Phân tích

Cộng đồng ASEAN: Vận hội mới của Việt Nam!

(DNVN) - "Có thể nói, cộng đồng ASEAN có thể đem lại cơ hội trước mắt cũng như lâu dài... cơ hội rất lớn nếu như biết tận dụng bởi vì cơ hội với chúng ta có thể là thách thức với các nước và ngược lại", đây là nhận định của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh được đưa ra trong chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời, số đầu tiên của năm mới 2016, ngày 3/1.

Tận dụng cơ hội là cách vượt thách thức

 Chia sẻ về những cơ hội và thách thức đối với người dân, doanh nghiệp, sau khi Cộng đồng chung ASEAN, đặc biệt là Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã chính thức hình thành, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, thuận lợi lớn nhất mà Cộng đồng đem lại cho người dân là tạo ra môi trường hòa bình, ổn định, tạo ra một khu vực kinh tế, thương mại chung và một cơ sở sản xuất chung. Có nghĩa là người dân với tư cách là người sản xuất hay người tiêu thụ đều có thể có được lợi thế từ một thị trường chung của 625 triệu người dân với tổng sản phẩm GDP là 2.600 tỷ USD hàng năm. 

Theo người đứng đầu Bộ Ngoại giao, thuận lợi lớn nhất là hàng hóa được lưu thông. Người sản xuất cũng đã được mở ra một thị trường rất rộng lớn. Người tiêu dùng cũng được hưởng thụ hàng hóa với giá cả hợp lý hơn bởi vì trong ASEAN tạo ra tự do lưu thông hàng hóa thông qua việc gỡ bỏ gần như hoàn toàn thuế quan. 

Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Cho đến năm 2015, các dòng thuế quan gần như xuống đến từ 0-5%. Các thủ tục cũng thuận lợi hơn cho hàng hóa lưu thông, ví dụ như hài hòa hóa về hải quan, tạo ra cơ sở đánh giá chất lượng sản phẩm thông quan cùng cơ chế tự động chứng nhận xuất xứ. Hay tự do về vấn đề dịch vụ tài chính, lao động, cam kết của các nước ASEAN tạo ra cơ hội việc làm cho lao động có tay nghề.

Đây là khu vực kinh tế chung, như vậy nước nào, người dân, doanh nghiệp nào có khả năng cạnh tranh sẽ mở rộng được sản xuất và người dân có được sự lựa chọn hàng hóa rộng rãi hơn. 

Về vấn đề văn hóa, y tế, người dân cũng được đảm bảo mức độ bảo vệ về y tế cao hơn do có các tiêu chuẩn chung về vấn đề bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Giáo dục cũng có những tiêu chuẩn cao hơn. Như vậy, người dân có thể cảm nhận được những lợi ích từ cộng đồng ASEAN mang lại.

Cơ hội lớn nhưng thách thức cũng rất nhiều. Những người dân, doanh nghiệp nào tận dụng được cơ hội từ cộng đồng ASEAN mang lại thì sẽ thụ hưởng được những thuận lợi đó của ASEAN. Nhưng nếu không tranh thủ được cơ hội sẽ gặp thách thức rất nhiều, vì sự cạnh tranh sẽ quyết liệt hơn do không chỉ còn trong 90 triệu cư dân Việt Nam, mà đây là cả một cộng đồng 625 triệu người dân. 

Có thể nói, cộng đồng ASEAN có thể đem lại cơ hội trước mắt cũng như lâu dài. Việc của chúng ta là làm sao để người dân hưởng thụ được hết lợi ích của cộng đồng mang lại. Đó là mục tiêu của các nhà lãnh đạo ASEAN khi xây dựng một cộng đồng hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm.

 

Cơ hội rất lớn nếu như biết tận dụng bởi vì cơ hội với chúng ta có thể là thách thức với các nước và ngược lại. Ví dụ trong vấn đề tìm việc làm, những người có tay nghề cao có cơ hội đi làm việc tại các nước ASEAN, nhưng đồng thời các doanh nghiệp của Việt Nam, các cơ sở của Việt Nam cũng có thể tuyển dụng lao động có tay nghề cao từ các nước khác đến, như vậy sẽ tác động đến công ăn việc làm của những người trong lĩnh vực đó ở Việt Nam.

Đánh giá về việc người dân và doanh nghiệp chúng ta đã sẵn sàng như thế nào để đón nhận những cơ hội và thách thức từ Cộng đồng ASEAN, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, chúng ta gia nhập ASEAN từ năm 1995 nhưng ngay năm 1998 chúng ta đã thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ do một Phó Thủ tướng đứng đầu để bắt đầu triển khai quá trình xây dựng cộng đồng ASEAN. Điều này nói lên quyết tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ chúng ta trong việc tham gia xây dựng Cộng đồng. Nhưng vấn đề rất lớn là những người thụ hưởng là người dân và doanh nghiệp hiện nay chưa nhận thức được đầy đủ về cộng đồng ASEAN. 

"Điều này sẽ tạo ra những thách thức rất lớn nếu như chúng ta không nhận thức được những cơ hội của Cộng đồng ASEAN mang lại thì chúng ta sẽ mất đi cơ hội đó và sẽ phải đối mặt với thách thức nhiều hơn", người đứng đầu Bộ Ngoại giao cho hay.

Doanh nghiệp không bị tác động là sai lầm

Đánh giá về con số thống kê hơn 63% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng mình không bị tác động nhiều khi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức được thành lập mới đây, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, đó là con số rất đáng lo ngại. 

 

"Bởi Cộng đồng ASEAN như chúng ta biết là đã thành hiện thực cách đây 3 ngày. Như vậy, tất cả cam kết của các nước đối với việc xây dựng Cộng đồng ASEAN đều đang được thực hiện. Nếu như chúng ta không nhận thức được thì điều đó hết sức đáng báo động, bởi chúng ta sống trong một cộng đồng ASEAN, các nước, doanh nghiệp của các nước trong ASEAN hết sức tận dụng cơ hội, vì đây là thị trường rất lớn và các cam kết trong ASEAN là làm sao tăng cường thương mại, đầu tư trong nội khối ASEAN", vẫn lời Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh.

Cũng theo vị Bộ trưởng này, nếu như doanh nghiệp của các nước trong ASEAN mà tận dụng được cơ hội đó sẽ tạo ra cạnh tranh rất lớn đối với doanh nghiệp của chúng ta, và doanh nghiệp của chúng ta không những không mở rộng sản xuất, không mở rộng thương mại với các nước trong cộng đồng ASEAN, mà ngược lại sẽ bị thách thức ngay trên đất nước của chúng ta.

Nói về công tác bảo hộ công dân của chúng ta trước khi Cộng đồng ASEAN ra đời, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, trong năm 2015, để tăng cường thêm công tác bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao đã thiết lập một đường dây nóng hoạt động 24/24h để lắng nghe, liên lạc với công dân có vấn đề, sự cố khi ở nước ngoài. 

Vị Bộ trưởng cũng cho biết, trong năm 2015, đường dây này đã tiếp nhận 6.700 cuộc gọi, đáp ứng rất tốt cho công dân của chúng ta không chỉ ở nước ngoài, mà ở cả trong nước cũng có thể liên lạc. Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng được yêu cầu trực 24/24h để bảo hộ ngay công dân khi cần thiết.

Một lĩnh vực nữa trong bảo hộ công dân là bảo hộ ngư dân. Trong các năm qua, ngư dân của chúng ta ra ngoài cũng cần có sự bảo hộ của Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện do có thể vi phạm các luật lệ, vi phạm vùng nước đánh cá ở một số nước và bị bắt. 

 

"Trong năm 2015, chúng ta đã giải quyết 200 tàu và 1.471 ngư dân và đã hỗ trợ, giải quyết đưa ngư dân ở nhiều nơi về đất nước. Trách nhiệm chung là bất cứ trường hợp nào, công dân ta yêu cầu được bảo hộ thì các cơ quan đại diện đều cử cán bộ đến hỗ trợ giải quyết", vẫn lời vị Bộ trưởng.

Trả lời về công tác đối ngoại đã hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp hội nhập, Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chia sẻ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện ở nước ngoài đã tích cực hỗ trợ, luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, các tỉnh, thành phố trong việc mở rộng quan hệ với các đối tác, các nước, thông qua các diễn đàn về đầu tư, diễn đàn thúc đẩy thương mại. 

Hiện nay các doanh nghiệp không chỉ sản xuất kinh doanh trong nước, mà đã mở rộng kinh doanh đầu tư ra nước ngoài, do đó rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài, nhất là khi gặp những vấn đề khó khăn phức tạp ở các nước thì các cơ quan đại diện ngoại giao đã hết sức hỗ trợ. 

Một trong những ví dụ điển hình là Bộ Ngoại giao hỗ trợ Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel đầu tư tại nhiều nước trên thế giới, trong đó có những nước ở châu Phi. Hoặc thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao đi các nước để giới thiệu các mặt hàng nông sản của Việt Nam như trái xoài vào Nhật Bản...

Trong thời gian tới, vị Bộ trưởng ngành ngoại giao cho biết sẽ tăng cường thúc đẩy quan hệ chính trị để tạo cơ sở, tiền đề thuận lợi cho phát triển quan hệ kinh tế, thương mại, tích cực khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, tích cực vận động nguồn hỗ trợ ODA cho Việt Nam cũng như tích cực thúc đẩy các nước mở rộng thị trường cho xuất khẩu của Việt Nam. 

 

Đồng thời, tích cực hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng cơ hội với các đối tác ở bên ngoài. Ngoài ra cũng sẽ tăng cường tuyên truyền về cộng đồng ASEAN để hướng doanh nghiệp, người dân đến một Cộng đồng kinh tế đang phát triển trong năm 2016.

Nên đọc
VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo