Phân tích

Cộng đồng kinh tế ASEAN: Vượt thách thức để nắm cơ hội!

(DNVN) - Gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) là một dấu mốc quan trọng, điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Theo đánh giá của Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), quyết định gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đúng đắn, mang lại lợi ích quan trọng và thiết thực cho Việt Nam. Đây là dấu mốc quan trọng, điểm đột phá đầu tiên trong tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, góp phần triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước.

Muôn vàn thuận lợi

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, sau 20 năm gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2015), cùng với sự phát triển mạnh mẽ của Hiệp hội với việc thúc đẩy tiến trình hình thành Cộng đồng ASEAN vào cuối năm 2015 và xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng 2025, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội cũng như thách thức trong quá trình tham gia hợp tác ASEAN.

Cụ thể, sau khi hình thành vào cuối năm nay, AEC cơ bản sẽ trở thành một thị trường chung gồm khoảng 600 triệu người tiêu dùng với tổng GDP gần 3.000 tỷ USD, một không gian sản xuất thống nhất, giúp phát huy lợi thế chung của khu vực ASEAN. Hàng hóa, dịch vụ, vốn, công nghệ và lao động có tay nghề sẽ được tự do lưu chuyển trong ASEAN mà không chịu bất cứ hàng rào hay sự phân biệt đối xử nào giữa các thành viên.

Cộng động kinh tế ASEAN: Vượt thách thức để nắm cơ hội!. Nguồn: Internet.

Việt Nam sẽ có cơ hội dễ dàng tiếp cận thị trường trong và ngoài khu vực, qua đó mở rộng thị trường, đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu; ổn định nguồn nhập khẩu và hạ giá đầu vào nhập khẩu, từ đó, góp phần cải cách quản lý, dịch chuyển cơ cấu kinh tế và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội.

Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, từ trước tới nay, ASEAN luôn là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam. Tính đến 9 tháng đầu năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam với thị trường ASEAN đạt 31,3 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hàng hóa sang khu vực thị trường ASEAN đạt trị giá 13,7 tỷ USD và chiếm 11,4% kim ngạch xuất khẩu của cả nước ra thế giới. Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Việt Nam đã nhập khẩu xấp xỉ 17,6 tỷ USD hàng hóa có xuất xứ từ các nước ASEAN, chiếm 14,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước từ tất cả các thị trường. Tính đến tháng 9 năm 2015, ASEAN đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam sau Trung Quốc và Hàn Quốc.

Cũng theo Vụ này, việc gia nhập AEC cũng giúp Việt Nam có cơ hội tăng cường thu hút FDI cũng như mở rộng cơ hội đầu tư sang các nước ASEAN và cơ hội kinh doanh từ bên ngoài; tiếp cận các nguồn hỗ trợ về khoa học-công nghệ, học tập kinh nghiệm quản lý tiên tiến, góp phần nâng cao trình độ và năng lực của đội ngũ cán bộ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Tính đến hết tháng 10 năm 2015, ASEAN có 2.629 dự án FDI còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký 56,55 tỷ USD, bình quân 1 dự án là 21,51 triệu USD/dự án cao hơn so với bình quân đầu tư 1 dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 13,9 triệu USD/dự án. Singapore dẫn đầu với 1.469 dự án, tổng vốn đầu tư là 33,9 tỷ USD, chiếm 60% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ 2 là Ma-lai-xia với 510 dự án,  tổng vốn đăng ký là 13,36 tỷ USD, chiếm 24% tổng vốn đầu tư. Thái Lan  đứng thứ 3 với 406 dự án, tổng vốn đầu tư là 7,03 tỷ USD chiếm 12% tổng vốn đầu tư", Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết.

Đồng thời, các doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi lớn nhờ phát huy hiệu quả từ quy mô để tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, dẫn tới giá cả hàng hóa cạnh tranh. Điều mong đợi hơn cả là việc AEC có thể tạo nên sự liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp ASEAN, đóng góp vào tăng trưởng và thịnh vượng chung của khu vực. Bên cạnh đó, định hướng cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho thương mại mà ASEAN đang đặt ra cho giai đoạn sau 2015 sẽ góp phần thúc đẩy hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Hơn nữa, khi gia nhập AEC, người tiêu dùng ASEAN sẽ có nhiều lựa chọn về hàng hóa và dịch vụ với giá cả thấp và chất lượng cao hơn. Thương mại và đầu tư nội khối có cơ hội phát triển nhanh chóng.

Bên cạnh đó, những tác động tích cực từ AEC sẽ góp phần tạo chuyển biến trong việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, luật lệ và thủ tục trong nước, phù hợp hơn với yêu cầu hội nhập quốc tế. Việc thực hiện các cam kết trong ASEAN tạo nền tảng để Việt Nam tiếp tục mở rộng và tăng cường quan hệ với các đối tác ngoài ASEAN, nhất là các nước lớn, cũng như tham gia sâu rộng hơn vào các khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế, qua đó góp phần nâng cao vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam.

Ngoài ra, tham gia hợp tác kinh tế ASEAN tạo cơ hội để các doanh nghiệp cải thiện năng lực cạnh tranh; tạo cơ hội để Việt Nam tiếp tục thay đổi cơ cấu xuất khẩu theo hướng tăng giá trị gia tăng (từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang mặt hàng có chất lượng cao); nâng cao năng lực và hiệu quả của nguồn nhân lực Việt Nam….

Vượt thách thức để nắm cơ hội

Cơ hội là không ít nhưng bên cạnh những thuận lợi mà Cộng đồng kinh tế ASEAN mang lại, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi tham gia vào sân chơi chung này. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam là môi trường cạnh tranh gay gắt hơn do hội nhập kinh tế khu vực mang lại, đặc biệt khi các quốc gia thành viên có đặc điểm sản xuất khá giống nhau, có những thế mạnh chung trong nhiều lĩnh vực. 

 

Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế còn cần được cải thiện nhiều hơn nữa, liên quan đến nhiều nguyên nhân như hạn chế về hạ tầng, bao gồm cả các yếu tố hạ tầng cứng (đường sá, cảng biển, năng lượng,…) và hạ tầng mềm (hệ thống pháp lý, bộ máy hành chính…), hạn chế về nguồn nhân lực, tốc độ điều chỉnh cơ cấu kinh tế để lợi ích tăng trưởng kinh tế được phân bổ đồng đều hơn, hạn chế về nhận thức của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân trong việc ứng xử với quá trình hội nhập kinh tế.

Ngoài ra, việc tuân thủ luật chơi chung và thực hiện các cam kết, thỏa thuận chung của các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác của mình, đòi hỏi đầu tư nguồn lực và điều chỉnh chính sách, pháp luật phù hợp cũng sẽ là một thách thức không nhỏ đối với Việt Nam khi tham gia vào sân chơi này.

Mặc dù sẽ gặp nhiều khó khăn, nhưng theo đánh giá của cơ quan này thì khi tham gia vào Cộng đồng kinh tế ASEAN không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước thành viên sẽ biết cách vượt qua thách thức để đón nhận cơ hội. "Xét một cách tổng thể, AEC sẽ đem lại nhiều cơ hội và lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, đặc biệt là cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và doanh nghiệp ASEAN nói chung", Vụ Chính sách thương mại đa biên cho hay.

Trước đó, với Tuyên bố ở Kuala Lumpur, Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 mở ra không ít cơ hội và thách thức đối nền Kinh tế các nước, đặc biệt là thị trường tài chính Việt Nam.

Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.

 

Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng 22/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.

VĂN HUY
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo