Thị trường

Cộng đồng doanh nghiệp đã sẵn sàng cho thay đổi?

(DNHN) - Ta nên hổ thẹn vì sự thiếu đầu tư để sản phẩm mang giá trị gia tăng cao đã khiến rất nhiều ngành nghề Việt Nam trở nên thụ động và chỉ tồn tại nhờ gia công.

“Những đặc điểm trì níu sự phát triển của một dân tộc: Thứ nhất, phải nói đến là sự thiếu hụt đạo đức. Người Việt Nam có thừa trí tuệ, khéo tay, nhưng bây giờ lại không coi đạo đức là điều kiện tiên quyết của cuộc sống.

 

Thứ hai, trong kinh doanh, người Việt hay bắt chước nhưng thiếu sáng tạo. Thấy người ta bán phở, mình cũng bán phở, tạo thành cả phố phở rồi cạnh tranh, giảm chất lượng, rồi suy yếu dẫn đến phá sản. Người Nhật cũng sao chép công nghệ nhưng không sao chép máy móc, khi nắm được tính năng họ liền sáng tạo, thêm tính năng, tiện ích, cải tiến không ngừng để biến cái cũ thành cái mới, biến công nghệ nước ngoài thành công nghệ Nhật.

 

Thứ ba, người Việt thiếu sự trì chí trong làm giàu, thích ăn xổi, ở thì, thích giàu xổi”. – Đó là những suy ngẫm mà GS. Nguyễn Chung Tú – một nhà khoa học có tiếng của Đại học Khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh đã đúc kết.

 

Chuyện của người Việt

 

Căn bệnh “bán thứ có sẵn” phải chăng là đặc điểm tư duy của người Việt? Không chỉ ngành du lịch mới “bán thứ mình có”. Việt Nam có hẳn một nền dịch vụ du lịch sao chép của các nước và địa phương nọ sao chép của địa phương kia, cho ra hàng loạt hành nhái “không có linh hồn”, chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên và kho tàng văn hóa cha ông để lại.

 

Tôi đã đến lò gốm lớn nhất miền Bắc là Bát Tràng và Phù Lãng, nơi số đô la thu về từ xuất khẩu đã biến ngôi làng truyền thống thành phố thị sầm uất. Nhưng các nghệ nhân gốm Phù Lãng đang làm gì với vốn liếng tinh hoa nghề cha truyền con nối? Tôi xem hàng nghìn con giống dân gian kiểu Nhật ở lò của nghệ nhân Vũ Hữu Nhung.

 

Ông Nhưng đã mở cửa hàng giới thiệu sản phấm gốm Nhung ở nhiều nơi trong nước, nhưng ngay ở làng ông, người Nhật đã đến với một chuỗi hoàn chỉnh từ thiết kế đến nghiên cứu thị trường, phân phối. Họ chỉ cần bàn tay điêu luyện và kĩ thuật nung của làng gốm Phù Lãng để gắn nhãn mác công ty Nhật. Từng nghe nhiều người bất bình thay cho gốm Việt, có kĩ thuật chế tác trình độ cao, nay gốm Phù Lãng lại mang mác Nhật!

 

Năm 2011, dù đạt doanh số xuất khẩu 13 tỉ USD, nhưng chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may Việt Nam có thể hiểu như sau: Thiết kế kiểu dáng ở New York, Lon don, vải sản xuất ở Trung Quốc, phụ liệu sản xuất tại Ấn Độ và sản xuất sản phẩm cuối cùng được thực hiện ở Việt Nam, là khâu được đánh giá tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất, chỉ đạt 5-8% tổng doanh thu. Khoảng 90% doanh nghiệp Việt nam tham gia chuỗi giá trị này dưới hình thức gia công.

 

Mô hình phát triển ngành dệt may kéo dài hơn một thập kỉ là hệ quả tất yếu của đặc tính không dám thay đổi, không sáng tạo ở từng doanh nghiệp đến toàn ngành.

 

Nền tảng cho một cộng đồng sáng tạo

 

Con cá tra ở niềm Tây Nam bộ năm nào cũng “ba chìm bảy nổi”. Trong bối cảnh ấy có một chuyện mới ở Tài Nguyên Seafood bởi công ty này đã vượt thoát khỏi sự cạnh tranh luôn tiềm ẩn rủi ro bằng sản phẩm cá tra giàu omega 3, một sản phẩm có lợi cho tim mạch, kiểm soát tiểu đường, ưng thư tiền liệt tuyến, được người tiêu dùng Châu Âu tìm kiếm.

 

Đây là kết quả của việc Tài Nguyên Seafood chủ động đưa chuyên gia vào nghiên cứu thức ăn nuôi cá để gia tăng hàm lượng omega 3 trong thịt cá tra. Lãnh đạo công ty cho biết tiếp cận một phương thức sản xuất mới, dù phải tăng chi phí 5% nhưng kết quả thu được đã tăng lợi nhuận lên 20%, so với sản phẩm cũ, và quan trọng hơn, đã khẳng định vị thế của con cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới.

 

Sẵn sàng thay đổi và kiên trì với cái mới là cách một doanh nghiệp cần có để thay đổi vị trí của mình trong chuỗi giá trị sản xuất. Những nhà nhập khẩu của Singapore, Dức, Hồng Kong đã phải chia sẻ lợi nhuận với Tài Nguyên Seafood bởi họ hiểu rõ xu hướng tiêu dùng hiện đại.

 

Sự năng động của doanh nghiệp này mang tính tự tin ở chỗ sẵn sàng chia sẻ kết quả nghiên cứu cho các đơn vị nuôi cá tra xuất khẩu, bởi vì người lãnh đạo công ty hiểu rằng, thương hiệu cá tra Việt Nam chất lượng cao mới là cái nôi phát triển bền vững cho từng doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

 

Chuyện cá tra giàu omega 3 ở đồng bằng sông Cửu Long cho thấy, nếu sự năng động chỉ xuất hiện ở từng cá nhân đơn lẻ hay ở một doanh nghiệp thì cũng chưa đem lại tác động đáng kể. Chúng ta cần một cộng đồng năng động, luôn sẵn sàng cho sự đổi mới, chấp nhận sự khác biệt, giúp cho tính sáng tạo có khả năng nảy mầm để không ngủ quên trên một vài thành quả.

 

Đến đây tôi chợt nhớ những thông điệp mà ông Obama luôn dựa vào để vận động cử tri khi tranh cử tổng thóng. Ông muốn người dân Mỹ bước vào thời kì “Sáng tạo lại nước Mỹ”, nghĩa là báo động nước Mỹ đang ngủ quên trên thành tựu, đang lưu luyến những giá trị không còn có lợi cho sự phát triển.

 

Trở lại tâm sự của GS. Nguyễn Chung Tú, tôi hiểu ông suốt đời mong đào tạo cho đất nước những trí thức ưu tú không chỉ về kiến thức, mà còn hội đủ các yếu tố “ích nước, lợi nhà”. Những chính sách vĩ mô về giáo dục cần phải đầu tư cho nền tảng gồm những giái trị về đạo đức, tính sáng tạo và kiên trì để một cộng đồng năng động có điều kiện phát triển

 

Hồng Bích

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo