Công chức làm sai, Nhà nước phải bồi thường hơn 8,7 tỷ đồng
Đây là thông tin ông Trần Tiến Dũng, Chánh văn phòng Bộ Tư pháp cho biết tại buổi họp báo về Công tác tư pháp quí III năm 2014 ngày 16/10.
Theo đó, về công tác bồi thường nhà nước, tính từ đầu năm tới nay, cả nước đã thụ lý, giải quyết 94 vụ việc (trong đó có 45 vụ việc thụ lý mới), tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm 2013, đã giải quyết xong 53/94 vụ việc, với số tiền Nhà nước phải bồi thường hơn 8,7 tỷ đồng. Do quy định hiện hành còn nhiều thủ tục nên số tiền công chức hoàn trả Nhà nước mà Nhà nước đã bồi thường cho tổ chức, người dân do việc công chức làm sai vẫn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 504 triệu đồng.
Cũng tại buổi họp báo, ông Dũng cho biết: Trong 9 tháng đầu năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã ban hành 103/124 văn bản qui định chi tiết thi hành 41 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực, còn nợ 22 văn bản tương đương 17,7%. Đây là tỷ lệ nợ văn bản thấp nhất so với cùng kỳ các năm.
Còn theo ông Đồng Ngọc Ba, Phó Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp, trong thời gian qua Bộ đã kiểm tra 1.746 văn bản Luật, phát hiện 561 văn bản có dấu hiệu vi phạm căn cứ pháp lý, thẩm quyền ban hành, thể thức trình bày, nội dung văn bản. Trong đó tỷ lệ vi phạm về nội dung là 113 văn bản, chiếm tỷ lệ 6%, thấp hơn bình quân các năm trước.
Lấy thí dụ địa phương có sai sót về việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật thu hút sự chú ý của dư luận là vừa qua lãnh đạo của hai tỉnh Nghệ An và Quảng Nam đã gửi công văn đề nghị các cấp, ngành trong tỉnh tiêu thụ sản phẩm bia và xi măng của các doanh nghiệp địa phương, điều này vi phạm các quy định về tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân. Về việc này, ông Trần Tiến Dũng cho biết Bộ Tư pháp đã có văn bản nhắc nhở hai địa phương về các công văn vi phạm này. Còn thông tin về trường hợp Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đề nghị cấp bò giống cho nông dân của tỉnh Quảng Ninh với điều kiện phải tiêu thụ sim điện thoại của hãng này, ông Dũng cho hay Bộ Tư pháp đang xác minh lại.
Về dự thảo Luật Hộ tịch, ông Nguyễn Công Khanh, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc Tịch, chứng thực Bộ Tư pháp cho biết nếu Luật Hộ tịch được thông qua trong kỳ họp Quốc hội tới thì thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa từ 46 xuống 25 thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.
Ông cũng cho biết quan điểm của Chính phủ và Bộ Tư pháp là tiếp tục cấp Giấy khai sinh cho trẻ em thay vì cấp Thẻ căn cước là cần thiết, phù hợp với Công ước quốc tế về quyền trẻ em. Việc cấp Thẻ căn cước công dân chỉ nên thực hiện với người đủ 14 tuổi trở lên. Vì từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi, các đặc điểm nhận dạng của trẻ em chưa ổn định, trong khi các đặc điểm gốc tích của trẻ em chủ yếu là các thông tin về khai sinh. Việc bỏ cấp Giấy khai sinh và thay bằng cấp Thẻ căn cước công dân cho trẻ em dưới 14 tuổi sẽ gây khó khăn cho chính công dân Việt Nam khi có những giao dịch cần chứng minh thông tin về khai sinh tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài.
Hơn nữa, theo pháp luật Việt Nam, từ đủ 14 tuổi là độ tuổi bắt đầu chịu trách nhiệm hình sự. Do vậy, cấp Thẻ căn cước công dân cho người từ đủ 14 tuổi trở lên như cấp Chứng minh nhân dân hiện nay là phù hợp./.
Hoàng Tuấn
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo