sự việc ở đền Cửa Rào đều rất ly kỳ. Nhân dân cũng coi đây là chốn tâm linh nên thường xuyên đến thắp hương, cầu khấn”.
Danh thắng đệ nhất xứ Nghệ
Theo ông Vi Tân Hợi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương: “Đền Cửa Rào có giá trị văn hoá - lịch sử và kiến trúc rất lớn. Đền kiến trúc theo lối chữ Nhị gồm nhà bái đường ba gian hai hồi. Đầu hồi hình rồng phượng ngậm dải lụa đang vỗ cánh bay lên. Đền cũng được các thiền sư và người dân đánh giá là linh thiêng bậc nhất Nghệ An”.
Lịch sử cũng ghi nhận đền Cửa Rào là nơi chứng kiện nhiều sự kiện quan trọng trong công cuộc bảo vệ lãnh thổ dân tộc. Đền được coi là địa bàn xung yếu, diễn ra những cuộc giao tranh. Tại đây, chiến công của Lý Nhật Quang thời nhà Lý đã mở con đường lên sát biên giới Việt Lào (tiền thân của quốc lộ 7 hiện nay) để đánh tan quân Ai Lao.
Thời nhà Trần, tướng quân Đoàn Nhữ Hài thân chinh đánh dẹp Ai Lao và hy sinh tại ngã ba sông. Ông trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu chống giặc ở miền Tây xứ Nghệ. Vì vậy, để tưởng nhớ công lao của tướng Đoàn Nhữ Hài, tỉnh Nghệ An đều tổ chức lễ hội vào ngày 20, 21 và 22 tháng Giêng hàng năm.
“Sự linh thiêng của đền Cửa Rào đã đi vào huyền thoại. Nhân dân khắp trong Nam ngoài Bắc đều đến lễ lạt hàng năm. Đó cũng là một cách để tưởng nhớ công lao của các anh hùng dân tộc trong quá trình dựng nước và giữ nước”, ông Nguyễn Thắng - Ban Quản lý di tích đền Cửa Rào.
An Ninh Thủ Đô
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo