Việt Nam sẽ tận dụng tốt nền tảng hội nhập kinh tế khu vực ASEAN
Với Tuyên bố ở Kuala Lumpur, Cộng đồng ASEAN nói chung và Cộng đồng Kinh tế ASEAN nói riêng sẽ chính thức hình thành vào ngày 31/12/2015 mở ra không ít cơ hội và thách thức đối nền kinh tế các nước, đặc biệt là thị trường tài chính Việt Nam.
Cộng đồng kinh tế ASEAN, viết tắt là AEC (Asean Economic Community), kết nối nền kinh tế của 10 quốc gia ASEAN với quy mô dân số khoảng 630 triệu người, được kỳ vọng sẽ giúp khu vực này cạnh tranh hiệu quả hơn với hai nền kinh tế lân cận Trung Quốc và Ấn Độ.
Cộng đồng kinh tế ASEAN đã được 10 nhà lãnh đạo ASEAN ký tuyên bố chính thức vào sáng 22/11 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2015 tại Kuala Lumpur, Malaysia - cũng là một phần của Cộng đồng ASEAN (ASEAN Community) rộng lớn hơn, là một trong 3 “cột trụ” của Cộng đồng ASEAN bên cạnh hai cột trụ về chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội.
Để ra đời Cộng đồng kinh tế ASEAN tất cả các nước thành viên đã có nhiều đóng góp quan trọng, đặc biệt là Việt Nam. Đánh giá về những đóng góp của Việt Nam trong quá trình xây dựng AEC, Vụ chính sách thương mại đa biên - Bộ Công Thương, trong bối cảnh xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), vị trí và vai trò của nền kinh tế Việt Nam cần được xem cả trong khuôn khổ nội khối ASEAN và hội nhập nền kinh tế toàn cầu.
Theo đó, trong khuôn khổ nội khối, ASEAN là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam trong nhiều năm qua. Với lợi thế là một khu vực phát triển năng động, gần gũi về địa lý, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và ASEAN có mức tăng trưởng cao. Cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực, nâng cấp cả về chất lượng và giá trị. Xuất khẩu của ta sang ASEAN chiếm 11,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước trong 9 tháng đầu năm 2015.
Từ những mặt hàng truyền thống mà Việt Nam có thế mạnh như nông sản sơ chế và nguyên nhiên liệu như gạo, cà phê, cao su, dầu thô có hàm lượng chế tác thấp, thời gian qua Việt Nam đã xuất khẩu nhiều mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp như linh kiện máy tính, dệt may, nông sản chế biến với giá trị cao và ổn định. Việt Nam và các nước ASEAN khác cùng gia nhập các câu lạc bộ các nước xuất khẩu lớn nhất trên thế giới về gạo, cao su, cà phê, hạt điều, hàng dệt may.
Vụ chính sách thương mại đa biên cũng cho biết, Việt Nam là điểm đến đầu tư khá hấp dẫn của các nhà đầu tư ASEAN và và các nhà đầu tư khác đóng trụ sở tại ASEAN. Tính đến hết năm 2014, Singapore, Malaysia, Thái Lan là ba nước thành viên ASEAN nằm trong danh sách 10 đối tác có vốn đăng ký FDI lớn nhất vào Việt Nam.
Trong khuôn khổ hội nhập nền kinh tế khu vực và toàn cầu, Vụ Chính sách thương mại đa biên cho biết, trọng tâm của Cộng đồng Kinh tế ASEAN là sáng kiến phát triển thị trường và cơ sở sản xuất ASEAN chung dựa trên sự kết nối sức mạnh của thị trường 10 nước ASEAN với hơn 600 triệu người tiêu dùng và tổng GDP gần 3.000 tỷ đô la Mỹ/năm.
Việt Nam có quy mô dân số 90 triệu người dân, với tỷ lệ dân số trẻ ở mức cao, tổng GDP 184 tỷ đô la Mỹ năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,9% năm 2014 và 6,3% nửa đầu năm 2015. Vì thế, Việt Nam đóng góp đáng kể cho ASEAN cả về ý nghĩa thị trường và cơ sở sản xuất.
Trong quá trình xây dựng AEC, Việt Nam đã cùng với các nước ASEAN hợp tác sâu rộng với nhiều đối tác quan trọng, đặc biệt trên cơ sở các FTA giữa ASEAN với Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, New Zealand và Trung Quốc đã tích cực thúc đẩy việc đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Các nội dung hợp tác này đặt ASEAN vào vị trí trung tâm trong cấu trúc hội nhập kinh tế khu vực đang nổi lên và trở thành một trung tâm sản xuất và thị trường quan trọng của thế giới.
Ngoài ra, Việt Nam cũng đồng thời tham gia nhiều các FTA với các đối tác ngoài khối như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương, FTA với EU, với Liên minh Kinh tế Á-Âu... càng mở rộng khả năng tiếp cận thị trường và nâng cao tính ổn định, bền vững của thương mại và đầu tư thông qua các cam kết về môi trường kinh doanh, thương mại và đầu tư.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, Việt Nam đóng vai trò là một điểm đến quan trọng cho đầu tư nước ngoài để sản xuất cho khu vực ASEAN và nhiều thị trường quan trọng. Đi cùng với đầu tư là dòng hàng hóa, dịch vụ và lao động có kỹ năng mà Việt Nam cần để nâng cao khả năng sản xuất của mình. Việt Nam cần hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng chất lượng cao, công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Dựa trên những cơ sở đó, dự kiến Việt Nam sẽ tận dụng tốt nền tảng hội nhập kinh tế khu vực ASEAN để tăng cường liên kết và hội nhập kinh tế với nền kinh tế toàn cầu, tham gia vào các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của thế giới trong tương lai.
End of content
Không có tin nào tiếp theo