Con đường cứu nền nông nghiệp Việt Nam chỉ có liên kết
Nhìn vào báo cáo toàn cảnh kinh tế quý I 2015, trong khi nhiều ngành có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây thì nền nông nghiệp lại có dấu hiệu chững lại. Thậm chí gần đây càng nhận được sự quan tâm của các bộ ngành và người dân cả nước khi liên tục đón nhận những thông tin xấu.
Người dân nhắm mắt đưa chân
Nông nghiệp mất đà tăng, nhiều người đổ lỗi một phần cho thời tiết, người dân sản xuất ồ ạt không theo quy định hay bị lép về trước mặt hàng của các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan... Nhưng quan trọng hơn hết là thị trường đầu ra không được xác định rõ ràng khiến người nông dân như phải “bịt mắt bắn liều”.
Cũng phải thừa nhận năm nay người dân không nhận được sử ủng hộ của thời tiết khi dưa Quảng Ngãi bị ngập nước, Tây Nguyên lại hạn hán. Thêm vào đó là những thị trường nhập siêu nông sản nước ta gây khó khăn trong việc nhập khẩu khiến nông sản bị hỏng ( khâu bảo quản và kiểm định chất lượng còn nhiều hạn chế).
Nói như vậy cũng không thể phủ nhận những bước phát triển của nền nông nghiệp trong nhiều năm trở lại đây. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm nào tốc độ tăng trưởng cũng có xu hướng tăng, liên tục xuất siêu, nhiều thị trường quốc tế được mở ra, sản lượng không ngừng tăng lên.
Quay lại với thực trạng nông sản nước nhà đang không tìm được hướng đi thống nhất, đầu ra ổn định. Hàng hóa sản xuất tràn lan, dư thừa nhưng không xuất khẩu được ra nước ngoài, mức tiêu thụ thị trường trong nước cũng có giới hạn. Không thể suốt ngày làm từ thiện như dưa hấu, hành tím vừa rồi.
Nhưng cũng không thể bắt người dân ngừng hay hạn chế sản xuất trong khi tư liệu hoàn toàn cho phép. Vẫn có nhiều thị trường trên thế giới, thậm chí ngay ở trong nước còn thiếu mặt hàng nông sản mà nước ta tạo ra.
Liên kết tiêu thụ giúp nông sản phát triển bền vững
Vấn đề cốt yếu ở đây, ai là người sẽ mở rộng thị trường? Ai sẽ nhận bao tiêu sản phẩm cho người dân? Ai sẽ tạo ra chuỗi cung ứng nông sản giúp người dân yên tâm sản xuất. Một mình ngành nông nghiệp không thể làm được điều này mà cần sự chung tay của nhiều bên liên quan để tạo ra một hệ thống liên kết từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ.
Dĩ nhiên, đơn vị chủ chốt vẫn là ngành nông nghiệp và người trực tiếp làm ra sản phẩm. Về lâu dài, toàn ngành cần có định hướng thay đổi cơ cấu, chuyển từ cái người dân mình có sang cung ứng cái thế giới cần, từ những nông sản dễ sản xuất sang những mặt hàng có tính cạnh tranh cao.
Bộ Công thương đã xúc tiến việc này khá mạnh mẽ nhưng lẽ ra họ đã phải làm từ nhiều năm trước. Vì đây là một tầm nhìn dài hạn, cần nhiều năm để gây dựng thị trường và thay đổi được lỗi suy nghĩ của người dân.
Nhưng trong môi trường cạnh tranh hiện nay, việc hiện thực hóa tái cơ cấu nền nông nghiệp không thể một sớm một chiều có thể xong được ngay. Vừa xúc tiến thương mại mở rộng thị trường vừa áp dụng quy trình khoa học công nghệ vào sản xuất đạt tiêu chuẩn, lại thay đổi được cách thức tổ chức sản xuất đều là những quá trình lâu dài và phức tạp.
Các vấn đề như áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hay thành lập các quy mô tập thể đã từng bước được thực hiện. Tuy nhiên, việc tìm hiểu thị trường ( nhu cầu, sức mua, giá, cách thức giao thương…) thì lại thiếu thông tin, thiếu sự chuyên nghiệp vô cùng.
Một chuyện hết sức cơ bản trong kinh doanh là tìm hiểu thị trường mà vẫn chưa có một cơ quan chuyên môn nào đứng ra đảm nhận để thông tin về cho nông dân, doanh nghiệp định hướng, ổn định, bảo vệ và phát triển thị trường.
Nông nghiệp Việt Nam tuy rằng đang trong giai đoạn khó khăn nhưng không phải xuống dốc tồi tệ. Người nông dân, xã hội và cơ quan quản lý đang tích cực tìm ra những giải pháp tích cực để phát triển nông nghiệp một cách lâu dài.
End of content
Không có tin nào tiếp theo