Cơn bão ma túy ở “ốc đảo” Kẻ Nính: "Ốc đảo" tiêu điều vì ma túy
Bản Kẻ Nính thuộc xã Châu Hạnh, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đã và đang bị “hành hạ” bởi cơn lốc đào đãi vàng, đá đỏ, ma túy và căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS. Kẻ Nính ngày càng thêm quằn quại, đói nghèo bởi có đến hàng trăm người nghiện ma túy, gần 150 người bị nhiễm HIV, trong đó có 50 người đã chết. Đau đớn thay, những con số kinh hoàng này vẫn chưa dừng lại. Hơn bao giờ hết, Kẻ Nính đang cần sự vào cuộc chung tay giúp sức của cộng đồng xã hội, các cấp chính quyền địa phương....
Vào mùa mưa lũ, mọi con đường vào Kẻ Nính bị cắt đứt, người dân phải tự cung, tự cấp trong nhiều tuần liền. Vì vậy nhiều người thường gọi vùng đất nằm bên phía tả ngạn sông Hiếu này là “ốc đảo” Kẻ Nính.
Miền đất hứa của vàng, đá đỏ
Huyện lỵ Quỳ Châu những ngày đầu tháng 4 nắng rát cháy mặt. Đi đến cầu Kẻ Bọn nằm trên quốc lộ 48, thuộc thị trấn Tân Lạc, chúng tôi hỏi đường về bản Kẻ Nính. Thoạt đầu, ai cũng nhìn những vị khách lạ một lượt từ đầu tới chân với ánh mắt tò mò, ái ngại. Bản Kẻ Nính có 348 hộ với 1.480 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào người Thái, quần tụ bên một vùng đất thơ mộng nằm dọc sông Hiếu.
Năm 2011, bản này được chia thành 4 bản là Kẻ Nính, Tà Cộ, Pà Cọ và Định Tiến, tuy nhiên người dân nơi đây vẫn quen gọi chung là bản Kẻ Nính. Nếu tính theo đường chim bay, bản Kẻ Nính chỉ cách quốc lộ 48, thị trấn Tân Lạc chừng vài cây số. Nhưng do chưa có cầu nên người dân phải đi đường vòng, mất cả hơn chục cây số đường sỏi đá gập ghềnh, khúc khuỷu.
Đã có dịp về nhiều vùng đất của miền tây Nghệ An với những cung đường gập ghềnh, hiểm trở, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, nhưng cảm giác trong tôi khi đặt chân đến Kẻ Nính sao thấy hụt hẫng, xót xa đến lạ.
Cái nghèo khó, khắc khổ hiện lên trên từng mái nhà dột nát, nét mặt buồn thảm của người dân, những đứa trẻ đen nhẻm, gầy gò lầm lụi giữa trưa nắng. Lâu lâu, đi chừng vài trăm mét, lại bắt gặp vài tốp thanh niên với ánh mắt lờ đờ, ngồi vật vạ hút thuốc, tán gẫu bên vệ đường.
Trong ngõ, ngoài đường ngập tràn rác như cả năm chưa được quét dọn một lần. Không khí trầm uất, lạnh lẽo, đâu đó sau cánh cửa khép hờ, tiếng rên rỉ bởi bệnh tật vọng ra buồn đến nao lòng.
Những thập niên 80, 90 của thế kỷ trước, Kẻ Nính và những vùng lân cận được người ta biết đến như “miền đất hứa” bởi có vàng, đá đỏ, rừng gỗ lim bạt ngàn. Hàng vạn người từ khắp mọi miền đất nước rầm rập đổ về đây tìm vận may. Những tên tội phạm, các tay giang hồ bị công an truy đuổi hay thất thế, sa cơ lỡ vận cũng kéo về đây trú ẩn, tìm cơ hội làm giàu. Và cũng chính từ đây, miền quê bao đời yên bình bỗng trở thành vùng đất dữ với bao tệ nạn, đặc biệt là ma túy và căn bệnh thế kỷ HIV hoành hành.
Dẫn tôi đi quanh làng, ánh mắt trưởng bản Bùi Văn Yến buồn rười rượi, giọng ông khản đặc, chua xót và đầy đau thương.
Trong ký ức của ông và những người già trong bản, Kẻ Nính xưa là một vùng đất phì nhiêu, thơ mộng với con sông Hiếu uốn lượn, ôm ấp bản làng. Mặc dù đời sống người dân còn khó khăn, chủ yếu dựa vào cây ngô, cây sắn, nhưng bản làng lúc nào cũng rộn ràng tiếng cười, gia đình trong ấm ngoài êm, con cháu thuận hòa.
Thế rồi với cơn lốc vàng, đá đỏ và khai thác gỗ lim, người dân khắp nơi kéo về tìm kiếm, đào đãi, chặt phá, gieo rắc cái chết trắng và căn bệnh thế kỷ.
“Đàn ông, đàn bà, thanh thiếu niên trai tráng trong bản rủ nhau đi làm thuê cho các chủ bãi vàng, đá đỏ, các đầu nậu khai thác gỗ quý trong rừng sâu. Thế rồi bị dụ dỗ, mua chuộc, họ nghiện ngập lúc nào không hay. Ban đầu chỉ vài ba người nghiện, nhưng càng ngày con số này càng tăng lên nhanh chóng. Đỉnh điểm nhất là vào những năm cuối thập kỷ 90, Kẻ Nính có hàng trăm người nghiện ma túy.
Nhưng khốn khổ hơn nữa là người ta không chỉ chết vì ma túy, mà còn chết vì lây nhiễm căn bệnh kinh hoàng HIV. Năm nào, tháng nào cũng có người chết, đặc biệt có tuần 3 thanh niên trai trẻ lần lượt qua đời vì căn bệnh thế kỷ”, ông Yến buồn rầu kể.
Những thảm kịch gia đình
Giữa trưa, trời mưa lất phất, chúng tôi ghé vào nhà ông Lim Văn Huế. Chưa kịp vào nhà đã nghe tiếng ho sù sụ của anh Lim Văn Tương - con ông Huế. Căn nhà bề bộn, nghèo nàn, bộ bàn ghế cọc cạch, xiêu vẹo lâu ngày không được quét dọn nên bụi phủi đầy. Trong nhà chẳng có một vật dụng gì đáng giá, cái nghèo khó, khổ đau thể hiện trên từng nếp nhăn của gia chủ. Có lẽ ở bản Kẻ Nính, nhà ông Huế được xem là một trong những gia đình đau thương, bi kịch nhất do “cơn lốc” ma túy quét qua.
Nhà ông có tất cả 5 người con trai, 3 người nghiện ma túy rồi nhiễm HIV đã chết, hai người còn lại thì đang trong giai đoạn ngắc ngoải. Nỗi đau và sự tuyệt vọng tột cùng đang đè nặng lên đôi vai gầy yếu, bệnh tật của đôi vợ chồng già. Nhiều lúc ông bà muốn chết quách đi cho xong, nhưng có lẽ vì con cháu, họ lại không cho phép mình làm thế. Trò chuyện với khách, ông Huế nấc nghẹn không nói thành lời, giọt nước mắt ứa ra trên gương mặt hốc hác, còm cõi.
Khi các chủ bãi vàng, đá đỏ về bản tìm người làm thuê, anh Vi Văn Nhất và một số thanh niên trong bản gật đầu đi theo. Lúc đầu, tiền làm ra cũng khá nhiều, anh Nhất gửi về nuôi vợ con. Nhưng rồi do đua đòi ăn chơi theo bạn bè, anh Nhất nghiện ma túy lúc nào không hay. Tiền làm ra bao nhiêu, anh đều cống hết cho “nàng tiên nâu”, bỏ mặc vợ con trong đói khổ.
Khi các chủ bãi vàng rút đi, cũng là lúc anh Nhất với thân tàn ma dại trở về bản Kẻ Nính và gia đình. Nhưng đau đớn hơn, trong quá trình tiêm chích ma túy, anh Nhất đã bị dính HIV và lây sang người vợ tội nghiệp.
Anh Nhất chết, vài năm sau người vợ cũng “đi” theo, bỏ lại hai đứa con thơ dại. Giờ đây, trong căn nhà ẩm thấp, dột nát, hai đứa trẻ mồ côi cha mẹ tự nuôi nấng, chăm sóc nhau. Mấy năm nay, cháu Vi Văn Sơn phải bỏ học dở chừng, đi làm thuê, làm mướn lấy tiền nuôi em gái ăn học.
Trò chuyện với chúng tôi, Sơn buồn rầu cho biết: “Khi bố mẹ mới chết em buồn lắm, chẳng thiết sống nữa. Nhưng phận bậc anh, còn em gái nên mình phải sống, làm lụng mà nuôi nó ăn học cho thành người”. Nhìn hoàn cảnh bi kịch của hai đứa trẻ, chẳng ai cầm được lòng.
Với gia đình anh Vi Văn Tiên (SN 1983) thảm kịch lại càng khủng khiếp hơn. Năm 2011, vợ chồng anh Tiên đi làm ăn xa, để hai con cho cho ông bà nội chăm sóc. Do bị ốm nên mẹ anh Tiên là bà Lương Thị Hoa lên rừng hái lá thuốc về uống. Do hái phải lá độc nên khi uống vào cả nhà bị ngộ độc nghiêm trọng. Mặc dù được dân bản đưa đi cấp cứu nhưng vợ chồng bà Hoa và đứa con trai Vi Văn Tiến 21 tháng tuổi của anh Tiên bị chết.
Sau một thời gian đi làm ăn xa, anh Tiên cũng nghiện ngập ma túy rồi “dính” HIV và lây sang người vợ tội nghiệp của mình. Chưa dừng lại ở đó, em trai anh Tiên là Vi Văn Phong cũng nghiện ma túy, nhiễm HIV đang trong giai đoạn cuối. Một gia đình có 7 thành viên thì 3 người đã chết vì ngộ độc, 3 người đang ngắc ngoải vì căn bệnh HIV, còn hai cháu gái 3 tuổi không ai biết rồi đây tương lai sẽ thế nào.
Những người chết vì ma túy, HIV ở Kẻ Nính còn rất trẻ, đa số dưới 30 tuổi, có nhiều em chưa sống hết tuổi thanh xuân đã “rủ nhau” về cõi thiên thu. Giọng trầm buồn, ông Yến cho tôi hay: “Trong số gần 50 người đã chết vì HIV những năm qua ở Kẻ Nính, chỉ có 4 người ngoài 40 tuổi, còn lại là trên dưới 25 tuổi, đặc biệt có 3 trường hợp chưa đầy 20 tuổi. Những người nghiện ma túy và chết vì HIV ngày càng trẻ, thế mới đau đớn”.
Còn ông Lim Văn Hiếu - một người già ở Kẻ Nính khẳng định chắc nịch với tôi: “Cái lứa tuổi từ 20-30 ở bản Kẻ Nính hầu hết không biết chữ, chẳng nghề nghiệp ổn định nên nhiều đứa dính líu, liên quan đến ma túy. Đứa không nghiện ngập thì buôn bán, có khi vừa nghiện vừa bán ma túy để có thuốc hút, chích; có đứa nhiễm HIV đã chết, đứa thì đang trong giai đoạn ngắc ngoải, phải uống thuốc cầm hơi. Lớp trẻ Kẻ Nính đang tàn lụi, chết dần chết mòn vì thứ chất cực độc và căn bệnh HIV”.
Báo Lao Động
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo