Coi chừng “chạy” trong bỏ phiếu tín nhiệm!
"Vế sau phải coi chừng là chạy đi vận động, mà vận động ở đây là vận động nháy nháy, móc ngoặc với nhau, được anh được tôi. Đó là chuyện không lành mạnh” - Đây là cảnh báo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi tiếp công dân ở Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh sáng 15-12.
Không dân chủ kiểu giả dối
Lời cảnh báo này của Chủ tịch nước xuất phát từ những âu lo của nhiều cử tri về vấn đề trách nhiệm của những người đứng đầu. Ông Nguyễn Linh - cử tri P.4, Q.3 - bày tỏ với Chủ tịch nước: “Nhiều bộ trưởng trước Quốc hội nhận lỗi, nhưng khi hỏi sẽ giải quyết khắc phục thế nào lại nói “phải cả hệ thống chính trị vào cuộc”. Như vậy thì trách nhiệm của cá nhân ở đâu, sao cứ ỷ lại vào hệ thống chính trị”.
"Nếu mình cứ thụ động, chỉ trách cứ không mà không làm gì thì mọi thứ sẽ xấu đi. Phải hết sức mạnh dạn suy nghĩ, hiến kế, đề xuất hết sức thẳng thắn đầy trách nhiệm, không nên e dè" (Chủ tịch nước Trương Tấn Sang)
Chia sẻ nỗi lo lắng này, Chủ tịch nước cho rằng sẽ không có kiểu nhận trách nhiệm chung chung, đổ qua đổ lại nữa mà sẽ làm rõ lời hứa, việc sửa sai của từng cá nhân đã đến đâu. Trách nhiệm, uy tín ấy của cá nhân sẽ được làm rõ qua việc bỏ phiếu tín nhiệm. Ông trấn an bà con bằng lời chân thành: “Tôi cũng nhức đầu lắm. Nhưng lần này đã đổi mới tư duy tức là để dân có ý kiến trước (Quốc hội bỏ phiếu - NV), Đảng có ý kiến sau”. Theo Chủ tịch nước, nếu Đảng “có ý kiến” trước thì sẽ khó cho Nhà nước, khó cho đại biểu. “Rồi sẽ có người nói Đảng có ý kiến như thế này các vị đại biểu nên chú ý... thì lại thất bại nữa” - Chủ tịch nước nói. Chủ tịch nước khẳng định sẽ kiểm soát chặt chẽ trong quá trình lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm để việc làm này thực chất thật sự.
Đề cập việc bầu cử, Chủ tịch nước nói phải dẹp kiểu bầu cử “dân chủ giả dối”. “Gợi ý, kiểu số 1, số 3, số 5 đậu nhé. Thôi tiêu nữa rồi, bầu chi nữa, dẹp đi cho khỏi tốn tiền của của nhân dân. Đó là loại dân chủ giả dối, mà dân trước sau người ta cũng phiền” - Chủ tịch nước khẳng định. Ông nói bầu cử, bỏ phiếu kiểu đó chỉ làm dân nghi ngờ, còn người thất cử thì bức bối vì không công bằng. Tự nhiên tạo sóng gió trong nội bộ mình, đất nước mình.
Đề cập vấn đề kiểm điểm theo nghị quyết trung ương 4, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói nghị quyết đã chỉ ra có nhiều vụ việc trong những năm gần đây xử lý chưa triệt để, đầu voi đuôi chuột nên chắc chắn sẽ phải đưa ra vài vụ nổi bật, làm triệt để cho lòng dân được yên. “Phải cố gắng làm thế nào để có chuyển biến trong nhiệm kỳ, để các kỳ sau tiếp tục. Chứ không thôi thế này thì lòng dân không yên thực sự. Mấy ông kẹ sai phạm cứ mang ra mà trị, chứ thế này không được đâu, cứ dung dưỡng nhau là chết” - Chủ tịch nước khẳng định.
Không ai xây đất nước thay mình
Hai cử tri Phạm Thị Nga ở P.Bến Thành (Q.1) và Lê Trọng Nhường ở P.8 (Q.4) đã dành rất nhiều thời gian để bày tỏ với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhiều vấn đề khúc mắc trong hệ thống pháp luật, kinh tế tụt dốc và bức xúc về bộ máy công quyền. Chia sẻ nỗi ưu tư này, Chủ tịch nước nói: “Người ta chỉ mất 25, 30 năm là xong công nghiệp hóa rồi, còn mình bằng ấy thời gian vẫn chưa ăn thua gì”.
Câu chuyện thời sự và gần gũi nhất được Chủ tịch nước viện dẫn chính là hình ảnh về đất nước Myanmar sau chuyến thăm chính thức đầu tháng 12 vừa qua. “Họ cũng còn dè dặt như mình thời mới mở cửa... Nhưng đường sá người ta ngon lành. Nguồn nhân lực người ta cũng khá tốt, đa số đều giỏi tiếng Anh. Ruộng đồng của người ta gấp đôi gấp ba lần mình. Phải nói rằng sự chuẩn bị của người ta ghê gớm. Họ sẽ hoàn toàn thay đổi, sẽ rất là nhanh, rất là nhanh!” - Chủ tịch nước thông tin. Rồi dùng ngay hình ảnh người láng giềng Trung Quốc với chỉ tiêu GDP đầu người năm 2020 được hướng đến là 11.000 USD/năm, Chủ tịch nước muốn người dân nhìn vào thực tế: “Lúc bây giờ loay hoay GDP của mình cũng mới gần 3.000 USD, khó ăn khó nói lắm. Mà cái này đâu có giấu giếm gì được”.
Kết lại những thông tin ấy, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng đang có một cuộc chạy đua về xây dựng đất nước rất ghê gớm, mà nếu đất nước vẫn cứ loay hoay thì rất gay go. “Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mình thì mình làm. Không ai vào đây để xây dựng Đảng mình, chế độ mình đâu. Nếu người ta vào, cùng lắm là những lời hữu nghị người ta nói vài câu rồi về...” - Chủ tịch nước nhắc nhở.
Kiểm tra việc chạy huân chương, đánh bóng danh hiệu
Đây là báo cáo của ông Huỳnh Thành Lập - trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh - với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, sau khi có nhiều ý kiến cử tri phản ảnh tình trạng chạy huân chương, chạy danh hiệu anh hùng lao động để đánh bóng danh hiệu, thậm chí là chạy chức, chạy quyền. Việc này đã được Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tập hợp báo cáo bằng văn bản trước kỳ họp vừa qua.
Tại buổi tiếp dân, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã giao Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân quận 4 giải quyết nhanh và báo cáo với Chủ tịch nước các vấn đề khiếu nại, các tiêu cực trong cơ quan tố tụng và những phản ảnh mà người dân trình bày. Chủ tịch nước cũng hứa sẽ yêu cầu các cơ quan chức năng giải quyết sớm những vướng mắc về chế độ cho các thương binh bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam trong chiến tranh; truy tặng danh hiệu và có chế độ xứng đáng cho những người có công lao trong chiến tranh nhưng đã qua đời hoặc hi sinh.
Hồng Lĩnh (Theo Tuổi Trẻ)
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất